Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 2017 của Việt Nam

Minh An - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERDự báo kinh tế vĩ mô của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 2017 của Việt Nam

Báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam là 6,7% và 6,3%.

Theo đó, với quyết tâm như hiện nay của Chính Phủ, tăng trưởng 6,7% có thể đạt được, khi đó lạm phát cả năm được dự báo khoảng 3,2%.

Ở một kịch bản còn lại, nền kinh tế tăng trưởng trong trạng thái "tự nhiên" hơn, thì tăng trưởng đạt khoảng 6,37% và lạm phát cả năm sẽ thấp hơn (2,35%).

Một số dấu hiệu rủi ro vĩ mô được TS. Nguyễn Đức Thành, chủ biên báo cáo này nhận định:

Thứ nhất, dấu hiệu phụ thuộc vào khu vực FDI trong hoạt động xuất khẩu ngày càng rõ rệt. Kết quả là khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng.

Thứ hai, ngân sách và nợ công vẫn là nguy cơ tạo nên các bất lợi vĩ mô của Việt Nam.

Thứ ba, tỷ trọng chi ngân sách cho đầu tư phát triển có xu hướng giảm do thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi thường xuyên, và khoản này đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua.

Thứ tư, Fed tăng lãi suất và chính sách kinh tế của Tổng thống Trump có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Đưa ra các hàm ý chính sách ngắn hạn, VEPR cho rằng các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô... có thể làm chậm năng động cải cách. Điều này dẫn đến trì hoãn sự phục hồi tăng trưởng bền vững.

Cơ quan hoạch định chính sách cần thẩn trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt cần chặt chẽ và độc lập trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017, giữ vững mục tiêu lạm phát.

Chính phủ cần thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, tiếp tục cải cách DNNN theo hướng tinh giản, đồng thời nên cắt bỏ những khoản hỗ trợ dành cho các hoạt động nhờ vào NSNN như khu vực hội, đoàn thể.

Về tầm nhìn chính sách trong trung và dài hạn, theo VEPR cần cải cách thể chế để xây dựng nhà nước kiến tạo, đặt nền tảng cho những nguyên tắc căn bản của xã hội, người dân. Giải quyết các mối quan hệ lớn thông qua xây dựng hoặc sửa đổi pháp luật.

Phân định quyền tài sản đối với tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững. 

Điều chỉnh chính sách theo hướng phù hợp với thực trạng tầng lớp trung lưu đang hình thành và phát triển nhanh chóng (tránh sa vào hướng dân túy). 

Khuyến khích phát triển xã hội công dân, các hình thức tổ chức phi lợi nhuận, nhằm giúp nâng cao năng lực quản trị địa phương