Hành lang kinh tế Lạch Huyện – Trung Quốc: ‘Điểm dừng chân’ của các dự án FDI triệu, tỷ đô

Hồ Mai - 11:40, 15/09/2017

TheLEADERĐiểm cuối của hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hải Phòng là cảng cửa ngõ Lạch Huyện đang nóng lên bởi hạ tầng và giao thông đang được hoàn thiện. Cuộc đua của các dự án FDI triệu, tỷ đô vào khu vực này đã và đang diễn ra.

Với tổng kinh phí đầu tư hàng tỷ USD, các dự án như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Tân Vũ- Lạch Huyện, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cùng với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải có thể xem là sự kết hợp “thiên thời địa lợi” đưa Hải Phòng – cửa ngõ quan trọng trong hành lang kinh tế kết nối với Côn Minh Trung Quốc – trở thành địa điểm lý tưởng để xây dựng nhà máy, triển khai dự án của nhiều doanh nghiệp ngoại.

Trong năm 2016, với gần 3 tỷ USD vốn FDI thu hút được, Hải Phòng đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2017, tổng vốn FDI đạt 537,77 triệu USD và mục tiêu hút vốn đầu tư của thành phố cảng này năm 2017 là hơn 2 tỷ USD.

Các dự án FDI tại Hải Phòng cơ bản tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo các thiết bị điện tử, chi tiết và linh kiện công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, bất động sản và xây dựng,...

TheLeader.vn xin điểm lại một số dự án đầu tư tiêu biểu của các nhà đầu tư nước ngoài tại Hải Phòng.

LG và ba dự án 3,55 tỷ USD

Tháng 5/2016, Công ty LG Display Việt Nam – thuộc Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã khởi công xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất và gia công các sản phẩm màn hình công nghệ cao (màn hình OLED) cho các thiết bị di động như điện thoại, đồng hồ thông minh, máy tính bảng... tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng). Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 1,5 tỷ USD.

Với 3 dự án lớn đã được cấp phép, tổng vốn đầu tư của Tập đoàn LG tại Hải Phòng đã lên tới con số 3,55 tỷ USD

Đây là dự án công nghệ sản xuất màn hình hiện đại được LG Display lần đầu tiên đầu tư ra khỏi Hàn Quốc và là dự án lớn thứ hai của tập đoàn này tại Khu công nghiệp Tràng Duệ sau khi LG Electronics khánh thành dự án sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng có cùng tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD vào tháng 3/2015.

Ngoài ra, tháng 9/2016, một công ty khác thuộc Tập đoàn LG là Công ty LG Innotek cũng được cấp nhận giấy chứng nhận đầu tư để xây dựng nhà máy modulle camera, với vốn đầu tư 550 triệu USD trên diện tích 10 ha tại Khu công nghiệp Tràng Duệ để thực hiện “Dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng”.

Với 3 dự án lớn đã được cấp phép, tổng vốn đầu tư của Tập đoàn LG tại Hải Phòng đã lên tới con số 3,55 tỷ USD. Một tín hiệu cho thấy Hải Phòng sẽ sớm trở thành cứ điểm sản xuất mới của LG trên toàn cầu.

Bridgestones và dự án lốp xe 1,22 tỷ USD

Năm 2012, Nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone của Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Đình Vũ trở thành một trong những dự án FDI lớn nhất tại Hải Phòng và Việt Nam thời điểm đó với tổng vốn đầu tư lên tới 1,22 tỷ USD trên diện tích 102,4 ha tại Khu công nghiệp Đình Vũ.

Năm 2014, dự án chính thức được hoàn thành và đưa vào hoạt động. Tính đến nay, dự án 100% vốn đầu tư Nhật Bản này cũng là dự án FDI lớn thứ hai tại Hải Phòng, chỉ sau dự án của Tập đoàn LG tại Khu công nghiệp Tràng Duệ.

Năng lực sản xuất của nhà máy này dự kiến đạt 49.000 lốp/ngày trong 6 tháng cuối năm 2017.

Nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone tại Khu công nghiệp Đình Vũ. (Ảnh: bridgestone.com.vn)

Mục tiêu của nhà máy là xuất khẩu lốp xe đa dụng cho xe ô tô con và xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản.

Tập đoàn Bridgestone, có trụ sở tại Tokyo, là công ty sản xuất cao su và lốp xe lớn nhất thế giới. Ngoài các lốp xe được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau, công ty còn sản xuất một loạt các sản phẩm đa dạng, bao gồm cao su và sản phẩm hóa chất công nghiệp và hàng thể thao. 

Fuji Xerox và dự án sản xuất lớn nhất VSIP Hải Phòng

Năm 2013, Công ty TNHH Fuji Xerox Hải Phòng – thuộc Tập đoàn Fuji Xerox (Nhật Bản) đã chính thức lễ khánh thành nhà máy sản xuất máy in, máy photocopy (giai đoạn 1) tại khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng - dự án sản xuất công nghiệp lớn nhất trong khu công nghiệp này tính đến hiện tại.

Nhà máy Fuji Xerox Hải Phòng. (Ảnh: Fuji Xerox Hải Phòng)

Dự án được triển khai xây dựng trên diện tích 18 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, riêng đầu tư cho giai đoạn 1 là 119 triệu USD. 

Fuji Xerox (Nhật Bản) là công ty con của Tập đoàn Fujifilm Holdings (75%) và Tập đoàn Xerox của Mỹ (25%).

Công ty TNHH Fuji Xerox Việt Nam là công ty con 100% vốn của Fuji Xerox (Nhật Bản), cùng với các công ty kinh doanh khác tại Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore Malaysia, New Zealand, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Campuchia và Myanmar.

Rent-A-Port và Khu công nghiệp Đình Vũ 

Khu công nghiệp Đình Vũ (Deep C) được khởi xướng với sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và liên doanh các nhà đầu tư quốc tế mà đứng đầu là Công ty Rent-A-Port từ Vương quốc Bỉ.

Khu công nghiệp Đình Vũ được đánh giá là là địa điểm đầu tư lý tưởng với vị trí chiến lược.

Khu công nghiệp Đình Vũ được đánh giá là là địa điểm đầu tư lý tưởng do vị trí chiến lược nằm ở trung tâm của hệ thống cảng Đình Vũ, Cảng nước sâu Lạch Huyện, hệ thống đường cao tốc xuyên suốt đồng bằng sông Hồng và sân bay quốc tế Cát Bi. 

Khu công nghiệp này đã trở thành “ngôi nhà chung” cho 14 nhà đầu tư Nhật Bản xây dựng cơ sở sản xuất phục vụ thị trường châu Á và trên toàn thế giới. Các tên tuổi lớn có thể kể đến là Bridgestone, JX Nippon Oil & Energy, Idemitsu, IHI, Nakashima, Nippon Express và Yusen.

Trong đó, nhà máy đầu tiên của Nhật Bản là Nakashima Vietnam - một công ty con của Nakashima Holdings Co., Ltd - vận hành trong lĩnh vực sản xuất chân vịt tàu thuỷ và các thiết bị liên quan.

Rent-A-Port đã đầu tư hơn 200 triệu USD vào Việt Nam và cam kết đầu tư thêm 250 triệu USD vào các dự án cảng và khu công nghiệp thuộc thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh trong vòng 10 năm tới.

Gần đây, Deep C đã ký kết biên bản ghi nhớ với Daiwa House về hợp tác thu hút các dự án đầu tư tiềm năng cho Khu công nghiệp Đình Vũ và khu mở rộng. Daiwa House là công ty lớn nhất của Nhật Bản trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng.

Rent-A-Port cũng ký biên bản ghi nhớ với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) về hợp tác trong các dự án bến cảng ngũ cốc chuyên dụng, khu chế biến, hệ thống logistics tại khu vực Lạch Huyện và bến cảng tổng hợp tại khu vực Đình Vũ, Hải Phòng.  

Công ty đến từ Bỉ còn có thể tham gia vào dự án xây dựng bến cảng tổng hợp có chiều dài 630 m tại khu vực Đình Vũ. Dự án do Công ty cổ phần Cảng Vinalines Đình Vũ đầu tư, trong đó, Vinalines nắm giữ 51% vốn điều lệ.

Hiện Rent A Port cũng có kế hoạch tiếp tục thực hiện các dự án mở rộng đến khu Nam Đình Vũ, Cát Hải (giáp với Cảng nước sâu Lạch Huyện) và đầm Nhà Mạc (tỉnh Quảng Ninh), hình thành nên tổ hợp công nghiệp Deep C với diện tích hơn 3.000 ha nằm ngay tại trung tâm phát triển cơ sở hạ tầng của miền Bắc Việt Nam.

Rent A Port là công ty chuyên về đầu tư và quản lý cảng thuộc Tập đoàn Ackermans & van Haaren của Bỉ, được thành lập năm 1885 và là một trong những công ty đầu tư lớn nhất đã niêm yết trên sàn chứng khoán Bỉ, với khối tài sản 2,7 tỷ Euro.