Hành trình ngược dòng của Võ Minh Khải với hạt gạo hữu cơ

Kim Yến - 08:15, 19/05/2018

TheLEADERLăn lộn trong ngành xuất khẩu gạo nhiều năm trời, ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú Organic & Heallthy Food hiểu hơn ai hết nỗi đau của một nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới mà nông dân vẫn nghèo, người dân vẫn phải ăn gạo bẩn, bài toán mấy chục năm qua chưa có lời giải.

Âm thầm “lội ngược dòng” về U Minh Hạ suốt 20 năm qua, khai hoang, lập ấp, nghiên cứu khoa học trên mảnh đất tinh khiết hiếm hoi còn sót lại, để tìm cho ra giống lúa mới mang tên Hoa sữa, với đầy đủ “phẩm hạnh” của hạt gạo hữu cơ: sạch, ngon, bổ dưỡng, có lúc ông từng đứng trên bờ vực phá sản, tưởng chừng như mất luôn thương hiệu.

Nỗ lực nâng cao phẩm hạnh của hạt gạo hữu cơ

Nông trại hữu cơ Viễn Phú Green Farm với diện tích 320ha, được đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp hữu cơ từ năm 2007. Gần 10 năm vượt khó để biến vùng đất hoang sơ thành nông trại sạch, với số tiền 4,5 triệu USD, mang đến sản phẩm hữu cơ được chứng nhận quốc tế thương hiệu HoaSuaFoods của ông Võ Minh Khải là cả một hành trình gian truân.

Hành trình ngược dòng của Võ Minh Khải với hạt gạo hữu cơ
Doanh nhân Võ Minh Khải

Nhìn trang trại như châu Âu giáp vòng 60 km này, bẻ cọng rau cải lên bỏ vô miệng ăn được liền, ít ai biết ban đầu không có đường ông phải đi đò mới vô được, mắc võng giăng màn giữa cánh đồng hoang “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lền như bánh canh” người ta nói ông khùng, có người còn tưởng ông trồng thuốc phiện.

Tuân thủ nguyên tắc canh tác hữu cơ quốc tế, với 8 loại gạo, 27 loại rau, 7 loại cá đồng của Viễn Phú đã thực sự là một cuộc cách mạng xanh vì an sinh bền vững, đưa tên tuổi Võ Minh Khải đi xa, được giới khoa học quốc tế ngưỡng mộ. Nhưng tiếp xúc với ông, vẫn giản dị, mộc mạc, ngang tàng, “rặt” một lão nông Nam Bộ, vẫn trăn trở ưu tư như một nhà khoa học chẳng biết bến bờ, vẫn đau đáu với nỗi đau nhân tình thế thái.

Đang làm kinh doanh xuất khẩu khá thành công, ông đột ngột bỏ phố về rừng để tìm đất, tìm giống. Vốn là người cũng ngang tàng lắm, nhưng chen chân giữa một xã hội quá phức tạp, ông muốn thoát khỏi để tìm nơi trong lành hơn, thế là về rừng.

Bản thân cha mẹ Võ Minh Khải cũng là nông dân, cuộc đời ông đi nước này nước kia cũng nhiều, xuất khẩu gạo có chuyến tàu 20 - 30 ngàn tấn, điều anh đau nhất là người ta lấy gạo mình bọc vỏ bao bì khác rồi xuất khẩu giá gấp nhiều lần.

Ông tâm sự: “Chẳng có thương hiệu gạo nào của Việt Nam ra được với thế giới. Nhiều khi chúng ta tự hào có những giống ngon như tám thơm, nàng thơm chợ Đào… nhưng giờ gần như tuyệt chủng. Canh tác của nhà nông thì quá trời chuyện tày đình. Việt Nam hiện có tỷ lệ ung thư, tiểu đường, tim mạch, béo phì nhất nhì thế giới. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra nguyên nhân 80% xuất phát từ thực phẩm, môi trường.

Gieo cái gì sẽ gặt cái đó thôi, một dòng họ phải có một đến hai người dính vào căn bệnh trầm kha, rõ ràng chi phí xã hội lớn cỡ nào, chưa kể sức lực, thời gian, lao tâm khổ tứ cho cả gia đình. Vấn đề sức khỏe cộng đồng, trong đó có sức khỏe của bản thân mình đã thôi thúc tôi bằng mọi giá phải tìm cho ra một mô hình sản xuất sạch để cung ứng thực phẩm hữu cơ từ nông trại đến bàn ăn.

Về khía cạnh thương mại, đây cũng là xu hướng của tương lai, của thế giới. Các nước người ta đi trước mình nhiều lắm rồi, còn Việt Nam bây giờ ra siêu thị, bày biện đẹp mắt thế chứ không biết ăn gì, uống gì, vì chẳng biết thật hay giả, chẳng lẽ tự trồng tự nuôi”.

Không sử dụng giống sẵn có mà nhọc công suốt bao năm để tìm ra giống mới Hoa Sữa, ông muốn thay đổi cấu trúc bên trong của hạt gạo, để hạn chế bớt khuyết điểm của nó, và làm tăng thêm một số đặc tính sinh học như chất chống oxy hóa cao, chỉ số đường huyết thấp, chất xơ tăng lên nhiều lần. Mấy ai thấu hiểu hành trình 10 năm thất bại của ông!

Bao nhiêu nghiên cứu, phân tích nếu tính thành tiền là con số không nhỏ, khiến ông hao mòn năng lượng không biết bao nhiêu mà kể. Lúc đầu dự kiến đầu tư không lường hết được, mà ông lại chẳng nhận được sự hỗ trợ nào từ Nhà nước. Đến khi chất lượng ổn định, công bố kết quả thì không ai tin, ông đuối cỡ nào, rồi áp lực xã hội, người thân, gia đình.

“Tập biết chấp nhận, thần kinh tôi “hơi bị thép” mới vượt qua được lúc ấy. Nhưng tôi có đam mê, có lòng tin của người kinh doanh. Người nào đam mê người đó không hạnh phúc, vì khi trở lại với đời thường có những lúc cô đơn lắm, ốm đau hoạn nạn không ai chia xẻ. Gia đình thì không hiểu, bạn bè chỉ là tha nhân, đối diện với chính mình, liệu có đủ bản lĩnh để vượt qua, bi kịch lớn nhất nằm ở đó. Mình phải tập chấp nhận, tập cân bằng để tồn tại thôi.

Nếu cứ trăn trở hoài không giải quyết được gì, cái gì cũng có giá của nó. Nếu nhìn lại, cũng chưa có gì là thành công, vầng dương mới vừa ló dạng thôi. Mười năm qua đi trong mờ ảo, giờ đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, nếu biết trước gian nan vầy chắc không dám đi đâu”, ông Khải tâm sự.

Vừa làm ra giống lúa mới, vừa thay đổi phương pháp canh tác, để sản phẩm làm ra sạch, có thêm một số dược tính sinh học nhằm hỗ trợ phòng ngừa bệnh mãn tính. Từ việc thay đổi nhận thức mới về gạo, ông muốn đưa ra thông điệp với mọi người, bất kể da trắng, da đen, da màu: Đừng tiếp tục đưa vào cơ thể những chất độc hại nữa và làm thế nào đưa ra từ từ những chất độc đã tích tụ mấy chục năm nay bằng con đường sinh học.

Từ chỗ Việt Nam không có thương hiệu, lựa chọn thực phẩm để thay đổi sức khỏe, thay đổi lối sống, suy nghĩ không dễ, phải rất kiên trì. Từ xuất ít đến xuất nhiều, thương hiệu Hoa Sữa đã có tiếng trên thị trường quốc tế.

Hành trình ngược dòng của Võ Minh Khải với hạt gạo hữu cơ 1
Sản phẩm gạo HoaSua của Công ty Viễn Phú đang được xuất khẩu khắp thế giới

“Nhiều người nói tôi quá lý tưởng. Tôi không đi chùa, không theo tôn giáo, mà hướng qua việc làm cụ thể. Ngoài chuyện kinh doanh lời lỗ, bất cứ sản phẩm nào làm ra trong tâm linh đều giữ được cái chuẩn: Không đưa cái độc kèm theo trong sản phẩm. Vừa nghiên cứu khoa học, vừa sản xuất, vừa làm nhà máy chế biến, vừa tiêu thụ bốn nhà vô một mình tôi mà còn sống dở chết dở vì chưa nhận được sự giúp đỡ từ Nhà nước, vốn còn khó khăn.

Liên kết bốn nhà nghe thì có lý, nhưng thực tế chỉ như nước trên mặt hồ, mất thì giờ. Chính sách cắt khúc mà nói chuỗi giá trị thì chuỗi cái gì? Nhà nước khuyến khích xây dựng thương hiệu mà không có kinh nghiệm quốc tế, tốn kém cỡ nào”, ông Khải chia sẻ.

Xã hội đang bấn loạn với chuyện “hữu cơ”

Đề cập đến trào lưu hữu cơ với bao thật giả, vàng thau lẫn lộn, Võ Minh Khải vô cùng bức xúc: “Chỉ ở Việt Nam mới có cái gọi là “rau an toàn”, “rau sạch” và quảng cáo tưng bừng. Ở nước ngoài thì không, bất cứ loại thực phẩm nào có mặt trên thị trường đều đáp ứng yêu cầu an toàn, nếu không sẽ bị lôi thôi với pháp luật ngay. Canh tác thì lẻ mẻ, mỗi ấp trồng đến cả trăm loại giống, lạm dụng chữ “hữu cơ” một cách tinh vi để lừa gạt người tiêu dùng mà chưa có cơ chế kiểm soát, khiến cho những người chân chính như tôi bị ảnh hưởng mà chẳng biết thưa ai. Global GAP, Euro Gap, Viet GAP vẫn là canh tác hóa học, an toàn có giới hạn, đó chính là “kẻ giết người thầm lặng”.

Canh tác hữu cơ cần một loạt tiêu chuẩn kèm theo, chứ không chỉ một. Hàng năm chúng ta vẫn nhập vô hàng trăm tấn thuốc trừ sâu, thuốc đó ngấm vô cây cỏ, ngấm vô nước ngầm, con người lãnh đủ. Hàng năm Việt Nam nhập cả trên 100.000 tấn thuốc trừ sâu, dùng bừa bãi, vứt chai lọ bừa bãi, cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt thì việc lan và nhiễm khủng khiếp thế nào. Đây mới là vấn đề nguy hiểm lâu dài hơn nhiều so với việc dùng hóa chất lăng nhăng trong chế biến thực phẩm!

Hãy hình dung toxins tồn đọng trong đất, nước, sản phẩm chưa tính đến phụ gia thêm vào trong quá trình chế biến, bảo quản, thì ung thư, tiểu đường, tim mạch gia tăng chóng mặt là điều hiển nhiên! Hãy tự cứu mình trước khi đổ thừa số phận!

Xã hội đang bấn loạn với chuyện “hữu cơ”, 90% nhà sản xuất đã lạm dụng vô chuyện “sạch” để quảng cáo mưu cầu thương mại, nhưng vẫn phun hóc môn, vẫn phun thuốc diệt cỏ mà chẳng có luật nào để bảo vệ người tiêu dùng, cũng chẳng thấy nhà khoa học nào lên tiếng vì sợ đụng chạm. Họ vẫn như con voi đi ngênh ngang không có vấn đề gì, tất cả vì lòng tham trước mắt mà hại biết bao người. Cạnh tranh với Pakistan, Thái Lan mà không sạch, không bài bản thì thua”.

Ông Khải kiến nghị, Nhà nước, các phương tiện thông tin cần cung cấp cho người tiêu dùng kiến thức để phân biệt chất lượng sản phẩm lưu hành, tiêu chuẩn đánh giá… liên quan đến sức khỏe như: Sản xuất hóa học là gì? Chất lượng sản phẩm liên quan đến sức khỏe thế nào?

Thế nào là sản xuất theo VietGap, EuroGap, GlobalGap, sản xuất theo tự nhiên(sinh thái- không chủ động dùng hóa học nhưng có khả nhiễm gián tiếp từ 5-10%), sản xuất theo công nghệ cao (hóa học, có sự đóng góp của máy móc, thiết bị, tăng kiểm soát, giảm lao động và sản xuất hữu cơ (tuyệt đối không dùng hóa học, và được kiểm soát tất cả quy trình.

Nếu tôi cứ nói khơi khơi là sạch thì ai mà tin, phải nhờ tổ chức quốc tế đến chứng nhận (Control Union Hà Lan chứng nhận đạt chuẩn canh tác hữu cơ Mỹ và châu Âu). Nếu Việt Nam có thể cấp giấy chứng nhận mà được quốc tế công nhận thì doanh nghiệp sẽ giảm được giá thành. Đó là giấy thông hành để gạo hữu cơ Hoa Sữa chinh phục những thị trường khó tính trên thế giới như Anh, Mỹ, Nga… với giá bán trung bình cao hơn gạo thường từ 2-5 lần và cao nhất là gấp đến 10 lần”.

Hành trình ngược dòng của Võ Minh Khải với hạt gạo hữu cơ 2
Ông Võ Minh Khải (bên trái) đang trao đổi với một đối tác trên cánh đồng.

Điều khiến Võ Minh Khải ưu tư nhất chính là đời sống tinh thần của con người hôm nay: “Xã hội hiện nay, tính chân thật gần như hiếm hoi, con người sống với những mặt nạ quá nhiều vì người làm giả nhiều hơn làm thật. Điều đó lý giải vì sao chúng ta không đầu tư vào sản xuất, sản xuất sạch lại càng khó hơn, vì bán ở đâu, ai là người hỗ trợ”.

Để xả stress, đôi khi ông phải dựa vào tâm linh, nếu không rất dễ rơi vào bế tắc. Có những khoảng lặng ông tắt tất cả điện thoại, đi du lịch một mình năm bảy ngày “Giống như ngồi coi lại mình, tại sao lại như vậy? Tìm ra cái gì đang bị lệch đi để tự điều chỉnh. Một niềm vui khác của tôi là viết những bài về sức khỏe để mọi người cùng hiểu sức khỏe là quý nhất.

Tôi chỉ là một ốc đảo, có những lúc rất nản lòng, muốn bỏ cho rồi nhưng lại có nhiều người dân động viên: “không làm lớn thì cố giữ lại 3 –4 ha để tui có gạo ăn nha”, “ hãy cố lên, làm sản phẩm sạch phúc đức lớn lắm”. Nhiều nhà sư cũng gọi điện động viên, tiếp sức.

Cũng may là đoạn chông gai nhất đã tạm vượt qua, sản phẩm đã ra, bắt đầu có thương hiệu trên thị trường quốc tế, người ta tìm đến mình. Giờ phải nỗ lực để duy trì, tiếp tục nghiên cứu để có hạt gạo ngon hơn, kênh phân phối tốt hơn, nếu không sẽ sụp rất dễ. Với đối tác nước ngoài, cũng phải chọn ai coi “được” nhất, đó là sự khác biệt.”

Ông muốn đi một con đường mới, đưa ra một “New Concept về gạo”, trước hết là giúp được bà con xung quanh, nếu mô hình này thành công, sẽ giúp Nhà nước thấy được cái lợi để từ đó giúp cho nhiều người cùng làm thì giá thành càng hạ. Mục tiêu của Viễn Phú và HoaSuaFoods là trở thành một nông trại công nghệ trong thực phẩm hữu cơ và một thương hiệu thực phẩm hữu cơ cho mọi nhà”.