Hoài nghi về 'động cơ' Big C dừng bán nhãn hàng riêng

Thu Phương - 09:00, 11/10/2017

TheLEADERChúng ta đang tự tạo cơ hội cho hàng ngoại vào chiếm thị phần, từ việc sản xuất không sạch, ép chiết khấu, cơ chế quản lý không tạo động lực cho sản xuất, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định.

Hoài nghi về 'động cơ' Big C dừng bán nhãn hàng riêng
Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội. Ảnh Bizlive

Hệ thống siêu thị Big C gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi với trên 1.000 mặt hàng mang nhãn hàng riêng vừa cho biết họ sẽ ngừng kinh doanh các mặt hàng này. Động thái mới từ Big C được cho là đang gây ra những tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và thị trường bán lẻ trong nước.

Về vấn đề này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi ngắn với chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội,

Thưa ông, ông nhận định như thế nào về việc Big C tuyên bố ngừng kinh doanh các mặt hàng mang nhãn hàng riêng?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Về việc Big C tuyên bố ngừng kinh doanh các mặt hàng nhãn hàng riêng, theo đại diện hệ thống siêu thị Big C xác nhận trên các các phương tiên truyền thông là họ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu của riêng họ. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương thông qua chương trình Đồng hành cùng thương hiệu Việt.

Với chính sách mới này, Big C cũng khẳng định các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hỗ trợ phát triển thương hiệu riêng, hỗ trợ mặt bằng để trưng bày hàng hóa trong siêu thị, ưu tiên để có thể tiếp cận người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu, xây dựng kênh phân phối mới…

Tuy nhiên, tôi rất hoài nghi về lời hứa này của Big C. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng họ ngừng đặt doanh nghiệp Việt làm nhãn hàng riêng rất có thể là để tạo cơ hội cho hàng Thái vào siêu thị. Điều này gần như đã được dự báo trước từ khi BigC thuộc về tay đại gia người Thái.

Hiện nhãn hàng riêng của Việt Nam không chỉ có sức hút đối với người tiêu dùng do giá rẻ hơn từ 5 - 15% so với các mặt hàng cùng loại mà còn mang lại lợi nhuận rất lớn cho siêu thị. Đang có tác động tích cực như vậy tại sao họ dừng bán? Phải chăng là để giành chỗ cho hàng Thái xâm nhập dễ hơn vào thị trường Việt Nam.

Đây cũng là điều xuất phát từ thực tế, bởi người Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chắc chắn cũng sẽ ưu tiên cho hàng Việt ở vị trí tốt nhất, người Thái cũng vậy. Trong khi đó, hàng Thái lại có ưu thế hơn hàng Việt, làn sóng hàng Thái vào Việt Nam đang rất lớn và ngày càng phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây.

Nói về khả năng hàng Thái xâm nhập vào các thị trường nước ngoài, vừa qua Lãnh đạo Thái Lan đã tuyên bố sẽ biến Thái Lanh thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu rau quả và các mặt hàng tiêu dùng ra khu vực. 

Hiện thị trường Thái Lan đã bão hòa, trong khi sức sản xuất rất lớn, sản xuất dư thừa, máy móc sản xuất hết khấu hao vào hoàng hóa nên giá rẻ. Ngoài ra còn phí, thuế, chi phí xúc tiến thương mại hỗ trợ cho hàng Thái ra nước ngoài, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bằng 0 cũng rất thuận lợi.

Trong khi đó, hàng Thái lại đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với người tiêu dùng Việt Nam vì chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hệ thống phân phối, quảng bá tốt. Do đó, trong cuộc đua giành thị phần này, doanh nghiệp Việt sẽ rất khó khăn.

Vậy trong bối cảnh như hiện nay, doanh nghiệp Việt phải làm gì để cạnh tranh, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Quay lại câu chuyện của các nhà sản xuất Việt, tôi cho rằng đã đến lúc họ nên dừng việc mải mê đi làm nhãn hàng riêng mà phải cải tiến mẫu mã, cải tiến công nghệ, đầu tư chiều sâu... nhằm sản xuất ra những sản phầm có chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn trên thị trường.

Vẫn biết điều này là rất khó, thị trường không thể ngày một ngày hai xoay chuyển được thế cờ. Các doanh nghiệp Việt có thể sẽ phải mất 5 - 10 năm, trong khi hàng ngoại ngày càng lớn mạnh, tuy nhiên chúng ta không thể không làm.

Việc để cho các nhà bán lẻ ngoại xâm lấn thị phần, tìm mọi cách giành thị phần là do các doanh nghiệp trong nước không chịu đổi mới, hàng hóa nội không có sức hút đối với người tiêu dùng.

Các nhà quản lý của Việt Nam vẫn luôn tuyên bố hàng Việt chiếm 80 – 90% thị trường. Song, tôi rất hoài nghi về con số này. Liệu nó có đùng hay không khi gần chục năm nay chúng ta vẫn cứ giữ một điệp khúc như vậy, trong khi thị trường luôn biến động không ngừng. 

Chúng ta hay đập quả trứng ra xem nó đỏ hay trắng chứ đừng mân mê cái vỏ bên ngoài. Hàng Việt hiện chỉ còn nông sản, thực phẩm là còn khá trong siêu thị, còn các mặt hàng khác đã bị hàng Thái, Trung, Nhật xâm lấn rất nhiều.

Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước nên có giải pháp gì?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Bộ Cộng thương cần tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho sản xuất trong nước, cắt giảm các giấy phép con gây khó cho doanh nghiệp. Không phải một thanh socola nội 13 giấy phép. 

Chúng ta đang tự hại chính mình đến 70% từ việc sản xuất không sạch, ép chiết khấu, cơ chế quản lý không tạo động lực cho sản xuất... Các nhà quản lý nhà nước đừng chỉ liên tục ra điều kiện kinh doanh, o ép về chi phí ngầm, chi phí chính thức đối với doanh nghiệp Việt.

Làm như vậy là chúng ta đang giết chết doanh nghiệp Việt, tự tạo cơ hội cho hàng ngoại vào chiếm thị phần. Nếu chúng ta chịu thay đổi, không tự vươn lên, chỉ chưa đến 5 năm nữa thôi, mọi thứ sẽ khác và khó có thể cứu vãn. 

Xin chân thành cảm ơn ông!