Hội nghị Trung ương 7: Chính sách tiền lương phải lưu ý tính vùng miền, không cào bằng

Quỳnh Chi - 06:56, 10/05/2018

TheLEADERTại phiên họp chiều ngày 9/5, Hội nghị Trung ương 7 đã chỉ ra nhiều bất cập trong chính sách tiền lương; cho thấy sự cần thiết trong việc ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương.

Hội nghị Trung ương 7: Chính sách tiền lương phải lưu ý tính vùng miền, không cào bằng
Chính sách đãi ngộ cần đáp ứng năng lực của cán bộ.

Tại phiên thảo luận về Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”, ông Ngô Đông Hải, phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra thực tiễn 20 năm qua cho thấy, chính sách tiền lương còn có nhiều bất cập mặc dù đã qua 4 lần cải cách. 

Nguyên nhân được đưa ra chủ yếu là không triệt để đưa các loại chi phí vào lương dẫn đến việc trả lương không xác đáng mà bình quân, cào bằng.

Thứ hai, ông Hải cho rằng nguồn lực có hạn, lương được điều chỉnh nhiều lần nhưng đến nay vẫn thấp, không theo kịp mặt bằng thị trường. Đặc biệt mặt bằng lương được quy định theo hệ số nên làm mất ý nghĩa tiền lương. 

Thứ ba, quá trình thực hiện tiền lương phát sinh phụ cấp và thu nhập ngoài lương.

“Việc ban hành và quyết định phụ cấp thu nhập tăng thêm không theo nguyên tắc nào, dẫn đến phụ cấp đặc thù, làm cho méo mó quan hệ tiền lương, mất đi vai trò ý nghĩa của tiền lương, nhất là tiền lương không còn là vai trò chính và là động lực của cán bộ công chức”, ông Hải đánh giá.

Nhiều hệ lụy từ bất cập trong chính sách tiền lương cũng được các đại biểu chỉ ra, đặc biệt là lương khu vực công còn thấp, không khuyến khích được người lao động và không thu hút được nhân tài vào làm việc tại khu vực này.

Trong lực lượng vũ trang, đa số cán bộ chiến sỹ công tác xa nhà, đời sống khó khăn. Lương phụ cấp rất phức tạp, đa ngành đa nghề, rất nhiều phụ cấp chưa tương xứng với trách nhiệm, quân hàm. Trong khối doanh nghiệp, tiền lương chưa gắn với năng suất lao động, kết quả lao động; người lao động trực tiếp nhận lương thấp.

Do đó, các Ủy viên trung ương bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương được xác định trong Đề án cũng như việc ban hành Nghị quyết của Trung ương về vấn đề này.

Chia sẻ gánh nặng với khu vực công để tạo nguồn lực cho cải cách

Ông Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng vấn đề tăng năng suất lao động, mấu chốt hiện nay từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI là tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn với thực hiện ba đột phá chiến lược. 

Ông Trường cho biết Đề án đưa ra ba kịch bản tăng lương tương ứng với ba mức tăng trưởng kinh tế hàng năm là 7%, 6% và thấp nhất 5%; nếu không thực hiện được tăng trưởng kinh tế thì nguy cơ Nghị quyết không thể thực hiện là rất cao.

"Thực hiện thành công Nghị quyết này sẽ đưa nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, phương án tăng trưởng kinh tế 7% sẽ thực hiện được. Đây là sẽ nguồn lực chính để thực hiện thành công cải cách tiền lương", lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết.

Có cùng quan điểm, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh nhìn nhận muốn có nguồn cải cách tiền lương phải đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa. Sự chia sẻ của xã hội đối với khu vực dịch vụ công sẽ giảm bớt cho chúng ta gánh nặng phải chi ngân sách cải cách tiền lương; nếu tập trung làm mạnh sẽ có nguồn lực quan trọng. 

Để thực hiện được đề án, ông Bùi Nhật Quang, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chỉ ra hai vấn đề cốt lõi:

Thứ nhất, thực hiện cải cách song song với thực hiện các chính sách khác như Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết liên quan đến tinh giản bộ máy, xác định vị trí việc làm.

Các đại biểu tại hội nghị cũng cho rằng nếu thực hiện được mục tiêu mỗi năm giảm 10% biên chế, thì chắc chắn vấn đề cải cách chính sách tiền lương sẽ thuận lợi; đồng thời ủng hộ giải pháp tiết kiệm 10% chi ngân sách hàng năm để xây dựng quỹ lương.

Thứ hai, ông Quang khuyến cáo Đề án cải cách phải tuân thủ quy luật thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khu vực công cải cách gắn với hiệu quả làm việc và trong khu vực doanh nghiệp gắn với điều chỉnh cải thiện hợp lý năng suất lao động.

Chính sách tiền lương cần tránh tình trạng cào bằng

Theo ông Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, sự phát triển không đồng đều giữa miền núi, đồng bằng, miền Bắc - Trung - Nam, thành thị và nông thôn khiến chi tiêu của cán bộ công chức khác nhau. Có những thành phố lớn, một công chức phục vụ hơn 1 vạn dân, ở những tỉnh, thành phố nhỏ hơn thì một công chức phục vụ vài trăm dân hoặc hơn 1.000 dân. 

Vì vậy, ông Nam cho rằng chính sách đãi ngộ đối với từng công chức, từng địa bàn phải phù hợp, đáp ứng năng lực lao động của cán bộ bỏ ra, tránh tình trạng cào bằng các tỉnh, thành phố, vùng miền nếu không sẽ một lần nữa kéo lùi chính sách tiền lương.

Bên cạnh đó, các đại biểu nhận định việc phân tách riêng bảng lương chức vụ với bảng lương chuyên môn nghiệp vụ có dẫn đến tình trạng cán bộ công chức không tập trung phấn đấu về công vụ, chức nghiệp mà chỉ tập trung cuộc đua vào các chức vụ.

Để tránh được điều này, ông Ngô Đông Hải cho rằng, phải gắn phân định bảng lương vào việc xem xét đề bạt cán bộ với việc thực hiện đề án khác như Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ’, làm thế nào để chặt chẽ, có chất lượng, đúng người đúng việc. 

Thứ hai, thực hiện đầy đủ các chế độ đãi ngộ với cán bộ công chức để cán bộ công chức yên tâm phấn đấu theo chức nghiệp. Thứ ba, quan tâm đến bảng lương chuyên gia với mức lương thỏa đáng để cán bộ công chức bên cạnh phấn đấu theo ngạch bậc có thể phấn đấu theo chức nghiệp suốt đời không phải chạy đua theo chức vụ. 

Ngoài ra, cần phải làm tốt công tác tư tưởng và xác định thay đổi tâm lý lãnh đạo sẽ có lương luôn luôn cao hơn mọi người. Đi đôi với cải cách chính sách tiền lương, cần có chính sách tương ứng với người có công, người nghèo và người hưu trí trước năm 2021. Tiếp tục đảm bảo phụ cấp đặc biệt cho lực lượng quân đội, công an, cho khu vực Trường Sa, DK1, biên giới.