Hợp pháp hoá condotel: Chính phủ không cần sửa luật?

An Chi - 09:00, 17/03/2018

TheLEADERThay vì sửa luật để công nhận condotel rất tốn kém và không cần thiết, Chủ tịch Tập đoàn FLC kiến nghị Chính phủ ra một thông tư hướng dẫn coi condotel là đất ở không hình thành đơn vị ở và cấp sổ đỏ lâu dài cho loại hình căn hộ này.

Hợp pháp hoá condotel: Chính phủ không cần sửa luật?
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Ủng hộ việc cấp sổ đỏ lâu dài

Như thông tin TheLEADER  đã đăng tải trước đó, vấn đề về pháp lý đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng để ở như condotel, ofitel hay biệt thự nghỉ dưỡng đang dấy lên rất nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian gần đây.

Trong khi một số luật sư, chuyên gia cho rằng không có căn cứ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho loại hình căn hộ khách sạn do nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro gây quá tải hạ tầng, phá vỡ quy hoạch chung của khu vực nếu coi các dự án du lịch nghỉ dưỡng này là đất ở; thì cũng có quan điểm lại ủng hộ việc công nhận loại hình bất động sản này.

Những ý kiến này cho rằng, việc hợp pháp hoá tính pháp lý của condotel nói chung và căn hộ đa năng nói riêng là phù hợp với quy luật phát triển của thị trường bất động sản và nhu cầu của khách hàng mua nhà, qua đó kỳ vọng thị trường sẽ phát triển một cách bền vững.

Đặc biệt, tại Hội thảo "Đầu tư condotel: Thực tế, triển vọng và giải pháp" diễn ra chiều 16/3, nhiều ý kiến của các chuyên gia, chủ đầu tư dự án bất động sản đã khẳng định, tính pháp lý condotel đã được thừa nhận và nên cấp sổ đỏ dài hạn như đất ở cho loại hình căn hộ này.

Theo đó, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, condotel không được quy định trong Luật Nhà ở nhưng gần đây đã có thuật ngữ "căn hộ du lịch", "biệt thự nghỉ dưỡng" được quy định trong Luật Du lịch. Do đó, không cần bổ sung thêm loại hình căn hộ này vào luật như kiến nghị của nhiều cơ quan bộ ngành trước đó.

Đây cũng là ý kiến nhận định của ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV. Ông Lực đề xuất không cần sửa luật vì bên Thái Lan, trong luật chung cư họ cũng cho phép những căn hộ khách sạn được sử dụng với với mục đích khác nhau đều được. Trừ khi dự án xin chuyển đổi mục đích sử dụng thì mới cần có các điều kiện đi kèm.

Hợp pháp hoá condotel: Chính phủ không cần sửa luật?
GS. Đặng Hùng Võ. Ảnh: Bizlive

Về việc cấp sổ đỏ cho dự án condotel và thời hạn của dự án, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường ủng hộ việc cấp sổ đỏ dài hạn cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Theo ông Võ, thời hạn sử dụng đất của dự án căn hộ khách sạn được xây dựng trên đất cho thuê để kinh doanh thương mại dịch vụ thường được quy định từ 50 - 70 năm, không có phương án khác. Tuy nhiên, thực tế đặt ra yêu cầu cần phải có thời gian giao đất dài hơn cho loại hình bất động sản này vì mục tiêu phát triển du lịch và hiệu quả kinh tế của các nhà đầu tư.

Việc quy định thời gian sử dụng đất lâu dài và cấp sổ đỏ dài hạn cho các căn hộ khách sạn sẽ giúp phân khúc bất động sản này trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Các dự án condotel nhờ đó cũng có thể bán cho khách hàng nhanh hơn để chủ đầu tư nhanh chóng huy động và quay vòng vốn. Làm được điều này sẽ có lợi cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Mặt khác, các dự án condotel là có thời hạn, song vấn đề đặt ra là hết thời hạn đó, chủ đầu tư vẫn có thể xin gia hạn thêm thời gian nếu có nhu cầu. Vậy tại sao pháp luật hiện tại không cho phép các dự án này được sử dụng lâu dài ngay từ đầu? Điều này là hoàn toàn có thể thực hiện được, ông Võ khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, điểm vướng mắc nhất hiện nay của các condotel hiện nay là nên cấp sổ đỏ theo thời hạn sử dụng đất lâu dài như đất ở hay theo thời hạn dự án 50 năm, 70 năm.

Theo ông Nam, hiện Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường đang theo quan điểm là đối với những condotel được xây dựng trên đất ở thì đương nhiên cấp thời hạn sử dụng lâu dài như đất ở. Đối với các dự án nằm trong khu du lịch thì có thể cấp sổ đỏ 50 năm và thêm một chu kỳ 50 năm nữa nếu được các cấp có thẩm quyền chấp nhận phê duyệt do lo ngại những hệ luỵ như phá vỡ quy hoạch phát triển, gây áp lực lên hạ tầng. 

"Tôi ủng hộ việc phải có quy hoạch phát triển. Tuy nhiên, quy hoạch cũng cần uyển chuyển mang tính tích cực, quy hoạch tạo ra nhu cầu chứ không phải quy hoạch dựa trên nhu cầu", ông Nam cho hay.

Ông Cấn Văn Lực cũng nhận định: "Chắc chắn không thể có việc cấp phép vô thời hạn cho loại hình căn hộ du lịch, bởi như vậy các cơ quan quản lý nhà nước sẽ khó có thể kiểm soát được loại hình bất động sản này và còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác. Chính phủ nên ban hành một nghị định xác định rõ hơn thuật ngữ condotel và cùng với đó là các điều kiện riêng đối với loại hình căn hộ này".

Giải pháp "đất ở không hình thành đơn vị ở"

Bảo vệ quan điểm nên cấp sổ đỏ lâu dài như đất ở đối với các căn hộ condotel,tỷ phú Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC đưa ra giải pháp giúp vừa có thể cấp sổ đỏ dài hạn cho các căn hộ du lịch, vừa không gây quá tải hạ tầng, phá vỡ quy hoạch phát triển của địa phương như nhiều chuyên gia lo ngại.

Lấy ví dụ thực tế về doanh nghiệp của mình, ông Quyết cho hay: "Tỉnh Bình Định đã cấp cho FLC toàn bộ từ biệt thự tới condotel là đất sử dụng lâu dài, cấp sổ đỏ cho các căn hộ tại dự án như đất ở. Nhưng chúng tôi là nhà đầu tư, chúng tôi hiểu quy định pháp luật, khi cấp đất ở như vậy thì dự án phải kèm theo điện đường trường trạm. Do đó, FLC đã tư vấn cho tỉnh Bình Định thêm điều khoản đất ở không hình thành đơn vị ở". 

Khi nào dự án có người dân vào ở lâu dài thì sẽ xin đưa phần "không có đơn vị ở lâu dài" ra ngoài. Hiện nay, có hơn 10 tỉnh như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh đều quy định các bất động sản du lịch là không hình thành đơn vị để ở. Tỉnh Quảng Ninh hiện cũng đã giao đất cho Tập đoàn FLC đất ở mà không cần hình thành đơn vị ở, ông Quyết cho hay. 

"Chúng ta đã đều thừa nhận sự tích cực của condotel, nó vẫn đang tồn tại, giao dịch bình thường trên thị trường trong thời gian vừa qua. Do đó, tôi cho rằng, các kiến nghị về việc làm luật và sửa luật đối với loại hình căn hộ dịch vụ là tốn kém và có thể không cần thiết". 

"Thay vào đó, giải pháp ngắn hạn trong thời điểm hiện tại, tôi kiến nghị đến Chính phủ, các bộ ngành đề ra một thông tư hướng dẫn liên bộ về condotel. Trong đó hướng dẫn căn hộ condotel là căn hộ giao đất ở không hình thành đơn vị ở. Điều này sẽ áp dụng được luôn không mất thời gian sửa luật, ông Quyết kiến nghị.

Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, như vậy vừa chắc cho tỉnh vừa chắc cho chủ đầu tư, vừa chắc cho nhà đầu tư được cấp sổ đổ lâu dài mà trước mắt không sai luật. Nhà đầu tư sẽ được bảo vệ, chủ đầu tư vay được tiền để phát triển dự án và địa phương cũng có thể giao đất, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch và kinh tế chung của đất nước.