IFC và New Zealand hỗ trợ 1.000 nông dân và 20 trang trại sản xuất theo chuẩn Global G.A.P

Quỳnh Chi - 15:52, 22/06/2018

TheLEADERTrong 3 năm tới, IFC sẽ nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thực hiện các chương trình tập huấn phù hợp cho khoảng 1.000 nông dân sản xuất nhỏ và 20 trang trại ở Việt Nam sản xuất theo tiêu chuẩn Global G.A.P.

IFC và New Zealand hỗ trợ 1.000 nông dân và 20 trang trại sản xuất theo chuẩn Global G.A.P
Sử dụng thuốc trừ sâu trong trồng lúa.

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, IFC cùng với New Zealand sẽ hỗ trợ người nông dân sản xuất nhỏ cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông nghiệp như gia cầm và rau củ quả, nhờ đó mở ra cơ hội thị trường mới, giúp tăng thu nhập và góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Cụ thể, trong 3 năm tới, IFC sẽ nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thực hiện các chương trình tập huấn phù hợp cho khoảng 1.000 nông dân sản xuất nhỏ dựa trên các yêu cầu cơ bản của GLOBAL G.A.P và các tiêu chuẩn phù hợp khác.

Dự án cũng sẽ hỗ trợ toàn diện cho khoảng 20 trang trại sản xuất nhỏ đạt được chứng nnhận GLOBAL G.A.P — một bộ tiêu chuẩn về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) được công nhận toàn cầu, hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

Ngoài ra, dự án cũng sẽ tìm kiếm các cơ hội để kết nối những nông hộ đã được tập huấn với các nhà bán lẻ tiềm năng và các công ty quốc tế trong chuỗi kinh doanh nông nghiệp - những đơn vị đang tìm kiếm những sản phẩm được chứng nhận quốc tế.

Được biết đây là một hợp phần của chương trình An toàn thực phẩm Việt Nam, được bắt đầu triển khai từ tháng 7/2017 với sự hỗ trợ của Cộng hòa Slovakia, nhằm thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong ngành thực phẩm Việt Nam.

Chỉ trong một năm, IFC đã giúp 40 nhà nuôi gà thuộc hai trang trại gia cầm độc lập trong chuỗi khách hàng của CTCP Bel Gà, một công ty giống gia cầm hàng đầu – có được chứng nhận GLOBAL G.A.P.

Bằng cách thiết lập một hệ thống chăn nuôi theo GLOBAL G.A.P., tập trung vào vệ sinh và an ninh sinh học, giảm kháng sinh, khả năng truy xuất nguồn gốc, và những tiêu chuẩn khác, hai trang trại ở Bình Phước và Đồng Nai này đã cung cấp được khoảng 3 triệu con gà thịt được chứng nhận GLOBAL G.A.P., tương đương với 6 triệu kg thịt gà, cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm qua.

Theo số liệu từ IFC, tiêu thụ thực phẩm hàng năm tại thị trường trong nước chiếm trên 15% tổng sản phẩm quốc nội, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm xấp xỉ 18%. 

Tuy nhiên, IFC đánh giá, tình trạng sản xuất thực phẩm chưa tuân theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh có thể cản trở tiềm năng tăng trưởng của ngành này; gây nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu dùng; hạn chế cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng hiện đại và nâng cao doanh thu của các nhà sản xuất thực phẩm.

Ông Siebe Van Wijk, giám đốc công ty TNHH Fresh Studio Innovations Asia cho biết, vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam diễn ra nổi cộm nhất ở các mặt hàng như gạo, trái cây... do việc lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất dùng trong xử lý và chế biến thực phẩm. Đối với mặt hàng cá tra, hạt điều và hạt tiêu, số vụ việc vi phạm được ghi nhận ở mức thấp nhất trong số các loại mặt hàng nông sản.

Bên cạnh đó, ông Siebe Van Wijk cũng cho rằng, khả năng ô nhiễm về vi sinh học được phát hiện là khá cao; đặc biệt đối với mặt hàng thịt heo trong khi Việt Nam hiện là nước tiêu thụ thịt heo nhiều nhất trên thế giới. 

Nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, ông David Marks, đại diện công ty De Heus LLC ở Việt Nam cho rằng hiện nay, người Việt đang đánh giá các sản phẩm nhập khẩu cao hơn so với các sản phẩm trong nước về vấn đề chất lượng an toàn thực phẩm. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu đang ngày càng nổi lên ở Việt Nam cũng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài.

Theo ông David Marks, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trong nước và việc quan trọng nhất mà doanh nghiệp có thể làm là chứng minh chất lượng sản phẩm tới người tiêu dùng và cung cấp cho họ những sản phẩm mà họ thực sự có nhu cầu; bởi lẽ vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là niềm tin của khách hàng. 

Chẳng hạn như ở Nhật Bản, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề rất quan trọng để đảm bảo cạnh tranh; trong đó, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm được hài hòa hóa với các tiêu chuẩn chung của quốc tế. 

"Trong hệ thống đánh giá chất lượng của chuỗi cung ứng, chúng tôi sẽ có các chương trình chứng nhận cho các nhà sản xuất trong các lĩnh vực khác nhau; chẳng hạn cấp tiêu chuẩn GLOBAL G.A.P cho nông sản. Nhiều nhà cung ứng của chúng tôi là các nhà sản xuất có quy mô nhỏ", ông Katsuki Kishi, giám đốc quản lý chất lượng của tập đoàn AEON Nhật Bản cho biết. 

Không chỉ củng cố thị trường trong nước, bà Wendy Matthews, đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho rằng, việc cải thiện tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để tiếp cận thị trường mới có vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu quốc gia là xuất khẩu 40 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp từ năm 2018.

Giám đốc quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào Kyle Kelhofer nhận định, triển khai các hệ thống và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được quốc tế công nhận là yếu tố thiết yếu giúp đảm bảo tăng trưởng kinh doanh nông nghiệp ở Việt Nam; giúp cải thiện năng lực cạnh tranh và doanh thu cho nông dân và nhà sản xuất thực phẩm.