IMF: Những mối đe dọa tài chính toàn cầu đang quay trở lại thời trước khủng hoảng

Quang Tiến - 11:30, 19/04/2018

TheLEADERQuỹ Tiền tệ Quốc tế IMF mới đây cảnh báo rằng, các mối đe dọa với hệ thống tài chính toàn cầu đang gia tăng với mức giá của các loại tài sản rủi ro đang trở lại kịch bản những năm trước khủng hoảng tài chính.

IMF: Những mối đe dọa tài chính toàn cầu đang quay trở lại thời trước khủng hoảng
Phố Wall vừa trải qua đợt bán tháo gây rúng động hồi cuối tháng Hai. Ảnh: Wall Street Journal

Trong báo cáo mới nhất về sự ổn định tài chính toàn cầu, IMF cho biết, những rủi ro đối với nền tài chính thế giới đã tăng lên trong vòng 6 tháng vừa qua. "Các lỗ hổng về tài chính, vốn đã tích lũy trong nhiều năm với tỷ lệ rất thấp, có thể khiến cho con đường phía trước gập ghềnh và đặt sự tăng trưởng vào rủi ro", IMF đánh giá.

Theo IMF, các nhà đầu tư không nên quá thoải mái dù trên thực tế, chưa có bất kì sự gián đoạn lớn nào trong đợt bán tháo hồi tháng Hai vừa qua. "Việc định giá tài sản rủi ro vẫn còn kéo dài với chu kì tín dụng giai đoạn cuối đang dần nổi lên, gợi nhắc về giai đoạn tiền khủng hoảng".

IMF đánh giá bong bóng đang bao phủ trên nhiều loại tài sản khác nhau. Giá cổ phiếu hiện đang cao hơn đáng kể, đặc biệt là tại Mỹ. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc định giá trái phiếu doanh nghiệp cũng đang trong xu hướng tăng lên với dấu hiệu về sự quá nóng nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp có mức xếp hạng tín dụng thấp.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã chịu sự điều chỉnh mạnh vào cuối tháng 1 đầu tháng 2 trong bối cảnh nghi ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới với việc chứng khoán Mỹ giảm hơn 10%.

Lời cảnh báo của IMF được đưa ra trong cuộc họp mùa xuân của quỹ này với sự tham gia của bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương 189 quốc gia thành viên.

Giám đốc bộ phận tiền tệ và thị trường vốn của IMF, ông Tobias Adrian cho rằng, căng thẳng thương mại leo thang gần đây tạo ra "sự háo hức" cho các nhà đầu tư và việc có một biện pháp bảo hộ trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và ổn định tài chính nói riêng.

Sự nổi lên của tiền ảo cũng được xem là tác nhân mới gây tổn thương hệ thống tài chính khi rủi ro có thể gia tăng do vị thế nắm giữ của các nhà đầu tư đối với loại tài sản này và cùng với đó là điểm yếu về cơ sở hạ tầng trong trao đổi tiền ảo, nguy cơ gian lận và đặc tính biến động lớn.

Trước đó, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, bà Christine Lagarde khuyến nghị cơ quan chức năng các nước cần “phân biệt rõ nguy cơ thực sự và những mối lo ngại không cần thiết” liên quan đến tiền kỹ thuật số.

Trong lần trả lời phỏng vấn của Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) trước thềm kì họp mùa xuân, bà Lagarde cho rằng, “phải ngăn chặn việc sử dụng tiền ảo bất hợp pháp cũng như vấn đề lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người đầu tư. Bên cạnh đó, cần xem xét và khuyến kích sáng tạo việc ứng dụng cơ chế tiền ảo, tạo ra sự bảo vệ người tiêu dùng. Điều này vừa không dập tắt sự sáng tạo lại có thể tăng hiệu quả về chi phí”.