IPO là điểm khởi đầu hay kết thúc cho các doanh nghiệp gia đình?

Việt Hưng - 15:31, 22/06/2018

TheLEADERTrong kinh doanh, dù là doanh nghiệp gia đình, hay đã IPO đều phải tham gia vào "cuộc chạy đua marathon vô hình". Càng doanh nghiệp Việt Nam càng phải chạy, do đó, buộc các đơn vị phải có tiến trình tăng tốc với mọi hoạt động của doanh nghiệp.

IPO là điểm khởi đầu hay kết thúc cho các doanh nghiệp gia đình?
IPO là mục tiêu chung của rất nhiều doanh nghiệp

IPO - lên sàn dường như là mục tiêu chung của rất nhiều doanh nghiệp, thế nhưng, đối với doanh nghiệp gia đình, việc lên sàn còn rất nhiều khó khăn.

Vấn đề của một doanh nghiệp gia đình có 20 năm sản xuất và kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm. Doanh nghiệp thuộc sở hữu 100% của các thành viên trong gia đình. Hiện nay, trước áp lực cạnh tranh gay gắt của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước và quốc tế, doanh nghiệp cần thêm nguồn lực về tài chính, nhân sự để tồn tại và phát triển.

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu cũng như xin tư vấn từ các đơn vị chuyên nghiệp, CEO đã đề xuất với HĐQT kế hoạch đưa công ty trở thành doanh nghiệp đại chúng, thực hiện IPO và sau đó niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng vẫn giữ quyền điều hành, chi phối.

CEO cho rằng, trong các doanh nghiệp bứt phá và có lực cạnh tranh trên thị trường hiện nay, phần lớn là doanh nghiệp đã xã hội hoá. Bởi muốn phát triển được các đơn vị phải cần đến nguồn vốn lớn, nguồn nhân sự chuyên nghiệp. Cho nên, IPO là giải pháp tối ưu nhất hiện nay để doanh nghiệp phát triển.

Lý lẽ ở đây là doanh nghiệp muốn phát triển, không thể bó hẹp trong phạm vi gia đình. Việc thực hiện IPO sẽ mở ra cơ hội tài chính rộng lớn hơn. Đây còn là giải pháp để tăng khả năng cạnh tranh, sinh tồn của doanh nghiệp, đối phó được các áp lực hiện hữu đến từ nhiều doanh nghiệp nước ngoài và các công ty đại chúng khác.

Thế nhưng, các cổ đông phản đối và muốn giữ nguyên mô hình hiện tại, vì cho rằng, hiện nay, họ hàng trong gia đình còn nhiều, muốn kêu gọi vốn, kêu gọi nhân sự thì chỉ cần huy động người nhà, không cần tới sự trợ giúp từ bên ngoài.

Trở thành doanh nghiệp đại chúng sẽ làm mất đi các giá trị về văn hoá gia đình. Khi IPO, có hàng trăm con mắt soi mói, doanh nghiệp sẽ rất dễ lộ ra các điểm yếu. Không những thế, thực hiện IPO là mang của nhà ra cho người ngoài, bởi tài sản nắm trong tay, giờ thành cổ phiếu, lên xuống phụ thuộc vào thị trường. Nguy cơ bị thôn tính là rất lớn.

IPO là điểm khởi đầu hay kết thúc cho các doanh nghiệp gia đình?
CEO Lê Thanh Hoài - Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành SuperShip trong vai trò CEO trong chương trình giải quyết bài toán “Doanh nghiệp gia đình – Lựa chọn tương lai”

Tham gia chương trình là sự góp mặt của CEO Lê Thanh Hoài - Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành SuperShip. Ông đã đưa ra những lập trường và quan điểm khách quan để bảo vệ ý kiến của mình. Ý kiến của ông đã nhận được sự tán thành của hai chuyên gia trong chương trình, đó là ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái và bà Đào Thị Thiên Hương, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam.

Theo các chuyên gia, IPO là hướng đi phổ biến khi các doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường vốn dài hạn. IPO có những ưu điểm thúc đẩy doanh nghiệp như: minh bạch, thận trọng, hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thêm hàng trăm, ngàn cổ đông cùng góp sức, tham gia bảo vệ tài sản công ty.

Kinh nghiệm từ các thương vụ IPO thành công cho thấy, các doanh nghiệp chỉ nên coi đây là điểm khởi đầu của một hành trình phía trước, thay vì là điểm kết thúc. Từ đây, doanh nghiệp cần là một khối nhất quán, hoàn thiện về mặt quy trình, cầu trúc, quản trị, kiểm soát. Khi đó, doanh nghiệp sẽ như một bộ máy - người khác có thể sao chép từng phần, chứ không thể sao chép cả hệ thống doanh nghiệp.

Thực tế chứng minh, muốn có thành công, doanh nghiệp phải mạnh dạn đi trước, làm trước. Trong kinh doanh, dù là doanh nghiệp gia đình, hay đã IPO đều phải tham gia vào "cuộc chạy đua marathon vô hình". Càng doanh nghiệp Việt Nam càng phải chạy, do đó, buộc các đơn vị phải có tiến trình tăng tốc với mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Quan trọng là CEO lẫn HĐQT "chọn mặt gửi vàng" được những cổ đông chiến lược có thiện chí, có tầm nhìn và chung mục tiêu. Chọn đối tác tốt, doanh nghiệp tự khắc sẽ tốt. Nguồn lực tốt sẽ giúp cho các công ty gia đình có được bước nhảy vọt, tiến xa hơn nữa trong tương lai.

Vậy CEO sẽ thuyết phục các thành viên HĐQT thế nào?

Câu trả lời sẽ có tại Chương trình CEO – Chìa khoá thành công với chủ đề: "Doanh nghiệp gia đình - Chiến lược nhân sự", được phát sóng vào 10h00 sáng Chủ nhật ngày 24/6 và phát lại vào 8h00 sáng Thứ 2 ngày 25/6 trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

CEO – Chìa khóa thành công là một chương trình chính luận, kinh tế chuyên biệt do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Bia Hà Nội, PwC Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC). Ra đời từ năm 2005, chương trình có sứ mệnh “Đồng hành doanh nghiệp, nâng tầm doanh nhân” trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập.

Bắt đầu từ năm 2017, bên cạnh các chương trình phát sóng trên VTV, CEO – Chìa khóa thành công sẽ tổ chức chuỗi các hội thảo dành riêng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp theo các chủ đề hữu ích và thời sự về kinh doanh. TheLEADER.vn là đơn vị bảo trợ thông tin cho chương trình này.

Chương trình được tổ chức định kỳ hai tháng một lần các hội thảo, tọa đàm, workshop, với nội dung xoay quanh các vấn đề nan giải mang tính chiến lược về thương hiệu, phát triển, nhân sự, tài chính của các doanh nghiệp. Qua đó, đồng hành, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ tiếp tục định hướng phát triển.