Khai thác Titan: Bình Thuận có nguy cơ "chết khát"

Tinh Nhi - 08:05, 07/08/2017

TheLEADERTheo các nhà khoa học, hệ lụy từ khai thác titan đối với môi trường tại Bình Thuận được dự báo khá nghiêm trọng.

Khai thác Titan: Bình Thuận có nguy cơ "chết khát"
Một mỏ khai thác titan tại tỉnh Bình Thuận nay đã đóng cửa. Ảnh NG.NAM/Tuổi trẻ

Bình Thuận "khát" nước ngọt

Bình Thuận là một trong những địa phương khô hạn nhất cả nước. Khí hậu nơi đây phân hóa thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. 

Nhiệt độ trung bình trong năm là 26 - 27oC. Lượng mưa trung bình năm của Bình Thuận thường khoảng 800mm/năm, trong khi lượng mưa trung bình của nước ta thường trên 1500mm/năm.

Lượng mưa nằm trong diện thấp nhất cả nước, trên địa hình chủ yếu là đất cát, hoang mạc, nước được tích trữ trong các cồn cát và trở thành nguồn tài nguyên vô vùng quý hiếm tại nơi đây. Bởi nước ngầm trong cồn cát là tài nguyên hữu hạn, nguồn bổ sung duy nhất là nước mưa, các dòng chảy mặt rất ít và chỉ là tạm thời.

Bên cạnh lượng nước ngầm, nước dưới đất tạo ra những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc có một không hai của Bình Thuân, đó là các bàu nước tự nhiên. Tỉnh Bình Thuận có nhiều hồ bàu, là những ốc đảo trong sa mạc do nước ngầm thoát ra tích tụ lại mà thành.

Theo báo cáo "Tình hình quản ý nhà nước về tài nguyên nước và các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên trên địa bàn Bình Thuận năm 2016" của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, việc cung cấp nước cho các đô thị tại Bình Thuận chủ yếu dựa vào nguồn nước mặt. 

Tổng lưu lượng nước khai thác trên toàn tỉnh khoảng 6,27 triệu m3/ngày. Trong đó, nước dưới đất là 118.000m3/ngày chiếm 2%, nước mưa, nước mặt khoảng 6.154 triệu m3/ngày chiếm 98%.

Nguy cơ hoang mạc hóa

Bình Thuận là được đánh giá là tỉnh có tiềm năng sa khoáng titan lớn nhất cả nước, thậm chí lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, hệ lụy từ khai thác titan đối với môi trường tại Bình Thuận được dự báo khá nghiêm trọng, cần có kế hoạch thật kỹ lưỡng. 

Theo GS.TSKH Đặng Trung Thuận, khai thác khoáng sản titan cần một lượng nước rất lớn. Công nghệ khai thác titan đang sử dụng là hố khai thác luôn ngập nước. Trong khi đó, các nguồn nước tại Bình Thuận rất kham hiếm, nước tại đây chỉ có trong mùa mưa, quyết định sự sống cho cả vùng.

Khai thác càng xuống sâu, moong khai thác càng lớn thì tác động đến môi trường càng khủng khiếp, làm cạn kiệt nguồn nước tích trữ trong các cồn cát, làm giảm độ ẩm của đất phía trên mực nước và có thể làm sụt lún mặt đất.

Bên cạnh đó, việc sử dụng quá mức nguồn nước trong khai thác còn kéo theo sự suy giảm nguồn nước mặt tại các sông suối, ao hồ, bầu nước… dẫn đến cạn kiệt nước trên mặt, gia tăng xâm nhập mặn vào các tầng chưa nước.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam cũng nhìn nhận, khó khăn trong việc quy hoạch, khai thác và sử dụng quặng titan hiện nay là nguồn nước ngầm. Bình Thuận là địa phương khô hạn nhất cả nước, nguồn nước mặt, nước ngầm tại địa phương rất khan hiếm. Tuy nhiên, hoạt động khai thác titan thì lại cần rất nhiều nước.

Phần lớn các khu vực quy hoạch, dự án khai thác titan đều nằm ven biển, nơi có nhiều diện tích phân bố cát rộng lớn và hạn chế nguồn nước ngọt. Tại đây chỉ có các ao, hồ có nước vào mùa mưa nhưng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, không đủ nguồn nước để phục vụ khai thác titan. Vì vậy, nếu càng nhiều khu vực được quy hoạch thì nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và canh tác của người dân càng ít và chất lượng càng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc sự dụng quá mức tài nguyên nước cho khai thác titan còn dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm, nhiễm mặn và thay đổi nguồn nước ngầm. Thay đổi địa hình, cảnh quan, khai thác mỏ đồng nghĩa với việc đánh đổi phá hủy nhiều cảnh quan môi trường trên đất như thảm thực vật rừng gắn với phong cảnh thiên nhiên đa dạng sinh học, cảnh quan ven biển… 

Trong đó, thay đổi địa hình diễn ra nhiều nhất ở các khu vực khai thác lộ thiên với các bãi đổ thải để tạo nên những khu đồi nhân tạo cao 200 - 300m.

Việc khai thác titan ở miền Trung và Bình Thuận sẽ làm thay đổi địa hình đồi cát tự nhiên tồn tại hàng nghìn năm nay. Nó làm xáo trộn các tầng cát và phá vỡ liên kết tự nhiên trong tầng cát, làm giảm khả năng giữ nước ngầm. Mặt khác, việc khai thác phá hủy thảm thực vật, mất đa dạng sinh học hệ sinh thái đặc trưng của vùng cồn cát.

PGS.TS Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam cho biết, nếu khai thác titan, tuyệt đối không được sử dụng nước biển để bơm vào moong khai thác, vì sẽ làm mặn hóa tầng chứa nước và không biết bao giờ mới phục hồi lại được. Ở Bình Thuận, do các tầng chứa ít nước nên tuyệt đối không nên lấy thêm nguồn nước ngầm phục vụ khai thác mỏ. Nếu không đủ nước để phục vụ khai thác thì phải có giải pháp cấp nước vào moong bằng các nguồn nước từ xa chuyển tới…

Do đó, một bài toán tồn tại hay không tồn tại đang được cân nhắc? Nếu khai thác thì lấy nước ở đâu. Tác động đến môi trường đến mức nào? Cần cân nhắc thật kỹ việc khai thác titan tại Bình Thuận cho đến khi những vấn đề về môi trường có phương án xử lý tốt, các khó khăn về kỹ thuận và công nghệ khai thác được khắc phục nhằm tránh những hệ lụy đắt giá sau này, GS.TSKH Đặng Trung Thuận nhấn mạnh.

Quyết định số 1546/QĐ-TTg, ngày 3/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2015, hoàn thành công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ titan, đảm bảo trữ lượng tin cậy cho việc đầu tư các dự án khai thác, chế biến titan; duy trì sản xuất ở quy mô phù hợp khả năng tiêu thụ thực tế; xây dựng và đưa vào hoạt động một số nhà máy chế biến xỉ titan, rutin nhân tạo tại 4 vùng quy hoạch; nghiên cứu công nghệ và chuẩn bị đầu tư các dự án sản xuất titan xốp, titan kim loại tại tỉnh Bình Thuận, sản xuất pigment tại Bình Định và Bình Thuận; chuẩn bị đầu tư tổ hợp khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn tại Bình Thuận.

Đến giai đoạn 2016 - 2020, hình thành ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan, phát triển khu vực Bình Thuận thành Trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.

Giai đoạn 2021 - 2030 phát triển ổn định và bền vững ngành công nghiệp titan, hoàn thành việc xây dựng ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường, tài nguyên sa khoáng titan dự báo tại Bình Thuận là khoảng 558 triệu tấn (gấp 16 lần so tổng trữ lượng sa khoáng các tỉnh trong cả nước gộp lại - theo số liệu của Viện Mỏ và luyện kim, tổng trữ lượng tài nguyên dự báo quặng titan Việt Nam đến tháng 12/2004 là khoảng 34,5 triệu tấn). Với tổng sản lượng 558 triệu tấn, có thể xếp Bình Thuận là nơi có trữ lượng sa khoáng titan đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ ba trên thế giới.