Không minh bạch thông tin đất đai: Nguồn cơn của xung đột và những hệ lụy

Quỳnh Chi - 13:30, 05/04/2018

TheLEADERKết quả khảo sát PAPI 2017 cho thấy, sự không minh bạch, công khai thông tin về đất đai ở các địa phương chính là nguồn cơn của những xung đột, khiến người dân bất bình và để lại nhiều hệ lụy.

Không minh bạch thông tin đất đai: Nguồn cơn của xung đột và những hệ lụy
Quản trị đất đai ở các địa phương còn nhiều tồn tại. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Khảo sát Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 được thực hiện với sự tham gia của hơn 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh thành đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai.

Trong đó, điểm yếu tồn tại qua nhiều năm ở cấp tỉnh vẫn là công khai, minh bạch, đặc biệt là trong quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất. 

Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ 15% người dân biết được kế hoạch sử dụng đất ở địa phương mình; chỉ 4% người được hỏi cho biết có dịp góp ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Theo TS. Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), sự không minh bạch, công khai thông tin về đất đai có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau.

Người dân phàn nàn nhiều về vấn đề minh bạch thông tin và tiền bồi thường đất đai
TS. Đặng Hoàng Giang

“Năm vừa qua, xung đột giữa người dân và chính quyền địa phương trong vụ việc ở Đồng Tâm (Hà Nội) và làng biển Nam Ô (Đà Nẵng) là những ví dụ điển hình", ông Giang nói.

Mặc dù có một vài điểm sáng trong việc tiếp cận đất đai chẳng hạn như tỉ lệ người trả lời cho rằng họ phải đưa lót tay mới có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDD) giảm đáng kể trong năm 2017 sau khi tăng liên tục qua các năm; 

Tỉ lệ người đi làm thủ tục cho biết không phải đi qua nhiều ‘cửa’ để làm xong các thủ tục liên quan đến đến giấy CNQSDD đất tăng 7%... nhưng người dân vẫn tiếp tục phàn nàn nhiều về thủ tục hành chính liên quan.

Theo kết quả khảo sát PAPI 2017, tổng chất lượng dịch vụ cấp giấy CNQSDD giảm nhẹ từ 2,64 điểm năm 2016 xuống 2,55 điểm trong năm 2017 (trên thang điểm từ 0 - 4).

PAPI cũng đánh giá việc sửa đổi quy hoạch sử dụng đất ở địa phương vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực tới người dân và khiến người dân bất bình.

Trong đó, mặc dù việc thu hồi đất đai có xu hướng thuyên giảm, song những người bị thu hồi đất ngày càng bất bình với giá bồi thường thu hồi đất cho dù mức độ hài lòng đã ở mức thấp trong nhiều năm qua, cũng từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Do đó, đây vẫn là vấn đề cần được quan tâm thấu đáo.

Năm 2014, 36% số người bị thu hồi đất cho rằng giá bồi thường xấp xỉ giá thị trường, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 21% trong năm 2017. Bồi thường không thỏa đáng có thể là lý do giải thích tại sao người dân vẫn quan ngại nhiều về vấn đề quản trị đất đai ở địa phương, mặc dù thu hồi đất có xu hướng thuyên giảm.

Báo cáo PAPI 2017 cũng chỉ ra rằng, bất bình với giá bồi thường có thể là nguyên nhân chính dẫn tới khiếu kiện đất đai ngày càng gia tăng. Theo một báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường, trong sáu tháng đầu năm 2017, khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tới hơn 95% số khiếu nại mà bộ này nhận được.

Do đó, tăng cường công khai, minh bạch và thực hiện tham vấn đầy đủ với người dân về các phương án bồi thường thu hồi đất cần được thực hiện nghiêm túc trước khi chính quyền các cấp thu hồi đất. Những biện pháp này có tác dụng giảm thiểu khiếu kiện và tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, báo cáo PAPI 2017 khuyến nghị.