'Không nên bằng lòng và vội thỏa mãn với thành tích về môi trường kinh doanh'

Quỳnh Chi - 13:50, 03/06/2018

TheLEADERTS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dù Việt Nam có nhiều chỉ số tăng điểm trong thời gian qua nhưng thứ hạng của Việt Nam lại thụt lùi so với nhiều nền kinh tế.

Chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và thương mại Australia tài trợ có giá trị 6,5 triệu đô la Australia với mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh và đưa Việt Nam tiến gần hơn tới nền kinh tế thị trường.

Chương trình này được triển khai 1 năm và dự kiến sẽ giúp Việt Nam có thêm 1 triệu doanh nghiệp tư nhân (chính thức) đăng ký mới vào năm 2020, tăng tỷ lệ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân.

Dự án Aus4Reform là sự kết thừa chuỗi dự án do chính phủ Australia hỗ trợ như chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO (2008 - 2013) và dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (2014 - 2017).

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), giám đốc chương trình Aus4Reform cho biết, chương trình chú trọng các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm tính công bằng và tái cơ cấu một số lĩnh vực của nền kinh tế.

Australia hỗ trợ Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh
TS. Nguyễn Đình Cung

Ông Cung nhấn mạnh, nỗ lực của dự án có đóng góp quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Theo đó, cùng với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã cắt bỏ, đơn giản hóa được 738 điều kiện kinh doanh trong quý I/2018.

Môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, xếp 68/190 nền kinh tế, cải thiện đáng kể so với các nước ASEAN, năng lực cạnh tranh cũng được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, tăng 5 bậc lên vị trí 55/137. Chính sách cạnh tranh bình đẳng được chú ý hơn, Luật Cạnh tranh được bổ sung sửa đổi.

Đặc biệt, vai trò phụ nữ trong kinh doanh tăng mạnh với khoảng 25% giám đốc doanh nghiệp tư nhân là phụ nữ, tập trung chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để nâng cao hiệu quả dự án trong năm thứ 2 thực hiện, chuyên gia quốc tế về tư vấn chính sách Ray Mallon cho rằng: Aus4Reform cần đẩy mạnh hoàn thiện các công việc còn lại của năm thứ nhất; nâng cao nhận thức về lợi ích của hội nhập kinh tế và mức độ quan trọng của cải cách kinh tế vĩ mô đối với thành công của hội nhập kinh tế trong khu vực.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong thị trường các yếu tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đặc biệt, chú trọng hỗ trợ nghiên cứu, đánh giá tác động của quá trình cải cách kinh tế đối với nữ giới giúp làm thay đổi suy nghĩ và nhận thức về các vấn đề về bình đẳng giới; có thêm những đề xuất thực tiễn lồng ghép vào các vấn đề về giới nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất.

Nhiều chỉ số tăng điểm nhưng thứ hạng của Việt Nam lại đi thụt lùi

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, song ông Cung cho rằng, để đạt được các mục tiêu của Nghị định 19/2018 trong thời gian tới là không hề dễ dàng. 

Theo đó, để đáp ứng yêu cầu cắt bỏ và đơn giản hóa hơn 1.968 điều kiện kinh doanh các bộ sẽ phải cắt giảm 500 điều kiện kinh doanh trong các thông tư và dự thảo nghị định.

Hiện Aus4Reform đang theo dõi việc triển khai Nghị quyết 19, hỗ trợ xây dựng dự thảo Luật Cạnh tranh vừa trình Quốc hội và tiếp sau đó sẽ hỗ trợ quá trình thực thi luật này bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng.

Ông Cung cho biết trong năm 2018, Chính phủ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, phấn đấu xếp hạng ở vị trí thứ 50 - 60, tức là tăng khoảng 8 - 10 bậc so với hiện nay, để làm được điều này, các bộ, ngành của Việt Nam phải thật nỗ lực để cải thiện nhiều chỉ số.

Cụ thể, cần phải cải thiện ít nhất 40 bậc về khởi sự kinh doanh từ vị trí 123 hiện nay lên vị trí 83/190 nền kinh tế. Giấy phép xây dựng cũng phải giảm thêm 47 ngày xuống còn 119 ngày; thời gian nộp bảo hiểm xã hội cũng phải rút ngắn xuống còn 168 giờ thay vì mất 498 giờ/năm như hiện nay. Đặc biệt, buộc phải cắt giảm 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. 

Theo Viện trưởng CIEM, dù Việt Nam có nhiều chỉ số tăng điểm trong thời gian qua nhưng thứ hạng của Việt Nam lại thụt lùi so với nhiều nền kinh tế. 

"Các nước đi trước ta đi quá nhanh và các nước đứng sau ta lại cải thiện nhanh hơn chúng ta, chính vì thế, không nên bằng lòng và vội thoả mãn với thành tích đã đạt được", ông Cung khuyến cáo.