'Không sợ thiếu tiền mặt lưu thông dịp Tết nguyên đán 2018'

Quỳnh Như - 08:26, 26/01/2018

TheLEADERLãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho biết, người dân không sợ thiếu tiền mặt lưu thông, đảm bảo đủ cơ cấu, giúp việc lưu thông tiền mặt luôn được thông suốt.

Trao đổi với TheLEADER ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho biết sẽ đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho người dân trong dịp Tết nguyên đán 2018.

Theo đó, ông Minh cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2018 Ngân hàng Nhà nước TP. HCM (NHNN thành phố) đã có nhiều buổi làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM), ban lãnh đạo các khu chế xuất, khu công nghiệp, công ty sản xuất có quy mô lớn nhằm hướng tới mục tiêu: Bảo đảm tất cả người lao động đều nhận được tiền mặt ăn Tết.

'Không sợ thiếu tiền mặt lưu thông dịp Tết nguyên đán 2018'
Ông Nguyễn Hoàng Minh.

NHNN thành phố đã có những sự chuẩn bị như thế nào để không còn cảnh người dân, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp và khu chế xuất xếp hàng rồng rắn trước các cây ATM để rút tiền như các năm trước?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Trong 3 năm gần đây, rõ ràng chúng ta thấy tình trạng xếp hàng rồng rắn các cây ATM gần như không còn. 

Ngay từ đầu tháng 1/2018, chúng tôi đã làm việc với các NHTM và ban quản lý khu công nghiệp, khu chế suất cùng các doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn - từ 10 ngàn đến 20 ngàn công nhân trở lên và cùng nhau đề ra từng biện pháp cụ thể với từng bên.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kế hoạch này? 

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Đối với các NHTM, tất cả ngân hàng bắt buộc phải lập 2 bộ phận, nôm na như 2 đội phản ứng nhanh. 

Đội đầu tiên có trách nhiệm phải khắc phục sự cố cây ATM một cách kịp thời và nhanh chóng. Không để chuyện các cây ATM không hoạt động kéo dài trong 24 tiếng. Nếu 24 tiếng, cây ATM đó vẫn không hoạt động, phải báo về NHNN thành phố để chúng tôi có biện pháp xử lý, hỗ trợ kịp thời.

Đội thứ hai chuyên môn tiếp quỹ ở các cây ATM và việc tiếp quỹ này sẽ phải thực hiện 24/24 giờ, nhất là ở các cây ATM tại khu vực đông dân cư, đông công nhân như ở khu chế xuất hay khu công nghiệp. 

Theo thống kê, cả thành phố có khoản 4.300 máy ATM, tập trung ở 24 quận huyện. Nhưng mật độ tập trung ở 16 khu công nghiệp và khu chế xuất là cao nhất.

Đối với 16 khu chế xuất và khu công nghiệp chúng tôi yêu cầu ban lãnh đạo các khu phải lên kế hoạch chi lương thưởng hợp lý, hỗ trợ ngân hàng. 

Ban lãnh đạo các khu sau khi xem xét thời gian chi lương thưởng của các công ty, có thể điều tiết hoặc đề nghị các công ty giãn ra, tránh tình trạng chi tập trung và cấp tập. 

Nói thật, nếu các công ty tại các khu công nghiệp chi tiền lương thưởng cuối năm cùng một lần, thì chẳng máy ATM nào có thể chịu được!

Đối với các công ty sản xuất, có lượng công nhân lớn. Nếu vì lý do bất khả kháng nào đó, mà công ty không thể điều chỉnh thời gian chi lương thưởng phù hợp, chúng tôi sẵn sàng cử nhân viên xuống chi tiền mặt trực tiếp, theo bảng lương của công ty. 

Làm sao để đảm bảo, tất cả người lao động đều nhận được lương thưởng kịp thời, ăn Tết vui vẻ.

NHNN đã làm gì để có thể cung cấp đủ nhu cầu tiền mặt tăng đột biến trong thời gian trước và sau Tết?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Ngay từ đầu quý IV/2017, chúng tôi đã yêu cầu các NHTM và hệ thống kho bạc lên kế hoạch tiền mặt của mình. Vì nhu cầu tiền mặt trong quý IV và Tết rất lớn, luôn chiếm tỷ trọng từ 35% đến 40% trong tổng doanh số chi tiêu tiền mặt cho cả năm.

Chúng tôi cũng đã chủ động lên kế hoạch cho việc sử dụng lượng tiền mặt này, kể cả tiền mặt cho sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết; tiền mặt cho ngân sách để chi lương, thưởng, an sinh xã hội cũng như các công trình/dự án của thành phố chúng ta. 

Nói chung, đến giờ phút này, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ, người dân không sợ thiếu tiền mặt lưu thông.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đảm bảo đủ cơ cấu, giúp việc lưu thông tiền mặt luôn được thông suốt.

Vậy liệu điều này có mâu thuẫn với Nghị định 80 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt không?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Không mâu thuẫn, vì nhiều lý do khác nhau, bên cạnh đó, NHNN cũng đã thực hiện và triển khai việc thanh toán không tiền mặt khá tốt.

Nếu tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế đã chiếm 90%, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt chỉ còn 10%. Năm 2012, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt là 18% đến 19%.

Đây là một nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và ngân hàng trong việc tạo điều kiện cho thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong ngành kinh tế. 

Mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ này, thì tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt chỉ còn 8%, đảm bảo được mục tiêu và yêu cầu mà Nghị định 80 của Chính phủ đã đề ra.

NHNN thành phố sẽ có những biện pháp thiết thực nào để đạt mục tiêu 92% không dùng tiền mặt?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Chúng tôi sẽ tổ chức triển khai một cách nghiêm túc, công khai và có hiệu quả Nghị định 80 của Chính phủ. Trong Nghị định 80 này, có quy định rất nhiều giải pháp để thực hiện. Tiếp tục tuyên truyền công khai tới tất cả tổ chức tín dụng trên địa bàn của TP. HCM. 

Chúng tôi sẽ áp dụng bắt buộc những trường hợp nào phải thanh toán không dùng tiền mặt, những trường hợp nào có thể dùng, để từ đó đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 chỉ còn 8 - 8,2% thanh toán dùng tiền mặt.

Áp dụng và khuyến khích sử dụng rộng rãi các sản phẩm, các dịch vụ, công cụ thanh toán không dùng tiền mặt. 

Tuyên truyền phổ biến những lợi ích to lớn mà chúng mang lại đến các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp để người dân có thể thay đổi thói thanh toán bằng tiền mặt như trước giờ, ví dụ như qua hình thức ủy nhiệm thu, nhờ chi, thanh toán qua thẻ, ví điện tử.

Xin cám ơn ông!