Kinh tế số đang vào 'tầm ngắm' mới

Phương Hiền - 21:38, 04/09/2017

TheLEADERKinh tế số đã xuất hiện và trở thành xu hướng phát triển tất yếu, tuy nhiên cũng chính công nghệ của nền kinh tế số lại có thể làm phát sinh nhiều rủi ro và xáo trộn cho các thị trường đã được xác lập.

Kinh tế số đang vào 'tầm ngắm' mới
Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng.

Khi mô hình kinh tế truyền thống dần bão hòa thì thương mại điện tử (còn gọi là kinh tế số) đã xuất hiện và trở thành xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên cũng chính công nghệ của nền kinh tế số lại có thể làm phát sinh nhiều rủi ro và xáo trộn cho các thị trường đã được xác lập.

Cuộc hội thảo về kinh tế số diễn ra mới đây tại TP. HCM cho thấy đã đến lúc cần “bịt kín” các kẽ hở này.

Những rủi ro phát sinh

Sự phát triển của internet, các thuật toán máy tính cũng như trí thông minh nhân tạo đang hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Theo đó, nền kinh tế số với sự xuất hiện của các trang web đã giúp người tiêu dùng so sánh, đánh giá chất lượng, giá cả, phương thức cung ứng dịch vụ, hàng hóa một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. 

Các ứng dụng thông minh cũng giúp hạ giá thành, cải thiện chất lượng và tăng số lượng hàng hóa, dịch vụ lưu thông trên thị trường, cũng như tăng tốc các phát minh, đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số. Nhưng cùng với đó, kinh tế số cũng làm xuất hiện một số rủi ro về an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng…

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), nếu như đấu tranh cho quyền lợi người tiêu dùng ở thị trường truyền thống đã rất khó khăn thì nay không gian ảo của kinh tế số càng làm cho người mua chịu rủi ro nhiều hơn.

Chất lượng hàng hóa kinh doanh online hiện đang là vấn đề lớn, không chỉ hết hạn, không đúng mẫu mã, xuất xứ, kiểu dáng như quảng cáo mà khâu hậu mãi, bảo hành, bảo trì cũng rất lỏng lẻo. Hơn thế nữa, câu chuyện lộ thông tin cá nhân người tiêu dùng vẫn còn là câu hỏi lớn. 

Vụ tin tặc tấn công danh bạ khách hàng của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam và đăng tải công khai trên internet năm 2016 với nhiều thông tin cá nhân càng như gióng thêm một hồi chuông báo động về các rủi ro đến từ thương mại điện tử.

“Trám” kẽ hở thương mại điện tử

Liên quan đến quản lý mô hình kinh tế số tại Việt Nam, từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Hiện Cục Thương mại Điện tử (Bộ Công thương) cũng đang có đánh giá tổng kết 5 năm thực thi Nghị định này để điều chỉnh những vấn đề còn chưa “phủ sóng” hết.

Bà Lê Thị Hà, Phó trưởng phòng pháp chế Cục Thương mại Điện tử (Bộ Công thương) cho hay, những doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ để cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới như Uber, Grab hay Airbnb đều sẽ nằm trong “tầm ngắm” của các quy định mới. Ngoài ra, các quy phạm pháp luật mới cũng sẽ điều chỉnh cả những vấn đề có liên quan đến chính sách thanh toán điện tử, hạ tầng an ninh mạng, chính sách logistics cho kinh tế số…

Cũng từ những rủi ro phát sinh trong môi trường kinh tế số mà Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ thông tin khách hàng. Và theo ông Hồ Tùng Bách, Phó trưởng phòng bảo vệ người tiêu dùng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), sắp tới cơ quan này sẽ thực hiện thanh kiểm tra việc tuân thủ các quy định bảo vệ người tiêu dùng tại doanh nghiệp, cũng như phát đi nhiều khuyến cáo để người tiêu dùng rõ hơn trách nhiệm của doanh nghiệp.

Quản lý kinh tế số: Nhiều thành phần mong muốn nhập cuộc

Trong khi chờ đợi bổ sung thêm hành lang pháp lý mới để “trám” chặt các “kẽ hở” thương mại điện tử, nhiều ý kiến cho rằng mọi đối tượng có liên quan như doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và cả người tiêu dùng cần có động thái cùng phối hợp đóng góp cho chính sách hay ít ra là thể hiện thái độ đối với các hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh trong thương mại điện tử.

Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (Viện Kinh tế và quản lý TP. HCM) cho rằng các rào cản xã hội cần được tăng cường để uốn nắn, ngăn chặn hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng công nghệ số nhằm kinh doanh vô đạo đức, “cần tẩy chay sản phẩm của những doanh nghiệp này và công khai rộng rãi danh tính của họ trên truyền thông đại chúng”.

Đại diện cho Hiệp hội Logistics Việt Nam, Tổng thư ký Nguyễn Duy Minh nhận định ứng dụng quan trọng đang làm nền tảng cho thương mại điện tử là Hải quan điện tử và Cổng thông tin một cửa Quốc gia hiện vẫn rất cần được kết nối đến nhiều bộ, ngành hơn nữa. “Chính phủ cần thúc ép các cơ quan chức năng phải tham gia kết nối vào các cổng này”, ông Minh kiến nghị.

Riêng với vấn nạn rò rỉ thông tin khách hàng khiến cơn bão tin nhắc rác hoành hành chưa có hồi kết như hiện nay, chuyên gia Duangthip Chomprang, Giám đốc Văn phòng hợp tác và hỗ trợ thuộc Viện quốc tế về Thương mại và phát triển Thái Lan tin rằng Việt Nam cần có thêm Luật về Bảo vệ quyền riêng tư bên cạnh các quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản luật như hiện nay, “cần xem quyền riêng tư là tài sản riêng của người tiêu dùng và không ai được buôn bán thông tin cá nhân ấy mà không có sự đồng ý của họ”, bà Duangthip Chomprang nhấn mạnh.

Còn theo đại diện Tổ chức Thống nhất và tín thác bảo vệ người tiêu dùng Ấn Độ (CUTS International) thì khuyến nghị chính sách bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng nên tham khảo thêm khung pháp lý trong lĩnh vực này từ APEC.