Kinh tế trưởng Sebastian Eckardt: World Bank rất quan tâm đến các dự án giao thông của Việt Nam

Đặng Hoa - 10:19, 05/10/2017

TheLEADERTheo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank, kết nối về thương mại và đầu tư là một trong số những ưu tiên được đề cập đến trong "Khung đối tác quốc gia" (CPF) giữa World Bank với Việt Nam.

Kinh tế trưởng Sebastian Eckardt: World Bank rất quan tâm đến các dự án giao thông của Việt Nam
Chuyên gia kinh tế trưởng World Bank, Sebastian Eckardt

Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vừa đề xuất triển khai đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn Hà Nội – TP. HCM với chiều dài hơn 1.300km, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10 tỷ USD. 

Ngày 2/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Giám đốc toàn cầu về Giao thông vận tải và truyền thông của Ngân hàng thế giới (WB) Franz R.Dress Gross. Tham dự đoàn của WB còn có bà Almud Weitz, quản lý về GTVT và truyền thông của WB và Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Osman Dione.

Tại buổi làm việc, ông Franz R.Dress Gross cho biết, WB đang rất quan tâm về dự án cao tốc Bắc Nam và WB có thể hỗ trợ dự án này bằng một gói tổng thể. Hiện WB cũng đang có 5 dự án hợp tác với ngành giao thông Việt Nam với trị giá khoảng 1,5 tỷ USD.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về căng thẳng tài khóa, áp lực tăng trưởng trước mục tiêu 6,7% Chính phủ đặt ra cho năm 2017, tuy nhiên vẫn phải dành những khoản chi lớn cho hệ thống hạ tầng giao thông. Do đó, Việt Nam sẽ cần có những lộ trình sao cho thích hợp giữa việc đầu tư hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế và các mục tiêu tăng trưởng. 

TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam về vấn đề này.

Ông có bình luận gì về việc Bộ GTVT đề xuất triển khai đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn Hà Nội – TP. HCM với chiều dài hơn 1.300km, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10 tỷ USD?

Ông Sebastian Eckardt: Tôi cho rằng đây là một dự án hết sức quan trọng, kết nối miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Hà Nội và TP. HCM là hai cực tăng trưởng của Việt Nam, bên cạnh đó còn có các thành phố cấp hai ở giữa, đảm bảo sự kết nối quan trọng. 

Do đó, Việt Nam cần có một kế hoạch tổng hợp để tối ưu hóa sự kết nối này đồng thời đảm bảo hiệu quả về mặt chi phí.

Cách đây không lâu, WB đã họp với Bộ Kế hoạch đầu tư, công bố chiến lược hợp tác quốc gia và thông báo về khoản hỗ trợ 4 tỷ USD. Vậy WB có sát cánh cùng Việt Nam trong các dự án xây dựng giao thông vận tải, chẳng hạn như tuyến cao tốc Bắc - Nam?

Kết nối về thương mại và đầu tư là một trong số những ưu tiên được đề cập đến trong "Khung đối tác quốc gia" (CPF) của WB với Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Bộ GTVT và Bộ Công thương trên nhiều lĩnh vực, không chỉ về giao thông vận tải. 

Đồng thời với tư cách là một thành viên của CPF, chúng tôi tin rằng hạ tầng giao thông sẽ là một lĩnh vực ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Việt Nam và việc đầu tư cho lĩnh vực này sẽ đáp ứng được những mục tiêu tăng trưởng quan trọng.

Theo ông, làm thế nào để Việt Nam giải quyết bài toán vừa đảm bảo đầu tư được hạ tầng giao thông, theo được mục tiêu tăng trưởng và vừa đảm bảo được cân bằng tài khóa?

Ông Sebastian Eckardt: Việt Nam cần đạt được hai mục tiêu trong chiến lược tài khóa của mình. 

Thứ nhất, phải đảm bảo bền vững tài khóa thông qua việc kìm hãm thâm hụt ngân sách và các khoản nợ công. 

Thứ hai, đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà ở các lĩnh vực khác, nhất là ở các khu vực thành thị do tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. 

Điều quan trọng là Việt Nam cần tìm được cách thức để đạt được các mục tiêu đã đề ra, cần có những sắp xếp về chi tiêu cũng như thu ngân sách do việc cắt giảm các dự án đầu tư có thể sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu trong dài hạn.

Về các dự án giao thông, chẳng hạn như các cảng nước sâu giữa các tỉnh có tiềm năng lớn, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư những dự án quan trọng, phát huy hiệu quả của chi tiêu công.

Hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo ông việc này có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam? 

Ông Sebastian Eckardt: Việt Nam là một quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu trong các lĩnh vực sản xuất sử dụng nguồn lao động lớn. Do đó, việc thu hút các doanh nghiệp FDI sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam. 

Tuy nhiên, Việt Nam cần có giải pháp để tạo ra sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, để vừa bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp FDI đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi kinh nghiệm quản trị cũng như tiếp cận công nghệ và thị trường.

Cũng giống như các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam có rất nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, thu hút lượng lớn các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên cần thực hiện một cách minh bạch và cẩn thận, đảm bảo và tối đa hóa lợi ích đối với những chi phí bỏ ra để thực hiện. 

Bên cạnh đó, cần đảm bảo một sân chơi bình đẳng, gánh nặng về thuế được chia sẻ công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông có những đánh giá như thế nào về mức dự báo tăng trưởng cho Việt Nam trong năm nay? Liệu Việt Nam có đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%?

Ông Sebastian Eckardt: Trong báo cáo cuối năm 2016, chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,3% trong năm 2017 và chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ duy trì được đà phát triển. Do sản lượng khai khoáng và dầu mỏ giảm mạnh nên mức dự báo 6,3% là hợp lý, tuy nhiên các lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ... vẫn mang lại những kết quả rất tích cực. 

Nếu điều này được duy trì trong quý IV/2017 thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay hoàn toàn có thể đạt được.

Mục tiêu tăng trưởng GDP ngắn hạn cao như vậy có ảnh hưởng gì tới các mục tiêu dài hạn hay không?

Ông Sebastian Eckardt: Hiện nay, thâm hụt ngân sách cũng như nợ công của Việt Nam có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu ngắn hạn. Những rủi ro này có thể tác động tới các mục tiêu dài hạn của Việt Nam. 

Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển và đây chính là thời diểm thích hợp để tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ những rào cản ảnh hưởng đến quá trình cải thiện hiệu quả và tăng năng suất lao động, qua đó đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trung hạn của Việt Nam đang được đánh giá là tích cực.

Xin cảm ơn ông!