Kinh tế Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào FDI

Minh Anh - 00:00, 19/07/2017

TheLEADER"Sự tăng trưởng kinh tế không xuất phát từ những yếu tố nội tại, từ cái lõi của nền kinh tế, một ngày nào đó khi vốn ngoại quay đầu, sẽ rất khó có thể lường trước những hệ lụy sẽ xảy ra".

Kinh tế Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào FDI
Nhà máy Samsung của Hàn Quốc tại Việt Nam

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách (VEPR), mặc dù bước sang quý II, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực với mức tăng trưởng 6,17% cao hơn hơn so với cùng kỳ năm trước (5,78%), song các báo cáo đang cho thấy kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, dấu hiệu phụ thuộc vào khu vực FDI trong hoạt động xuất khẩu ngày càng rõ rệt. Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu thì còn số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017. Kết quả là khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng. 

Bên cạnh đó, cũng theo ông Thành, lượng việc làm mới không đến từ phía doanh nghiệp trong nước. Ngược lại, lao động được sử dụng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Nhất là những công ty lớn như Samsung của Hàn Quốc chiếm tỷ trọng rất lớn trong việc xuất khẩu và tạo ra việc làm cho người lao động.

“Như vậy, rõ rằng nền kinh tế của Việt Nam đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước gần như không tăng trưởng mạnh và chưa thực sự được hưởng lợi từ quá trình hội nhập kinh tế, cũng như những chính sách kinh tế mới của Chính phủ… ngay cả khi chúng ta đang thúc đẩy phát triển kinh tế như hiện nay”, ông Thành nhận định.

Cũng theo chuyên gia kinh tế này, sự phụ thuộc quá lớn vào FDI là vấn đề rất đáng lo ngại đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. "Bởi, sự tăng trưởng kinh tế không xuất phát từ những yếu tố nội tại, từ cái lõi của nền kinh tế, một ngày nào đó khi vốn ngoại quay đầu, sẽ rất khó có thể hường trước những hệ lụy sẽ xảy ra", ông Thành nhìn nhận.

Năm 2017 có đặc điểm khác biệt là ngay từ đầu năm Chính phủ đã quyết tâm rất cao trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra là 6,7%, bất chấp nhiều cảnh báo đó là mức kém khả thi. 

Các biện pháp nêu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng bộ ngành (Chỉ thị 24/CT-TTg, 2/6/2017). Đặc biệt, ngành dầu khí được chỉ thị tăng cường sản lượng khai thác để tăng mức đóng góp vào GDP.

Tuy nhiên, đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. 

Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô,… có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách.

Bên cạnh đó, tăng trưởng của khu vực sản xuất và hoạt động thương mại vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của một số ít các doanh nghiệp FDI lớn. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đáng kể cùng với sự suy giảm trong quy mô lao động hoạt động cho thấy khu vực kinh tế trong nước đang ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt trong việc cạnh tranh với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. 

Để giảm sức ép đối với ngân sách và tránh lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực này là yếu tố sống còn đối với nền kinh tế, ông Thành khẳng định.