Lạm phát 2017 có thể sẽ vượt ngưỡng 4%

An Chi - 15:54, 11/10/2017

TheLEADERTheo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, lạm phát trong năm 2017 có thể sẽ vượt ngưỡng 4%, thậm chí nhiều khả năng vượt mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Lạm phát 2017 có thể sẽ vượt ngưỡng 4%
Lạm phát đang tăng trở lại trong quý III/2017. Ảnh NCIF

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), sau khi giảm mạnh từ đầu năm, lạm phát toàn phần của Việt Nam đã gia tăng trở lại trong tháng 8 và tháng 9/2017 với sự phục hồi của giá nhóm hàng thực phẩm. 

Tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng đã tăng từ mức 2,52% trong tháng 7 lên mức 3,35% và 3,4% (yoy) trong hai tháng tiếp theo. Sức ép gia tăng đối với lạm phát chủ yếu đến từ lộ trình tăng giá dịch vụ công cùng với các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong quý.

Cụ thể, đối với giá dịch vụ y tế, trong tháng 8 và tháng 9, đã có tổng cộng 20 tỉnh thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm, đưa mức giá của nhóm hàng này trong tháng 9 tăng 29,01% so với tháng 12/2016 và 58,08% so với cùng kỳ năm trước. 

Về giá dịch vụ giáo dục, lần lượt có 5 tỉnh và 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí trong tháng 8 và tháng 9, khiến chỉ số giá của nhóm dịch vụ này tính đến hết tháng 9 tăng 7,92% so với tháng 12 năm ngoái và tăng trưởng 8,65% (yoy).

Đồng thời, chỉ số giá nhóm hàng giao thông cũng liên tục tăng sau các đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong quý, với tăng trưởng trong hai tháng 8 và 9 là 5,7% và 6,7% (yoy).

Bên cạnh đó, việc Thủ tướng đã ký quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 15/08/2017, cho phép EVN được tự quyền quyết định mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong khoảng từ 3 - 5% (dựa trên biến động khách quan của giá các đầu vào) có thể tạo ra sức ép đối với lạm phát trong thời gian tới.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn giảm nhẹ so với quý II, và chỉ đạt mức 1,32% (yoy) vào cuối quý này, nới rộng khoảng cách với lạm phát toàn phần, cho thấy sự gia tăng chủ yếu đến từ nhóm các mặt hàng do Nhà nước quản lý. 

Mặt khác, diễn biến của lạm phát cơ bản cũng phản ánh chính sách điều tiết cung tiền thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong chín tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán ước tính tăng 9,59% so với cuói năm 2016, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (11,76%).

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách nhận định, nhiều khả năng lạm phát trong năm 2017 có thể sẽ vượt ngưỡng 4%, thậm chí nhiều khả năng vượt mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Trước xu hướng gia tăng lạm phát vào quý cuối năm, NHNN cần thận trọng trong chính sách tăng trưởng tín dụng để tránh tích lũy sức ép lạm phát đang tăng dần, tránh bất ổn vĩ mô tái phát khi lạm phát vượt qua một ngưỡng nhất định, vì dụ 5%. 

Ngoài ra, Chính phủ có thể linh hoạt điều chỉnh giãn tiến độ tăng giá mặt hàng cơ bản tùy theo diễn biến của lạm phát. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tình thế vì mang tính hành chính, ông Thành cho biết.