Làn sóng cổ phần hóa mới đưa chứng khoán Việt Nam bay cao

Thiên Hoàng - 15:41, 15/11/2017

TheLEADERBên cạnh các công ty tư nhân, nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và niêm yết đã giúp quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ gần đây. Chỉ số VN-Index hôm nay đóng cửa trên 882 điểm, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoàng tài chính năm 2009 đến nay.

Làn sóng cổ phần hóa mới đưa chứng khoán Việt Nam bay cao
Ông Phạm Hồng Sơn phát biểu tại Diễn đàn Tổng quan Nikkei châu Á tại Việt Nam. Ảnh: TL

Sau 17 năm hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được biết đến là một thị trường non trẻ nhất, quy mô khiêm tốn nhất, nhưng là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á.

VN-Index đã tăng trưởng hơn 30% trong năm nay. Bên cạnh đó, vào ngày 10/8/2017, Việt Nam đã chính thức mở thị trường chứng khoán phái sinh với sản phẩm giao dịch đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

TTCK Việt Nam ngày càng trở nên hứa hẹn và hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước một phần nhờ vào chủ trương và kế hoạch cụ thể trong việc đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn khỏi DNNN của Chính phủ trong thời gian gần đây. 

Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, TheLEADER đã có buổi phỏng vấn với ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về các vấn đề liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tình hình TTCK Việt Nam.

Tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước gần đây diễn ra mạnh mẽ. Kết quả này được thể hiện trên thị trường chứng khoán như thế nào thưa ông?

Ông Phạm Hồng Sơn: Hiện nay, mức vốn hóa thị trường với cổ phiếu là 64% GDP, trái phiếu khoảng 40%, như vậy, tổng mức vốn hóa thị trường của cả cổ phiếu và trái phiếu là trên 100%. Đó là một mức khá lớn nếu so với vài năm trước đây.

Nếu vào thời điểm 2006, tính cả 2 Sở Giao dịch chứng khoán chỉ có 192 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch và có duy nhất 01 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD thì cho đến nay trên thị trường đã có trên 700 doanh nghiệp niêm yết, 640 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, trong đó có 23 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.

Sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục theo sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp nhà nước, từ đó sẽ tạo ra lượng cung hàng tốt về cả số lượng và chất lượng cho thị trường, giúp nâng cao sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam.

Các chỉ số chứng khoán tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Theo ông đây có phải là thời điểm thuận lợi giúp TTCK Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới?

Ông Phạm Hồng Sơn: Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt, và không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến TTCK Việt Nam. Mức độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện đang rất tốt, xét trên cả lượng cung hàng và lượng cầu trên thị trường. 

Bên cạnh đó, tính thanh khoản của thị trường chứng khoán đang rất tích cực với mức tăng 50% từ 3.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2016 lên mức 4.500 tỷ đồng/phiên trong năm 2017.

Các nhà đầu tư nước ngoài, trước khi đưa ra quyết định đầu tư, trước tiên sẽ nhìn xem doanh nghiệp đó có hoạt động hiệu quả không, thứ hai nhìn vào tính thanh khoản, thứ ba là tính minh bạch của thị trường và cuối cùng là tính kỷ luật của thị trường. Đó là bốn điểm mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc trước khi quyết định đầu tư. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã và đang làm tốt các điểm đó.

Ông đánh giá như thế nào về các DNNN sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp này đã đáp ứng được những tiêu chí và yêu cầu mà ông đề cập?

Ông Phạm Hồng Sơn: Tôi nghĩ rằng dần dần các DNNN sẽ đạt được những yêu cầu đó. Bởi các doanh nghiệp khi đã được niêm yết trên sàn chứng khoán đều cần phải tuân thủ những yêu cầu của thị trường. Đây là một cách giúp minh bạch hóa các DNNN bởi yêu cầu cơ bản nhất của TTCK không gì khác ngoài tính minh bạch và công bằng.

Phải chăng con đường cổ phần hóa của các DNNN lớn sẽ hướng đến việc niêm yết và cải thiện tính minh bạch thông tin?

Ông Phạm Hồng Sơn: Việc niêm yết và minh bạch là lẽ tất nhiên. Tùy từng doanh nghiệp, có những doanh nghiệp mà nhà nước cần phải nắm giữ, bởi liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia, quốc phòng mà chúng ta đã có quy định riêng.

Nói chung các doanh nghiệp khác vẫn phải niêm yết trên sàn, đây là một xu hướng để minh bạch hóa và công bằng hóa hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải tự chuyển mình để đáp ứng những đòi hỏi về vấn đề về công khai và minh bạch thông tin.

Theo ông, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp trong lộ trình cổ phần hóa là gì?

Ông Phạm Hồng Sơn: Tôi nghĩ thách thức từ phía doanh nghiệp là họ phải thực hiện công bố thông tin, nâng cao năng lực quản trị và phải nhanh nhạy với các quy định mới. Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp còn có những thách thức riêng liên quan đến lĩnh vực và ngành nghề của họ. Về phía quản lý, chúng tôi sẽ thực hiện việc theo dõi và giám sát điều đó.

Có một vấn đề đặt ra là một số DNNN khi cổ phần hóa chưa định giá đầy đủ, gây thất thoát vốn nhà nước. Theo ông, điều này nên được xử lý như thế nào?

Ông Phạm Hồng Sơn: Tôi nghĩ rằng quy trình thoái vốn hiện nay về cơ bản đã được quy định tương đối rõ và Nhà nước hiện quản lý chặt vấn đề định giá và thực hiện đấu giá công khai. Sắp tới chính phủ sẽ tiến hành bổ sung Nghị định 91 liên quan đến vấn đề thoái vốn và cổ phần hóa. Các kế hoạch đấu giá cổ phần và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vừa qua tôi cho rằng Việt Nam đã làm tốt.

Thưa ông, Ủy ban chứng khoán có kế hoạch gì trong tương lai để đẩy mạnh tốc độ phát triển của TTCK Việt Nam cũng như đảm bảo niềm tin của thị trường?

Ông Phạm Hồng Sơn: Trong thời gian tới, khuôn khổ pháp lý cho thị trường vốn – TTCK, đặc biệt là thị trường phái sinh vừa được mở trong tháng 8 vừa qua sẽ được tiếp tục hoàn thiện, trong đó Bộ Tài chính dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa đổi Luật Chứng khoán trong năm 2019. 

Cùng với Luật Doanh nghiệp 2015 và các luật liên quan, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu, tạo khuôn khổ pháp lý cho các sản phẩm mới trên thị trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, giám sát TTCK của các cơ quan quản lý, đảm bảo thị trường phát triển bền vững và minh bạch.

Xin cảm ơn ông!