Lộ nhiều sai phạm vụ phá rừng đặc dụng lấy đất làm hầm đường bộ Đèo Cả

Vũ Minh - 15:14, 30/01/2018

TheLEADERThanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến dự án khai thác khoáng sản đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công Dự án hầm đường bộ Đèo Cả của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Thạch.

Lộ nhiều sai phạm vụ phá rừng đặc dụng lấy đất làm hầm đường bộ Đèo Cả
Dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng 16 ha rừng đặc dụng tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) để thực hiện dự án khai thác khoáng sản đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công Dự án hầm đường bộ Đèo Cả của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Thạch cho thấy hàng loạt vi phạm các quy định của Luật Đất đai, Luật Khoáng sản.

Việc thanh tra này nhằm thực hiện kết luận của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có Thông báo số 443/TB-VPCP ngày 20/9/2017 về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án có liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng tại Phú Yên.

Trong đó, Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thành lập tổ công tác kiểm tra, xác minh việc chuyển mục đích sử dụng khoảng 16ha rừng đặc dụng Đèo Cả để thực hiện dự án khai thác khoáng sản đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả của Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch.

Nhiều sai phạm

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, khu vực được lựa chọn khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả có diện tích 16 ha tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên đang được quy hoạch là đất rừng đặc dụng do Ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả quản lý, có chức năng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, là khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản.

Hiện trạng khu vực rừng đặc dụng 16ha này gồm 15 ha có rừng được Ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả ký hợp đồng giao khoán cho 11 hộ dân bỏ vốn thực hiện trồng rừng, được chủ động sản xuất trên diện tích đất khoán, hưởng thành quả lao động và kết quả đầu tư trên đất nhận khoán theo hợp đồng, theo quy định tại Nghị định số 01/NĐ - CP ngày 4/1/1995 của Chính phủ.

Theo đề xuất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Thạch, Sở Tài nguyên và môi trường Phú Yên đã đề nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung vị trí mỏ đất trong khu vực này vào quy hoạch khoáng sản.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt bổ sung khai thác khoáng sản đối với mỏ đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường diện tích 16ha tại nói trên là chưa phù hợp với quy định tại Điểm 1 Điều 28 Luật Khoáng sản năm 2010. 

Về cấp phép khai thác khoáng sản, việc UBND tỉnh Phú Yên cho phép Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch vừa khai thác, vừa hoàn tất thủ tục với diện tích 2ha đang được quy hoạch là rừng đặc dụng khi chưa có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, mục đích sử dụng rừng là vi phạm các quy định tại Khoản a Điểm 3 Điều 94 Luật Đất đai 2003; Điều 31 và Điểm 2 Điều 53 Luật Khoáng sản 2010.

UBND tỉnh cũng đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 40/GP-UBND ngày 14/11/2012 cho Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch với diện tích 16ha, trữ lượng khai thác 642.000m3, thời gian khai thác là 5 năm 5 tháng. 

Việc UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực đang được quy hoạch là rừng đặc dụng thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, không yêu cầu thực hiện tiến hành thăm dò khoáng sản là vi phạm các quy định tại Điểm 1 và Điểm 2 Điều 53 Luật Khoáng sản 2010.

Đối với việc khai thác khoáng sản và cải tạo phục hồi môi trường, qua kiểm tra cho thấy, Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch đã thực hiện sai so với giấy phép khai thác khoáng sản được cấp (Không thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu trả lại mặt bằng đến đó, không giữ lại phần đất bóc tầng phủ, khai thác quá độ sâu theo quy định, khai thác vượt trữ lượng) tạo ra hiện trường ngổn ngang cát, đá, sỏi, sạt lở, sụt lún, cao độ chênh lệch lớn chưa được san gạt, dọn dẹp.

Công ty này cũng không thực hiện thống kê, kiểm kê báo cáo trữ lượng theo quy định, khai thác vượt trữ lượng cho phép, chưa đóng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Việc công ty này khai thác khoáng sản khi chưa có quyết định cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, mục đích sử dụng rừng, chưa được bàn giao mặt bằng và vi phạm các quy định của Luật Đất đai 2003 và Luật Khoáng sản 2010.

Quá trình khai thác không được các cơ quan có liên quan và địa phương kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh và xử lý đối với các vị phạm của Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch.

Việc UBND tỉnh chấp thuận phương án cho công ty này được nộp tiền trồng rừng thay thế, không phải trồng cây Sao đen trên diện tích khai thác là không đúng với Báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt và hướng dẫn của Tổng cục Lâm nghiệp.

UBND huyện Đông Hòa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi chưa có quyết định thu hồi đất là trái quy định tại Điều 31 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ.

Kiến nghị xử lý nghiêm

Từ những nội dung sai phạm như trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên các nội dung sau:

Tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong việc khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện phương án tích cực sửa chữa các hạn chế, yếu kém và sai phạm, đồng thời khẩn trương khắc phục những hậu quả về môi trường trong thời gian sớm nhất;

Giữ nguyên quy hoạch rừng đặc dụng (không điều chỉnh sang đất khác) đối với khu vực mỏ đất có diện tích 16ha tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Thực hiện ngay việc phục hồi môi trường, trồng lại rừng theo phương án đã được phê duyệt đảm bảo chức năng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; 

Kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm nêu trên theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý; 

Yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch khẩn trương thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường và trồng rừng ngay tại khu vực khai thác mỏ đất 16ha theo đúng quy định, nộp đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Dự án hầm đường bộ Đèo Cả có tổng chiều dài 13,19 km, bắt đầu từ km 1353+150 trên quốc lộ 1A thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) và kết thúc tại km 1374+525 thuộc xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Dự án hầm đường bộ đèo Cả khởi công từ tháng 11/2012 theo hình thức BOT, tổng dự toán ban đầu hơn 15,6 nghìn tỷ đồng.