Loại bỏ xong Uber, Grab sẽ tiếp tục giảm giá cước để dụ người Việt vào ứng dụng mới

Trần Dũng - 11:31, 12/04/2018

TheLEADERKhông chỉ dừng lại ở vị thế của một ứng dụng gọi xe, Grab đang định hướng phát triển một hệ sinh thái hoàn chỉnh tại Việt Nam và Đông Nam Á. Trước mắt, GrabPay sẽ là sản phẩm được ưu tiên số một.

Uber đã chính thức rời khỏi Việt Nam từ ngày 8/4 sau thất bại với Grab tại Đông Nam Á. Toàn bộ mảng kinh doanh của Uber tại đây sẽ được chuyển nhượng cho Grab, đổi lại Uber sẽ có 27,5% cổ phần trong startup gọi xe của Malaysia.

Sự ra đi của Uber biến Grab trở thành ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á. Một số quốc gia, như Singapore hay Việt Nam, thậm chí yêu cầu Grab phải giải trình thương vụ thâu tóm lại Uber Đông Nam Á, trước mối lo ngại về khả năng độc quyền.

Phát biểu trên kênh CNBC vài ngày sau khi thương vụ mua lại Uber được công bố, nhà sáng lập kiêm CEO của Grab, Anthony Tan cho biết, 27,5% cổ phần của Grab có giá trị “nhiều tỷ USD”, tuy nhiên, ông cho rằng đó là một quyết định đúng đắn và cũng không bận tâm nhiều về con số.

Trọng tâm của ông Tan bây giờ, đó là giải quyết một bài toán lớn tại Đông Nam Á, một bài toán không liên quan nhiều đến gọi xe. 

Trong khi mọi người còn đang mải nói lời từ biệt với Uber, thì Grab đã âm thầm tung ra một dịch vụ mới: Dịch vụ cung cấp khoản vay và bảo hiểm cho tài xế Grab thông qua ứng dụng GrabPay. Dịch vụ ra đời sau khi Grab ký kết hợp tác với Credit Saison (Nhật Bản) để đưa lĩnh vực tài chính thành một mảng hoạt động riêng.

Thành lập năm 2012 với tên gọi Grab Taxi, năm 2016, công ty thay đổi nhận diện thương hiệu và đổi tên của mình chỉ còn là Grab, với tham vọng không chỉ phát triển mỗi lĩnh vực taxi, mà là một hệ sinh thái rộng khắp. Cho đến thời điểm này, Grab đã tung ra nhiều dịch vụ như Grab Taxi, Grab Car, Grab Bike, Grab Share hay Grab Express. Và một trong những trọng tâm mà Grab đang hướng đến, đó là lĩnh vực thanh toán điện tử với GrabPay.

Không có một chiến lược quảng cáo rầm rộ tại Việt Nam như cách Zalo pay hay Momo đã làm, GrabPay đi thẳng vào quảng cáo cho những người đang sử dụng ứng dụng Grab thông qua các chương trình giảm giá cước. Nếu người dùng đặt ứng dụng qua GrabPay, họ được giảm giá cước. Nếu đó là tài xế, họ cũng được giảm mức phí phải trả cho Grab.

Loại bỏ xong Uber, Grab sẽ tiếp tục giảm giá cước để dụ người Việt vào ứng dụng mới
Grab đang hướng lĩnh vực thanh toán điện tử với GrabPay.

Với khoảng 68 triệu lượt tải và 2 triệu tài xế hợp tác trên toàn Đông Nam Á, Grab đã xây dựng cho mình một kho người dùng khổng lồ, đủ đề “educate” (đào tạo) thị trường hiệu quả. Đặc biệt là khi, đối tượng mà Grab thu hút không chỉ là tầng lớp trung lưu mà còn là tầng lớp bình dân (lái xe), những người ít mặn mà với việc tiếp thu công nghệ mới.

Khi GrabPay có một lượng người dùng đủ lớn, bước phát triển tiếp theo của nó là trở thành một dạng ví điện tử hoàn chỉnh. Dù chưa có tại Việt Nam, nhưng tại các quốc gia khác như Singapore hay Jarkata, từ tháng 11 năm ngoái, Grab đã cho phép người dùng thanh toán hóa đơn tại các cửa hàng bằng GrabPay. Trong chuyến đi thị sát thị trường Việt Nam vừa qua, bà Tan Hooi Ling, nhà đồng sáng lập của Grab cũng chia sẻ “muốn đưa tiện ích này vào thị trường Việt Nam”.

Có thể thấy, mục tiêu của Grab hiện nay không chỉ đơn giản là trở thành ông vua trên thị trường gọi xe nữa, mà trở thành ‘ví tiền’ của mọi nhà. Ngoài việc dùng để gọi xe, với GrabPay, khách hàng có thể thanh toán hóa đơn tiền điện, nước hàng tháng hay mua vé xem phim, ăn uống,… Và để “nhốt” người dùng dần dần, những gọi khuyến mãi giá cước trên Grab là một công cụ truyền tải hữu hiệu.

Trong số bao nhiêu lĩnh vực, tại sao Grab lại chọn lĩnh vực tài chính? Có thể thấy, những bước đi của Grab rất giống với những gì những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc là Alibaba hay Tencent đã làm. Tencent, từ một công ty chuyên về game, đã phát triển ứng dụng trò chuyện là Wechat, sau đó tích hợp Wechat Pay vào để trở thành một trong những ví điện tử được ưa chuộng nhất Trung Quốc.

Tương tự, Alipay của Alibaba ban đầu chỉ là một tính năng bổ trợ, đã trở thành thế lực có thị phần lớn nhất trên thị trường thanh toán qua di động của Trung Quốc. Một hệ sinh thái khép kín đến mức, khách hàng chỉ cần dùng các dịch vụ của Tencent hay Alibaba là đủ để thỏa mãn tất cả các nhu cầu.

Bản thân nhà sáng lập Anthony Tan cũng từng chia sẻ “bị quyến rũ bởi Tencent và muốn mô phỏng sự thành công của WeChat trong việc phổ biến thanh toán qua điện thoại thông minh”. Hiện tại, Grab đang xây dựng những trung tâm kỹ thuật tại Jarkata, Bangalore và Tp.HCM để triển khai tham vọng này tại Đông Nam Á.

Sự thành công của Alipay và Wechat Pay đều dựa vào một mẫu số chung: Nắm giữ một lượng người dùng đủ lớn kết hợp nền tảng công nghệ tiện lợi. Tất nhiên, không thể thiếu một yếu tố quan trọng khác là thị trường phải tiềm năng, chưa được khai phá. Những yếu tố đó đang cho thấy sự tương đồng tại Đông Nam Á.

Alibaba và Tencent cũng nhìn nhận ra cơ hội này. Việc Alibaba chuẩn bị rót tiền vào Grab, còn Tencent lựa chọn Go-Jek (ứng dụng gọi xe của Indonesia) làm nơi đầu tư không phải chỉ để nhắm đến thị trường gọi xe. Trong mắt các gã khổng lồ Trung Quốc, tiếp cận mảng tiêu dùng tài chính của thị trường 800 triệu dân có tiềm năng lớn hơn nhiều.

Tại Việt Nam, vài năm trở lại đây đã có hàng loạt các dịch vụ ví điện tử và thanh toán di động ra đời như 1Pay, MoMo, Payoo, Vimo, Moca, VnPay, Zalo Pay,… Nhưng vẫn chưa có ai thực sự nổi bật và thu hút được một lượng người dùng đủ lớn.

Tất cả những ví điện tử ra đời độc lập đều thiếu đi một “sân chơi” để lan tỏa sản phẩm của mình, trừ ZaloPay. Họ đốt tiền cho quảng cáo, nhưng hiệu quả thu về vẫn còn là ẩn số. Trong khi đó, với Grab, dù không có số liệu chính thức, nhưng chỉ cần nhìn lực lượng lái xe hùng hậu màu xanh lá cây trên mỗi góc phố, là đủ để thấy cơ hội thành công của ứng dụng này.