Lợi nhuận doanh nghiệp FDI cao nhất nhưng đóng thuế ít nhất

Tiêu Phong - 11:43, 07/02/2018

TheLEADERMặc dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp FDI lại thấp nhất trong khu vực doanh nghiệp.

Lợi nhuận doanh nghiệp FDI cao nhất nhưng đóng thuế ít nhất
Quản lý các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực về thuế, chống chuyển giá vẫn là bài toán khó. Ảnh minh họa

Báo cáo các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các thành phố trực thuộc trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010 - 2016 của Bộ Kế hoạch và đầu tư ngày 6/2 cho biết, doanh nghiệp FDI có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao nhất tại Việt Nam nhưng lại có đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất.

Cụ thể, đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 962,2 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm khu vực doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng 14,8%.

Năm 2016 mặc dù tạo ra lợi nhuận thấp nhất trong các thành phần kinh tế nhưng các doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp vào ngân sách nhà nước cao nhất với 434,7 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 17%/năm giai đoạn 2010 - 2016.

Các doanh nghiệp nhà nước năm 2016 đóng góp 277,3 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2010-2016.

Trong khi đó, mặc dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng các doanh nghiệp FDI lại có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế với 250,9 nghìn tỷ đồng năm 2016, tăng bình quân 16,9%/năm giai đoạn 2010-2016.

Theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp và xây dựng là hai khu vực có quy mô đóng góp vào ngân sách nhà nước năm 2016 là khá tương đồng với 498,3 nghìn tỷ đồng và 462,1 nghìn tỷ đồng.

Trong khi các doanh nghiệp thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 chỉ đóng góp được 2,53 nghìn tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 712,947 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực doanh nghiệp tăng 12,3% (thấp hơn mức tăng của vốn 16,3% và doanh thu 15,1%).

Theo khu vực kinh tế, các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng tạo ra lợi nhuận chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ doanh nghiệp đồng thời là khu vực có tốc độ tăng lợi nhuận nhanh nhất giai đoạn 2010-2016. 

Năm 2016 các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng tạo ra 447,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 62,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 14,7%/năm giai đoạn 2010-2016. 

Trong đó các doanh nghiệp công nghiệp năm 2016 tạo ra 424,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,5% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp, tăng bình quân 15,5%/năm. 

Năm 2016 các doanh nghiệp khu vực dịch vụ tạo ra 261 nghìn tỷ đồng (chiếm 36,6% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 9,6%/năm. 

Trong khi đó các doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 chỉ tạo ra 4,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), giảm bình quân 10,9%/năm.

Theo thành phần kinh tế, các doanh nghiệp FDI mặc dù có số lượng doanh nghiệp, lao động, vốn chiếm tỷ lệ không cao trong toàn bộ doanh nghiệp nhưng tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các thành phần kinh tế còn lại. 

Năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 17,3%/năm giai đoạn 2010-2016. 

Các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhất về số doanh nghiệp, lao động và vốn, nhưng chỉ tạo ra khối lượng lợi nhuận khiêm tốn. 

Năm 2016 các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 188,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 8,4%/năm giai đoạn 2010-2016. 

Các doanh nghiệp nhà nước tạo ra 197,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 9,4%/năm giai đoạn 2010-2016.

Xét theo địa phương, giai đoạn 2010-2016 những tỉnh có mức lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp bình quân tăng cao trên 30% gồm: Thái Nguyên, Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Quảng Nam, Yên Bái, Lai Châu.

Có 8/63 tỉnh có lợi nhuận thu được từ các doanh nghiệp năm 2016 giảm gồm: Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng, Gia Lai.