Lợi nhuận khiêm tốn của Big4 kiểm toán Việt Nam

Trần Anh - 12:47, 01/06/2018

TheLEADERNăm 2017, lợi nhuận của KPMG tại Việt Nam chỉ vỏn vẹn 772 triệu trên tổng doanh thu gần 500 tỷ đồng.

Big Four (hay còn được viết tắt Big4) là bốn công ty kiểm toán quốc tế hàng đầu trên thế giới. Big4 xử lý phần lớn các công việc kiểm toán cho các công ty có giao dịch công khai lớn nhất ở mọi quốc gia và cũng như nhiều công ty tư nhân khác nó tạo ra sự độc quyền trong nghành công nghiệp kiểm toán toàn cầu.

4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới này bao gồm PwC, KPMG, EY, Deloitte. Tại Việt Nam, Big4 đã tồn tại từ những ngày đầu đất nước mở cửa, và theo thời gian, khi nền kinh tế trong nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, vị thế của Big4 cũng được nâng lên đáng kể.

Ngày nay, gần như tất cả những công ty vốn hóa lớn nhất Việt Nam như Vingroup, Vietcombank, Thế giới di động,… đều là khách hàng của các công ty kiểm toán thuộc Big4. Mỗi Big lại có một đối tượng khách hàng đặc thù khác nhau để phục vụ.

Chẳng hạn EY, với tiền thân là công ty nhà nước, thường là tổ chức có doanh thu từ khách hàng công chúng cao nhất, với khoảng 117 tỷ đồng trong năm tài chính 2017. Ngược lại, PwC lại tập trung vào khách hàng DN có vốn đầu tư nước ngoài, và chỉ kiểm toán cho duy nhất một khách hàng trong nước là Novaland.

Những năm qua, cạnh tranh giữa các đơn vị kiểm toán ngày càng khốc liệt. Không chỉ Big4, một số các công ty kiểm toán lớn ngoài Big4 như A&C, AASC, AAC cũng chạy đua vào những gói thầu kiểm toán cho doanh nghiệp thông qua việc giảm giá kiểm toán.

Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, đã phải giảm giá để giành được Gói thầu trị giá trên 10 tỷ đồng Cung cấp dịch vụ soát xét báo cáo tài chính bán niên, kiểm toán báo cáo tài chính năm và kiểm toán hoạt động của hệ thống Kiểm soát nội bộ BIDV cho năm tài chính 2016 và 2017.

Một trong những gói thầu tư vấn kiểm toán quy mô lớn có mức giảm giá “khủng” là Gói thầu Kiểm toán Báo cáo tài chính giai đoạn 2016 - 2018 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP mà KPMG trúng thầu. Với giá gói thầu là 11,78 tỷ đồng, KPMG đã giảm giá tới 47% để trở thành người chiến thắng.

Việc đến cả Big4 cũng phải giảm giá mạnh để mong trúng thầu kiểm toán khiến nhiều người lo ngại về chất lượng hoạt động kiểm toán doanh nghiệp tại Việt Nam.

Song song với cung cấp dịch vụ kiểm toán, các Big còn tham gia vào các hoạt động nghiệp vụ khác như tư vấn, hướng dẫn thủ tục đầu tư, thuế, pháp lý, và nhiều hoạt động tài chính khác. Doanh thu từ những mảng dịch vụ trong năm qua chiếm tỷ trọng rất lớn trong nguồn thu của Big4.

Lấy trường hợp PwC ở trên, báo cáo minh bạch cho thấy doanh thu kiểm toán của đơn vị này tại Việt Nam chỉ vọn vẹn 19,9 tỷ đồng trong năm tài chính 2017. Tuy nhiên, tổng doanh thu của PwC lại lên tới 838 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu từ việc kiểm toán chỉ đóng góp khoảng 2% tổng doanh thu của PwC, còn lại đến từ những lĩnh vực khác.

Xét trên tiêu chỉ tổng doanh thu, EY là đơn vị kiếm được nhiều tiền nhất năm qua khi thu về 927 tỷ đồng. Các vị trí tiếp theo là PwC (838 tỷ đồng), Deloitte (644 tỷ đồng) và cuối cùng là KPMG (447 tỷ đồng).

Đáng chú ý, dù quy mô doanh thu khá lớn, từ 500 – 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận của các Big4 tại Việt Nam vô cùng khiêm tốn. Năm 2017, EY chỉ có lợi nhuận 5,8 tỷ đồng. Thậm chí trường hợp của KPMG, lợi nhuận của công ty kiểm toán này trong năm qua chỉ có…772 triệu đồng.

Các công ty kiểm toán lý giải, một phần lớn chi phí của các công ty kiểm toán là chi phí cho nhân viên, với tỷ trọng chiếm từ 60 – 70% tổng chi phí. KPMG, chi 315 tỷ đồng cho chi phí nhân viên trong năm 2017, tương đương chi phí trung bình cho mỗi kiểm toán viên là 8 tỷ đồng/người/năm. EY có chi phí trung bình cao nhất, khoảng 8,5 tỷ đồng/người/năm.

Con số này, nếu so với các công ty kiểm toán lớn ngoài Big4 tại Việt Nam thì khá chênh lệch. AASC, đơn vị kiểm toán quy mô tại thị trường trong nước, có chi phí trung bình cho nhân viên chỉ khoảng 2 tỷ đồng/người/năm.