Lối thoát nào cho các cựu tài xế đã trót đặt cược gánh mưu sinh với Uber?

Quỳnh Như - 10:56, 13/04/2018

TheLEADERCó rất nhiều con đường cho các tài xế Uber chọn sau khi Uber sáp nhập với Grab nhưng đối với những người đã đặt cược gánh mưu sinh với ứng dụng này, có vẻ con đường nào cũng gập ghềnh.

Lối thoát nào cho các cựu tài xế đã trót đặt cược gánh mưu sinh với Uber?
Nhiều tài xế Uber đang gặp khó khăn sau khi ứng dụng này rút khỏi Việt Nam từ 8/4.

Việc Uber đột ngột rút khỏi thị trường Việt Nam đã khiến nhiều tài xế lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười, nhất là những lái xe Uber tham gia mua xe hơi trả góp, đặt cược gánh mưu sinh với ứng dụng này.

Tuy nhiên, khi cú sốc qua đi, họ buộc phải đứng dậy đối mặt với thực tại, dù tương lai phía trước có mờ mịt thế nào.

"Thật ra, hầu hết anh em lái xe Uber đều từng chạy song song hai ứng dụng, cả Uber và Grab: Uber chính, Grab phụ. Tuy nhiên, vì chính sách của Grab khắt khe hơn Uber, chỉ cần tài xế có một chút sai phạm, Grab sẽ gửi mail thông báo khóa tài khoản, nội dung khá chung chung. 

Tôi bị khóa tài khoản vào năm ngoái và đến giờ vẫn không hiểu vì sao mình bị khóa. Trước khi Uber bị thâu tóm, Grab đã khóa rất nhiều tài khoản khi phát hiện các tài xế dùng cả hai ứng dụng gọi xe”, anh Phạm Khánh Thụy, một tài xế có thâm niên tâm sự.

Lối thoát nào cho các cựu tài xế đã chót đặt cược gánh mưu sinh với Uber?
Anh Phạm Khánh Thụy.

Nói về mối tương quan giữa Uber và Grab, tài xế này đánh giá: Chính sách trước đây của Uber được lòng cánh lái xe hơn, do mức chiết khấu chỉ 25%, trong khi Grab lên tới 28,35%, nếu tính thêm 1% phí khi giao dịch qua ví Momo lúc nộp tiền cho hợp tác xã, thì chiết khấu có thể lên đến gần 30%.

Theo anh Thụy, cách điều hành của Uber theo kiểu châu Âu, nên lái xe khá dễ thở. Uber và tài xế là đối tác. Còn cách điều hành của Grab theo kiểu châu Á, Grab là ông chủ còn tài xế là người làm công.

Hậu Uber Việt Nam sáp nhập Grab, tâm sự với nhiều tài xế cho biết, có 4 con đường dành cho các cựu tài xế Uber: Gia nhập Vato, đầu quân cho Grab, bán xe hoặc về chung nhà với Vinasun, Mai Linh.

Phương án gia nhập Vato: những người bị Grab khóa tài khoản, những người đã trả góp hết nợ mua xe và không muốn gia nhập Grab.

Anh Thụy vừa mua trả góp chiếc Toyota Vios giá 601 triệu đồng năm 2017. Năm 2017, anh trả mỗi năm 13 triệu đồng/tháng, năm 2018 tiếp tục trả 11 triệu đồng/tháng. Vấn đề là, xe không phải anh đứng tên mà người thân đứng tên hộ.

Sau khi có thông tin sáp nhập, Grab chỉ ưu tiên mở lại tài khoản cho những người vừa tài xế - vừa chủ xe, anh Thụy không nằm trong đối tượng này, nên chỉ có con đường duy nhất là qua Vato - ứng dụng gọi xe mới đây của Việt Nam.

"Do trước đó từng chạy taxi, chạy thuê, rồi chạy xe theo công nghệ, nên tôi cũng có một lượng khách bên ngoài, nếu không cũng thật sự gặp khó khăn. Tôi đã đăng ký chạy Vato vài buổi, dù thu nhập chỉ bằng 1/2 khi chạy Uber, nhưng tôi rất hài lòng với những tiện ích mà Vato mang lại cho cánh tài xế như chức năng mặc cả, đồng hồ điện tử, danh sách tài xế phục vụ tốt…

Có thể thấy, Vato rất hiểu văn hóa của người Việt, trước khi Phương Trang mua và nâng cấp Vivu thành Vato, họ đã tham vấn ý kiến của nhiều tài xế lái xe Grab và Uber, Vato đã cải thiện gần như tất cả bất tiện mà cánh tài xế hay phàn nàn khi sử dụng app Grab và Uber. Tôi rất mong chờ Vato lớn mạnh, cạnh tranh sòng phẳng cùng Grab", anh Thụy nói.

Các cựu tài xế xe hơi Uber: Vừa chạy Grab, vừa ngóng Vato
Anh Bạch Trung Tín

Một tài xế khác là Bạch Trung Tín cho biết, dù tài khoản Grab vẫn hoạt động bình thường thì vẫn chuyển qua Vato vì không thích Grab. 

Anh Tín cho rằng, Grab đầu tư theo kiểu “ăn xổi, ở thì” và anh đã trả hết nợ mua xe cho ngân hàng, không chạy xe vài bữa chẳng chết được!

"Chúng tôi là những người tự đổ xăng, bảo dưỡng, trả tiền ngân hàng… nhưng ngoài gần 30% chiết khấu phải trả cho Grab và Momo, mỗi năm phải trả thêm cho các hợp tác xã 800 ngàn đồng, nhưng hợp tác xã đâu có làm được gì cho tài xế. Chưa kể nếu muốn lấy tiền phải lên tới tận hợp tác xã để rút, chứ không qua cây ATM. Gửi xe ở BigC vào lấy tiền cũng mất 30 ngàn đồng nữa.

Sở dĩ, Grab chỉ mở cửa cho tài xế vừa là chủ xe quay lại vì những người đó đang cần tiền trả ngân hàng hàng tháng, với những người như vậy, Grab mới dễ o ép", anh Tín nói.

Đầu quân cho Grab: Phù hợp với những người vừa mới mua xe trả góp, cần nhiều tiền hàng tháng để trả cho ngân hàng, tuy nhiên, con đường này cũng không phải là màu hồng.

Vốn chiết khấu Grab đã cao, thêm lượng tài xế từ Uber đổ qua, nhu cầu của khách Grab chia đều cho cả tài xế vốn có của Grab cộng với người mới từ Uber, khiến thu nhập của cựu tài xế Uber giảm trầm trọng, còn bằng 1/2 hồi chạy Uber. Thiệt thòi nhất là những tài xế có xe rẻ như Kia Morning vì khách hàng luôn ưu tiên những xe cao cấp hơn.

Bên cạnh đó, những chính sách nghiêm khắc của Grab như: tài xế không được hủy chuyến - dù cho chuyến xe đó không có lợi/bất tiện cho họ hay không, giảm điểm thưởng, tăng các loại chế tài khác nhau… làm nhiều tài xế từ Uber chuyển qua 'nản lòng thoái chí'.

Bán xe: những người vẫn đang trong thời kỳ trả tiền ngân hàng, không chịu được doanh thu ít cũng như môi trường làm việc o ép của Grab, không đủ điều kiện đợi Vato lớn mạnh.

Anh Thành Đạt mua xe Chevrolet giá 400 triệu đồng vào năm ngoái, có 100 triệu đồng tiền vốn, số tiền 300 triệu đồng còn lại trả góp trong 2 năm. Sau gần 1 năm trả góp, hiện tại, anh còn nợ ngân hàng 200 triệu đồng. 

Sau khi Uber tan rã, anh Thành Đạt đã chuyển qua chạy Grab nhưng vì thu nhập giảm mạnh, một ngày sau khi trừ các chi phí, anh chỉ còn từ 200 đến 300 nghìn đồng, bằng 1/2 hồi chạy Uber nên anh quyết định bán xe.

"Hiện tại, tôi đang rao bán xe với giá 250 triệu đồng, chấp nhận lỗ, bởi nếu không bán cũng chẳng biết đào đâu ra tiền để trả ngân hàng. Tôi vẫn chưa có ý định sẽ làm gì sau này, còn khi Vato mạnh lên như Uber, tôi có thể sẽ quay lại làm lái xe công nghệ", anh Đạt chia sẻ.

Chuyển qua Vinasun hoặc Mai Linh: Phú hợp với những người không phải trả nợ ngân hàng muốn có thu nhập ổn định/cánh lái xe thuê, ghét Grab, nhưng không chờ được Vato.

Hiện tại Vinasun hoặc Mai Linh đều có dịch vụ nhượng quyền, tài xế có thể mang xe của mình chạy dưới danh nghĩa Vinasun hoặc Mai Linh và trả phí hằng năm cho 2 doanh nghiệp này. Tất nhiên, thu nhập của họ sẽ không bằng trước đây chạy Uber.