Lý do giá thành ô tô “made in Vietnam” cao hơn khu vực

Quang Anh - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERDo những bất lợi về quy mô kinh tế và sản xuất nhỏ, và phần lớn các linh kiện và nguyên vật liệu để sản xuất xe ô tô và phụ tùng ô tô phải nhập khẩu, các nhà sản xuất trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, hậu cần và thuế nhập khẩu.

Lý do giá thành ô tô “made in Vietnam” cao hơn khu vực
Năm 2016, toàn ngành ô tô đạt trên 300.000 xe (bao gồm xấp xỉ 230.000 xe lắp ráp trong nước và trên 74.000 xe nhập khẩu)

Đó là lý do tại sao các chi phí sản xuất xe ô tô và hầu hết các linh kiện ô tô trong nước thường cao hơn các chi phí đó tại Thái Lan hoặc Indonesia, theo Nhóm Công tác Công nghiệp ô tô và xe máy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017.

Khoảng cách về chi phí sản xuất này có thể lên tới khoảng 10-20%, làm giảm khả năng cạnh tranh của xe lắp ráp trong nước so với xe ô tô nguyên chiếc của ASEAN từ năm 2018 khi mà thuế suất ưu đãi trong khối ASEAN cho xe ô tô nguyên chiếc được loại trừ xuống 0%.

Năm 2016, toàn ngành ô tô mới đạt 45% công suất sản xuất

Năm 2016, toàn ngành ô tô đạt trên 300.000 xe (bao gồm xấp xỉ 230.000 xe lắp ráp trong nước và trên 74.000 xe nhập khẩu) (tăng trên 22%) và có thể sẽ tăng thêm 10% trong năm 2017. Tuy nhiên, cả nhà đầu tư và Chính phủ đều chưa hài lòng vì con số này mới chỉ đạt 45% công suất sản xuất của ngành.

Hơn thế nữa, xe lắp ráp trong nước còn phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu, chủ yếu do không đủ quy mô kinh tế vì thị trường nhỏ trong khi ngành công nghiệp phụ trợ còn non yếu, chỉ có rất ít các linh kiện trong nước có sẵn cho các nhà sản xuất ô tô.

Trong số các nhà cung cấp linh kiện hiện nay, trên 90% là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và phần lớn các linh kiện xuất khẩu đều khác so với yêu cầu về các linh kiện cho thị trường trong nước.

Thông thường một chiếc xe ô tô được lắp ráp từ hàng nghìn linh kiện bao gồm cả một số cụm linh kiện lớn chẳng hạn như động cơ, trong quá trình lắp ráp ô tô được coi như là một bộ phận của xe, nhưng thực tế bản thân động cơ cũng bao gồm hàng trăm chi tiết nhỏ khác nhau.

Đó là lý do tại sao các nhà sản xuất ô tô có chuỗi cung ứng nhiều tầng và phức hệ (các nhà cung cấp cấp 1, cấp 2, cấp 3 và các nhà cung cấp nguyên vật liệu), mỗi tầng gồm nhiều nhà cung cấp khác nhau.

"Chúng ta cần phải có đủ sản lượng sản xuất cho cả xe và linh kiện, điều này đòi hỏi phải có một thị trường đủ lớn để đạt được quy mô kinh tế cho cả xe lắp ráp trong nước và ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô để cải thiện được hiệu quả về mặt chi phí”

Ông Sumito Ishii - Trưởng nhóm Công nghiệp ô tô - xe máy

Sự phát triển của các nhà cung ứng đòi hỏi nhiều nỗ lực, thời gian và đầu tư. Các nhà cung cấp cấp 2 - 3 được yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về sản xuất như Chất lượng/ Chi phí/ Giao hàng (QCD), trong khi đó nhà cung cấp cấp 1 còn phải đáp ứng thêm yêu cầu về nghiên cứu và phát triển (R&D) ví dụ như khả năng đề xuất phát triển sản phẩm/linh kiện là một yêu cầu tất yếu.

“Để giải quyết những vấn đề trên, chúng ta cần phải có đủ sản lượng sản xuất cho cả xe và linh kiện, điều này đòi hỏi phải có một thị trường đủ lớn để đạt được quy mô kinh tế cho cả xe lắp ráp trong nước và ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô để cải thiện được hiệu quả về mặt chi phí”, Nhóm Công tác Công nghiệp ô tô và xe máy nêu giải pháp.

Còn rất ít thời gian trước khi ASEAN tự do hóa hoàn toàn về thuế quan

Hiện tại, Chính phủ đang cân nhắc rà soát lại các chính sách để hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô trong nước có thể đứng vững sau năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khối ASEAN giảm xuống còn 0%.

Tuy nhiên, cần lưu ý là còn rất ít thời gian trước khi tự do hóa hoàn toàn về thuế quan của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN được áp dụng vào năm 2018.

Năm ngoái, VBF đã đề xuất Chính phủ xây dựng một nhóm công tác bao gồm các nhà sản xuất và các nhà cung cấp hiện có để làm rõ các chính sách về phát triển sản xuất trong nước càng sớm càng tốt. Kết quả là, nhóm công tác đã được thành lập, nhưng hoạt động chính hiện nay là đến thăm các nhà máy sản xuất chính để hiểu về tình hình hiện tại và lắng nghe đề xuất của họ. Cần mời thêm một số nhà cung cấp, họ có thể cung cấp thêm các thông tin về ngành công nghiệp phụ trợ ô tô và cần gặp gỡ họ thường xuyên hơn.

Trưởng nhóm Công nghiệp ô tô - xe máy phát biểu tại VBF giữa kỳ 2017

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua được những áp lực sau năm 2018, các nhà hoạch định chính sách cần bàn bạc với các doanh nghiệp để đưa ra các nhóm giải pháp chính sách để phát triển thị trường tăng trưởng ổn định, thu hẹp khoảng cách chi phí sản xuất, tránh áp lực cạnh tranh quá lớn đối với các nhà sản xuất xe trong nước từ năm 2018; phát triển các chương trình phù hợp để hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong ngành ô tô; cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu các nhà cung cấp, phát triển nguồn nhân lực, và áp dụng các chính sách ưu đãi nhất định cho việc thực hiện tốt sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã đầu tư hiện có.