Ma trận thực phẩm hữu cơ

Quỳnh Như - 16:21, 27/05/2018

TheLEADERHiện nay tại các thành phố lớn, sản phẩm hữu cơ được bày bán tràn lan nhưng nguồn gốc, chất lượng cụ thể ra sao thì người mua rất khó kiểm chứng.

Ma trận thực phẩm hữu cơ
Bên trong một cửa hàng rao bán thực phẩm hữu cơ

Khảo sát một vòng các cửa hàng quảng cáo có bán thực phẩm hữu cơ cụ thể là “rau củ hữu cơ” tại TP. HCM, chưa biết chất lượng thực hư ra sao nhưng hầu hết nhân viên các cửa hàng đều khá mù mờ khi được hỏi “thực phẩm hữu cơ theo chuẩn nào” hoặc “bên em xử lý đất, nước, không khí như thế nào”; họ chỉ cố gắng nhấn mạnh về việc không dùng hoá chất, giống biến đổi gen, không phun thuốc trừ sâu…

Tại cửa hàng thực phẩm hữu cơ có tên 3S trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), nhân viên cho biết: “Rau củ theo tiêu chuẩn hữu cơ bên em là VietGap”.

Còn theo thông tin trên trang web của doanh nghiệp này, họ có nông trại tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và trồng rau củ theo tiêu chuẩn “6 không”: không thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, giống biến đổi gen, phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản. Hiện doanh nghiệp này có 7 cửa hàng tại TP. HCM.

Hai cửa hàng tiếp theo đều ở quận 2, trong phòng lạnh của N.A Market ở đường Thảo Điền, trên kệ bán thực phẩm hữu cơ trưng bày 2 thương hiệu là H.V và R.C.V.N. Khi được hỏi: “Rau này có thật sự hữu cơ và nếu có thì theo tiêu chuẩn gì”, nhân viên N.A Market trả lời: “Thật ra là rau sạch thôi, chứ với điều kiện đất, nước ở Việt Nam mình, rất khó để trồng rau hữu cơ thực sự”.

Trên trang web của H.V giới thiệu, họ có vườn rau 5.000m2 tại quận Tân Bình, sản phẩm được canh tác hữu cơ và theo tiêu chuẩn “6 không” gống như cửa hàng 3S nói trên.

Cửa hàng R.C.V.N cũng tự nhận mình “sản xuất theo quy trình hữu cơ Nhật Bản, trực tiếp do kỹ sư Nhật kiểm soát chất lượng”, song không thấy đưa ra bất cứ chứng chỉ nào trên trang web. 

Thông tin cho biết, R.C.V.N có trang trại ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) và hiện đang cung cấp sản phẩm cho Nico Yasai, Family Mart và Aeon Mall. Để chứng minh mình thật sự canh tác hữu cơ, R.C.V.N khuyến khích khách hàng đến nông trại hoặc cơ sở chế biến của họ để tham quan.

Cẩn trọng với ma trận thực phẩm hữu cơ
Trang trại được quảng cáo là trồng sản phẩm hữu cơ của R.C.V.N ở Lâm Đồng

Cửa hàng thứ hai tên O.F nằm ngay đường Trần Não, ngoài rau củ còn có các sản phẩm đã chế biến như miến, bún… “Canh tác hữu cơ bên em là theo tiêu chuẩn EU, tốt nhất rồi chị. Bên em có 3 trang trại ở Bến Lức – Long An, Ea Tam – Buôn Mê Thuột, Đà Lạt… Đất tất cả những chỗ đó đều để không 3 năm sau mới canh tác, dùng nguồn nước ngầm, có cách ly với các trang trại không trồng hữu cơ”, nhân viên cửa hàng giới thiệu.

Tuy nhiên, tại cửa hàng và trên trang web của O.F, không thấy bất cứ giấy chứng nhận nào được đưa ra, chỉ thấy đưa ra tiêu chuẩn “6 không” như 3S và H.V cùng các nguyên tắc như luân canh, che chắn và xua đuổi côn trùng, tiêu diệt côn trùng bằng thiên địch tự nhiên, áp dụng khoa học và sức người.

Một cửa hàng khác trên đường Nguyễn Thái Học mang tên O, khác với những đồng nghiệp kể trên, doanh nghiệp này trưng bày nhiều giấy chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ trong cửa hàng và cả trên trang web. Hiện O có 5 cửa hàng tại 3 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

Trang trại của O ở Long Thành (Đồng Nai) sở hữu 2 giấy chứng nhận: sản xuất sản phẩm organic theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ (USDA-NOP) có thời hạn đến 22/12/2018 và sản xuất sản phẩm organic theo tiêu chuẩn châu Âu (EU) có thời hạn đến 21/1/2019. 

Trong 5 thương hiệu TheLEADER đi khảo sát về thực phẩm hữu cơ nói trên chỉ duy nhất O là đưa ra được đầy đủ các loại giấy chứng nhận về chuẩn hữu cơ từ 2 tổ chức đến từ hai vùng lãnh thổ có nền nông nghiệp hữu cơ uy tín là Hoa Kỳ và châu Âu.

R.C.V.N có vẻ hiểu rất rõ về loại hình nông nghiệp hữu cơ, nhưng họ chẳng có gì có thể mang ra làm bằng chứng chứng minh mình “nói được, làm được”.

Còn 3S, H.V hay OF chỉ ngang chuẩn nông nghiệp sạch, với nguyên tắc “6 không” chứ chưa hẳn là nông nghiệp hữu cơ.

Mặc dù tất cả những doanh nghiệp và thương hiệu đề cập phía trên đều tự nhận mình sản xuất và bán thực phẩm hữu cơ, tuy nhiên, giá bán sản phẩm tại các cửa hàng của 5 thương hiệu này lại rất khác nhau. 

Cùng là sản phẩm hữu cơ, nhưng giá bán một số sản phẩm của 3S và OF lại chỉ chưa bằng một nửa giá bán của O và R.C.V.N. Ví dụ, giá cà chua bi tại 3S giá 65.000 đồng/kg, O.F giá 85.000 đồng/kg, R.C.V.N giá 145.000 đồng/kg, O giá 155.000 đồng kg. Trong khi đó, giá cà chua bi tiêu chuẩn VietGap được bán tại Auchan và Vinmart với giá lần lượt là 37.900 đồng/kg và 33.000 đồng/kg.

Không có chứng nhận sản phẩm hữu cơ nhưng giá bán cà chua bi của 3S và OF lại cao hơn gấp 2-3 lần giá tại Auchan và Vinmart. 

Các chuyên gia về hữu cơ tại Việt Nam nhìn nhận, tình trạng bát nháo trong thị trường thực phẩm hữu cơ như chúng ta thấy hiện nay do hai lý do: các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ vẫn chưa thật hiểu rõ bản chất của mô hình nông nghiệp hữu cơ như thế nào và không ít người kinh doanh lợi dụng ‘cơn khát’ thực phẩm hữu cơ của người Việt để trục lợi.

Theo các chuyên gia về hữu cơ, muốn trồng một sản phẩm hữu cơ đúng chuẩn, có nhiều yếu tố nhưng 3 yếu tố quan trọng trong hạ tầng canh tác là đất – nước – không khí đều phải sạch.

Đối với đất: phải hoàn toàn tự nhiên, chưa bị ngấm thuốc trừ sâu hay phân hoá học. Nếu sử dụng đất canh tác đã sử dụng 2 thành phần trên, nhà sản xuất phải “bỏ không” miếng đất khoảng 5 năm. Một lựa chọn khác để có đất sạch là cải tạo đất rừng sinh thái thành đất nông nghiệp, cách này nhanh hơn một chút nếu so với cách “giải độc” cho đất nhưng gia tăng chi phí đầu tư tổng thể, ví dụ: cơ sở hạ tầng tưới tiêu, vận chuyển, kho bãi, nhà máy chế biến...

Đối với nước: nguồn nước phải sạch, không bị ô nhiễm hoặc có các kim loại nặng. Tại Việt Nam, để có nguồn nước đạt chuẩn canh tác hữu cơ, chủ nông trại thường phải trang bị hệ thống lọc với công suất đủ lớn.

Đối với không khí: cũng phải sạch, không ô nhiễm, muốn thế, nông trại hữu cơ phải cách ly càng xa càng tốt với các khu dân cư cũng như các hoạt động công nghiệp của con người nhằm tránh nguy cơ bị lây lan ô nhiễm.