Mối lương duyên VietinBank - PG Bank: Đánh trống khua chiêng rồi tan vỡ

Minh An - 13:10, 10/04/2018

TheLEADERĐã có câu trả lời cho thương vụ sáp nhập VietinBank - PG Bank sau gần 3 năm thương thảo, song đó lại là một cái kết dang dở cho cả đôi bên.

Mối lương duyên VietinBank - PG Bank: Đánh trống khua chiêng rồi tan vỡ
Vietinbank và PG Bank đã đường ai nấy đi

Kết quả tiến trình sáp nhập Ngân hàng TMCP Petrolimex - PG Bank được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank đề cập trong một mục nhỏ tại Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2017.

Theo đó, phía VietinBank cho biết, ngày 22/5/2015, PG Bank đã ký hết hồ sơ về việc sáp nhập PG Bank vào VietinBank. Đến ngày 27/4/2016, hai bên ký kết hồ sơ sáp nhập sửa đổi thay thế. Tuy nhiên, cho đến thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất, VietinBank và PG Bank đã có thỏa thuận tạm dừng giao dịch sáp nhập. Hai ngân hàng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền của mỗi bên để phê duyệt chấm dứt giao dịch sáp nhập.

Kết quả này dường như không còn bất ngờ khi nhiều lần trước đây, khả năng sáp nhập bất thành đã nhiều lần được cảnh báo tới các nhà đầu tư.

Được biết, giá chính là một trong những yếu tố cản trở quá trình sáp nhập của PG Bank. Tỷ lệ hoán đổi được công bố là 1 cổ phiếu PG Bank đổi lấy 0,9 cổ phiếu của VietinBank (mã chứng khoán là CTG). Với một ngân hàng có giá cổ phiếu đang tăng chóng mặt như VietinBank, tỷ lệ này được xem là thiệt thòi với các cổ đông.

Nhớ lại thời điểm trước đây, việc VietinBank theo đuổi PG Bank cũng có lý. Theo phân tích của công ty chứng khoán Bảo Việt, PG Bank là một ngân hàng có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với VietinBank, vì vậy dư nợ tín dụng mà VietinBank phải tiếp nhận từ PGBank cũng chỉ chiếm một phần nhỏ nên ảnh hưởng của PGBank vào VietinBank là không đáng kể.

Trong khi đó, sau khi có PG Bank, VietinBank sẽ tăng quy mô hoạt động đồng thời mở rộng mảng bán lẻ qua mạng lưới hàng nghìn cây xăng thuộc Petrolimex – cổ đông chiếm 40% vốn PG Bank, tạo lợi thế cạnh tranh đối với các ngân hàng khác đến từng tuyến xã, thôn đồng thời có cơ hội tiếp cận đến các dự án lớn của Petrolimex. Một lợi thế mà rất ít ngân hàng có được.

Mãi sau một năm kể từ khi ký kết hồ sơ sáp nhập, VietinBank mới cho biết cả hai bên chưa thể về cùng một nhà do cần tính toán lại tỷ lệ sáp nhập phù hợp. Tiếc là tỷ lệ này đã không bao giờ được công bố.

PGBank – VietinBank: “Đánh trống khua chiêng” rồi vỡ trận
PGBank có hệ thống bán lẻ ít ngân hàng có được

Ngoài ra, theo như hồ sơ sáp nhập, cả hai bên đều không được chi trả cổ tức trước khi sáp nhập hoàn tất. Tuy nhiên, VietinBank vẫn chi trả cổ tức trong khoảng thời gian đàm phán, PG Bank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận kế hoạch phát hành cổ phần để trả cổ tức nhằm tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 3.165 tỷ đồng.

Nợ xấu và NIM của ngân hàng sau sáp nhập cũng có thể là những yếu tố quan trọng dẫn đến việc thỏa thuận bất thành.

VietinBank hiện là ngân hàng có tỷ lệ lãi cận biên (NIM) cao, tuy nhiên lại đang trong xu hướng giảm dần. Nếu sáp nhập với PG Bank, NIM của VietinBank được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm do tài sản có sinh lời sẽ tăng đáng kể trong khi thu nhập lãi thuần sẽ tăng trưởng chậm hơn.

Về nợ xấu, cuối quý 3/2017, PG Bank có 525 tỷ đồng nợ xấu, ở mức 2,69%. Ngoài ra PGBank còn có một khoản trái phiếu VAMC trị giá 2.229 tỷ đồng, đang trích lập dự phòng 568 tỷ. Như vậy, nếu sáp nhập PG Bank sẽ khiến chi phí trích lập dự phòng của VietinBank tăng thêm. Tính tới cuối năm 2017, nợ xấu của VietinBank là 9.011 tỷ đồng, chiếm 1,14% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, một rủi ro nợ xấu khác mà VietinBank cần tính đến đó là nghĩa vụ nợ tiềm ẩn trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Mặc dù theo bản án hình sự sơ thẩm ngày 9/2/2018, VietinBank không phải chịu trách nhiệm liên đới và bất kỳ tổn thất tài chính nào, song bản án này hiện chưa có hiệu lực do có kháng cáo, hiện đang được các cơ quan tiến hành tố tụng.

Quá trình sáp nhập khiến VietinBank “mất nhiều hơn được” chính là lý do khiến ngân hàng này rút lui trong thương vụ sáp nhập với PG Bank. Với PG Bank, sau cuộc “hôn nhân hụt”, đường về của PG Bank vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Trong đại hội cổ đông mới tổ chức gần đây, Ngân hàng Quân đội đã lên tiếng về một kịch bản mua lại PG Bank. Tuy nhiên, cả hai vẫn đang trong quá trình đàm phán, và chưa có một thỏa thuận cuối cùng nào.

Ngày 21/4 tới, PG Bank sẽ tiến hành họp đại hội cổ đông bất thường để bàn về phương án tái cơ cấu ngân hàng, dự kiến sẽ hé lộ thêm nhiều thông tin mới về tương lai của PG Bank.