Moody's: Thu giữ tài sản đảm bảo có lợi cho ngân hàng Việt Nam

Minh An - 15:32, 29/08/2017

TheLEADERTheo các quy định cũ, việc xử lý tài sản thế chấp của các ngân hàng có thể mất 3 năm do quá trình tố tụng kéo dài.

Moody's: Thu giữ tài sản đảm bảo có lợi cho ngân hàng Việt Nam
Toà nhà Saigon One Tower không thể hoàn thành trong nhiều năm qua ở TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã thực hiện thu hồi tài sản thế chấp đối với khoản nợ xấu (non performing loan - NPL) vào tuần trước, theo một Nghị quyết số 42 được Quốc hội ban hành.

Quy định mới cho phép các ngân hàng và VAMC đẩy nhanh tốc độ thu hồi tài sản đảm bảo ngay cả khi bên đi vay phá sản, công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's bình luận mới nhất về ngành ngân hàng Việt Nam.

Moody's viết:

Đẩy nhanh tốc độ thu hồi tài sản đảm bảo là một bước đi tích cực cho các ngân hàng Việt Nam, vốn đang phải chật vật xử lý nợ xấu do tín dụng tăng trưởng nhanh và tiêu chuẩn cho vay lỏng lẻo trong thập kỷ qua. Theo các quy định trước đây, phải mất nhiều năm để các ngân hàng thu hồi tài sản thế chấp.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết giải quyết các vấn đề liên quan đến chất lượng tài sản của các ngân hàng, nhưng các biện pháp được thực hiện cho đến nay không có hiệu quả trong việc làm sạch bảng cân đối ngân hàng.

Công ty VAMC được thành lập từ năm 2013 và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tất cả các ngân hàng chuyển nợ xấu vượt quá 3% tổng dư nợ cho VAMC để đổi lấy trái phiếu VAMC không lợi tức phải khấu trừ trong 5 đến 10 năm.

Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi nợ xấu của VAMC chỉ ở mức xấp xỉ 20%, một phần là do thiếu sự rõ ràng về việc thu hồi tài sản thế chấp trong Bộ luật Dân sự. Điều này đã làm suy yếu các nỗ lực khôi phục tài sản thế chấp do quá trình tố tụng có thể kéo dài đến 3 năm.

Khả năng thu giữ tài sản đảm bảo bước tiếp theo quan trọng trong việc xử lý nợ xấu và chúng tôi kỳ vọng Nghị quyết 42 của Quốc hội loại bỏ các trở ngại pháp lý, giúp cải thiện tỷ lệ thu giữ tài sản đảm bảo của các ngân hàng và VAMC.

Hiệu quả của nghị quyết này đã thể hiện rõ ràng trong việc VAMC đã thu giữ tài sản đảm bảo ngay sau khi nghị quyết được ban hành. Quy định mới này cũng làm tăng quyền đàm phán của các ngân hàng và VAMC đối với các bên đi vay.

Tuy nhiên, chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng chỉ thực sự có hiệu quả sau khi bán các tài sản được thu giữ.

Mặc dù các ngân hàng có thể giảm lượng nợ xấu bằng cách bán các khoản nợ có vấn đề cho VAMC, nhưng chất lượng tài sản và lợi nhuận chỉ được cải thiện khi mà VAMC bán được các tài sản thu giữ.

Một thông báo của VAMC cho biết, hôm nay (21/8), công ty này tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo của công ty cổ phần Sài Gòn One Tower để xử lý nhằm thu hồi nợ.

Dự án Saigon One Tower, nằm trên khu đất vàng quận 1, TP.HCM, được khởi công từ năm 2007 với quy mô khi đó khoảng 256 triệu USD. Theo thiết kế đây là tòa tháp đôi cao 41 tầng và 5 tầng hầm và trở thành tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM năm 2009. Tuy nhiên đến cuối năm 2011, dự án đã ngưng thi công sau khi hoàn thành 80% khối lượng công trình. Suốt 6 năm qua, dự án này nằm bất động giữa trung tâm TP.HCM.

Theo một thông báo của NHNN, hợp đồng mua nợ của VAMC với một số tổ chức tín dụng đối với khoản nợ của nhóm khách hàng bao gồm: Công ty CP Sài Gòn One Tower (trước đây là Công ty CP Địa Ốc Sài Gòn M&C); Công ty CP Đầu tư Liên Phát; Công ty CP TVĐT và XD Minh Quân; Công ty CP Tân Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) đến thời điểm hiện nay đã lên trên 7.000 tỷ đồng.

Xác định đây là khoản nợ lớn, việc VAMC thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm sẽ góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của nợ xấu.