Moody's: Việt Nam dễ bị ảnh hưởng tín nhiệm vì căng thẳng Triều Tiên

Minh An - 17:21, 03/10/2017

TheLEADERGiao dịch thương mại với Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn đang khiến cho Việt Nam chịu rủi ro xếp hạng tín nhiệm một khi xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên.

Moody's: Việt Nam dễ bị ảnh hưởng tín nhiệm vì căng thẳng Triều Tiên
Samsung đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị xuất/ nhập khẩu của Việt Nam. Ảnh: Linh Luong Thai/Bloomberg

Báo cáo mới công bố của Moody’s nhận định khả năng xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên ngày càng gia tăng. Nếu điều này xảy ra, xếp hạng tín nhiệm của Nhật Bản và Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất, bên cạnh Hàn Quốc.

Hiện nay Moody’s xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức B1, triển vọng tích cực còn Nhật Bản là A1, triển vọng ổn định. Hàn Quốc có xếp hạng Aa2 với triển vọng ổn định.

Moody’s nhận định, với Việt Nam, xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm và chuỗi cung ứng gián đoạn sẽ làm giảm mức tín nhiệm quốc gia. Trong điều kiện nợ công tăng (52,6% GDP), Việt Nam khó có thể hấp thụ được cú sốc kinh tế này mà không chịu sự suy yếu về tình hình tài khóa.

Đối với Nhật Bản, tăng trưởng kinh tế có thể giảm đáng kể và điều này đe dọa đến quá trình ổn định nợ công của Chính phủ nước này.

Ngược lại, các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng hạn chế nếu xung đột Triều Tiên xảy ra. Các quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Hong Kong và Đài Loàn chịu tác động nhỏ và có đủ nguồn lực tài chính để đối phó với tình trạng giảm xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Báo cáo của Moody’s tập trung vào các yếu tố tác động lên xếp hạng tín nhiệm của mỗi quốc gia nếu xung đột xảy ra quy mô lớn và kéo dài. Trong trường hợp quy mô nhỏ và ngắn hạn, những ảnh hưởng này có thể sẽ bị hạn chế.

Moody’s đã xem xét các ảnh hưởng đến kinh tế của các nước dựa trên việc giảm xuất khẩu vào Hàn Quốc, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá dầu và khí LNG giảm kéo dài và các biến động trên thị trường tài chính.

Theo các phân tích của Moody’s, xung đột Triều Tiên có thể khiến dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi, vốn tiềm ẩn rủi ro cao, sẽ làm tăng rủi ro thanh khoản ở các nước này. Tuy vậy, ảnh hưởng này còn phụ thuộc vào thời gian xảy ra xung đột và thời điểm đáo hạn của các khoản nợ.