Một chữ quyết định thành công của Thế Giới Di Động

Trần Thanh Phong* - 08:00, 23/01/2018

TheLEADERMột trong những yếu tố thành công của Thế Giới Di Động là tạo được một nền tảng văn hoá công ty vững chắc, trong đó lấy Integrity làm cốt lõi.

Một chữ quyết định thành công của Thế Giới Di Động
Thế Giới Di Động đang cho thấy tham vọng và sự phát triển mạnh mẽ.

Từng là một nhân viên của Thế Giới Di Động, được huấn luyện và đào tạo bởi công ty, có cơ hội tiếp xúc với nhiều phòng ban, được làm việc trực tiếp với nhiều sếp, lãnh đạo cấp cao của tập đoàn, tôi rút ra được một số bài học kinh nghiệm theo góc nhìn cá nhân, hy vọng có thể chia sẻ để giúp mọi người có thêm ý tưởng cho doanh nghiệp của mình.

Trở thành nhà bán lẻ điện thoại di động lớn nhất Việt Nam, sau 7 năm ra mắt, chuỗi Điện máy xanh đã có doanh thu nằm trong top đầu, nhiều năm liền là Top 500 nhà bán lẻ Châu Á - Thái Bình Dương, năm 2017 là Top 50 công ty niêm yết hàng đầu châu Á… 

Một doanh nghiệp phát triển nóng thì có thể chỉ cần một yếu tố, ví dụ vừa được đầu tư khủng, hoặc ra đời đúng lúc thị trường đang cần. Khi sức đẩy của yếu tố đó yếu đi mà doanh nghiệp không tạo dựng đuợc một vị thế vững chắc, được củng cố bằng những ưu thế khác thì sẽ xuống dốc.

Cho nên, một công ty phát triển nhanh, lợi nhuận bền vững, ổn định trong thời gian dài thì cần nhiều yếu tố. Những yếu tố này như những bánh răng, kết hợp với nhau tạo thành một cỗ máy bền bỉ, mạnh mẽ giúp doanh nghiệp đi tới. 

Bốn điều quan trọng nhất theo tôi đã làm nên thành công của Thế Giới Di Động là xây dựng được văn hoá công ty thống nhất, xuyên suốt, được thực hiện nghiêm túc từ ban lãnh đạo cho đến từng nhân viên. Làm tốt việc đào tạo nhân viên, giữ người tài và tạo động lực làm việc. Ứng dụng CNTT để quản lý thành công. Có được một lãnh đạo có tâm và tầm dẫn dắt.

Mỗi yếu tố trên đều có thể phân tích rất dài được, ở đây tôi chọn phân tích việc xây dựng văn hoá công ty, vì đây là điều mình học được nhiều nhất ở Thế Giới Di Động và cũng là điều mà các doanh nghiệp khác có thể áp dụng ngay. Đây cũng là yếu tố mà báo chí ít khi đề cập tới. Đơn giản là phải ở trong doanh nghiệp mới hiểu được văn hoá công ty được thực hiện thế nào, có tác dụng ra sao.

Nói về văn hoá công ty, Thế Giới Di Động chọn 6 giá trị cốt lõi: Tận tâm với Khách Hàng - Trung thực - Integrity - Nhận trách nhiệm - Yêu thương và hỗ trợ đồng đội - Máu lửa với công việc.

Rất nhiều lần, mình đọc báo cáo nội bộ, thấy anh phụ trách quản lý nhân sự khi cho thôi việc một bạn nào sẽ phân tích lỗi sai, và ghi thêm lỗi sai đó vi phạm giá trị cốt lõi nào của công ty. 

Lỗi vi phạm giá trị cốt lõi của công ty là lỗi nặng nhất. Làm mất tiền, thiệt hại cho công ty có thể không bị đuổi việc nhưng vi phạm giá trị cốt lõi thì khả năng thôi việc rất cao. 

Nếu lấy giá trị nào quan trọng nhất trong 6 giá trị, thì đó là Integrity. 

Integrity có thể được dịch là "Sự trọn vẹn", hoặc "Nói gì làm nấy". Đây là một từ rất khó dịch sang tiếng Việt vì khó chuyển tải hết ý nghĩa của nó, đó là lý do mà chữ này được giữ nguyên tiếng Anh trong 6 giá trị. Đây cũng là một trong những từ được nhắc đến nhiều nhất trong công việc.

Integrity - Nói gì làm nấy tức là là khi bạn đã tuyên bố, hứa hẹn điều gì thì bạn sẽ làm đúng ý như vậy, đúng nội dung ngày giờ đã cam kết, bằng bất cứ giá nào, bằng bất kể phương pháp nào, miễn là trong phạm vi đạo đức và pháp luật cho phép. 

Đúng như câu “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy”. Bạn đã nói ra thì bạn sẽ làm. Ví dụ nói 2 giờ chiều mai sẽ gửi kế hoạch kinh doanh thì đúng 2 giờ chiều mai sẽ gửi, cho dù phải thức đêm thức hôm, hay gặp sự cố này kia như laptop hỏng, xe hư giữa đường…

Ngoài ra, sâu hơn bên trong, Integrity còn bao gồm cả những cam kết không nói ra. Ví dụ, làm quản lý nếu hiểu nhân viên cần một môi trường làm việc ổn định, công bằng, lương thưởng tốt thì sẽ cố hết sức để tạo những điều đó, mặc dù có thể không nói ra thành lời.

Tại sao Integrity còn mang nghĩa là sự trọn vẹn? Trong một lớp học nội bộ về Integrity, Giám đốc nhân sự của Thế Giới Di Động có minh hoạ Integrity giống như cái bánh xe, mỗi người trong công ty như 1 cái căm xe trong bánh xe. Khi bánh xe được trọn vẹn thì sẽ quay đều tới trước. Nhưng chỉ cần 1 cái căm xe bị thiếu thì bánh xe sẽ khó mà quay đều như trước nữa. 

Tức là khi một lời hứa, một hành động không được thực hiện như kế hoạch thì bánh xe sẽ bị khựng lại, bị khập khiễng ngay.

Mở rộng ra xã hội, nếu bạn đi trên đường bị cảnh sát thổi phạt mà hối lộ cũng là thiếu integrity. Vì để hoàn thành công việc mà phải hối lộ cũng là thiếu integrity. Bạn dễ thấy một xã hội thiếu integrity sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng như thế nào.

Còn bây giờ, bạn thử tưởng tượng, trong một công ty, khi một công việc được nhân viên nói ra như một cam kết mạnh mẽ, bằng mọi giá sẽ làm được, làm một cách trung thực mà không cần quản lý, giám sát nhiều, cộng thêm các chính sách lương thưởng hậu hĩnh khi hoàn thành tốt công việc thì động lực phát triển được tạo ra sẽ mạnh đến như thế nào. 

Tôi gọi đây là “kỷ luật mềm”, nhưng tác dụng không kém kiểu “kỷ luật sắt” theo kiểu quân đội. Không có integrity, những giá trị khác là nói suông vì nói mà không làm. Đây là lý do mà mình cho integrity là quan trọng nhất trong 6 giá trị cốt lõi. Làm tốt Integrity coi như làm tốt 80% bộ giá trị.

Để thực hiện Integrity, trong Thế Giới Di Động có những câu như “Lời nói của bạn là chính bạn”, “Tôi/Em cam kết là đến lúc…. sẽ làm xong”…, hoặc “Em xin tái tạo cam kết”... Nghe hơi lạ tai nhưng đây giống như một tín hiệu cho thấy bạn đang thực hành Integrity.

Có những trường hợp bất khả kháng, bạn thấy không hoàn thành được công việc như cam kết thì bạn phải thông báo ngay cho tất cả những người có liên quan, không phải chờ đến khi mọi việc quá muộn mới báo. Đồng thời lúc đó phải tái tạo một cam kết mới, có ngày giờ hoàn thành cụ thể. 

Và quá tam ba bận, không phải cứ tái tạo cam kết hoài mà kèm theo đó sẽ là hình phạt bạn tự nhận nếu không hoàn thành công việc. Cái này áp dụng từ việc nhỏ đến việc lớn. Ví dụ đi họp chẳng hạn, nếu thấy khả năng bị trễ vì lý do bất khả kháng nào đó thì bạn phải nhắn tin cho tất cả những người liên quan từ sớm, không phải để trễ rồi mới báo.

Integrity được thực hành sâu sắc từ Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc cho đến từng nhân viên trong công ty và ở cấp càng cao thì càng phải giữ đúng cam kết của mình.

Ngay bây giờ, nếu là chủ doanh nghiệp bạn có thể áp dụng integrity trong doanh nghiệp của mình bằng cách giữ lời khi nói ra bất cứ điều gì và lôi cuốn nhân viên làm theo giá trị này.

Nếu bạn là nhân viên, chỉ cần áp dụng điều này ngay hôm nay cũng đã tạo ra được khác biệt cho công việc của bạn.

Tóm lại, một trong những yếu tố thành công của Thế Giới Di Động là tạo được một nền tảng văn hoá công ty vững chắc, trong đó lấy Integrity làm cốt lõi. 

Integrity là nói gì làm nấy, nếu khả năng không hoàn thành thì cần thông báo sớm cho người có liên quan, đồng thời tái tạo một cam kết khác kèm hình phạt tự nhận nếu không hoàn thành tiếp. Integrity cần kết hợp với các phương pháp động viên nhân viên để đạt hiệu quả tối đa. 

(*) Góc nhìn của Trần Thanh Phong, CEO Shiptuuc.com.au (một cựu nhân viên của Thế Giới Di Động)