Mỹ chiếm tới 50% các thương vụ M&A lớn nhất trong quý III

Duy Khiêm - 11:50, 03/10/2017

TheLEADERTheo một báo cáo mới đây của Mergermarket, trong quý III/2017, có tới 5 trong số 10 thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) giá trị lớn nhất đã được diễn ra tại Mỹ.

Mỹ chiếm tới 50% các thương vụ M&A lớn nhất trong quý III
Tổng giá trị giao dịch trung bình toàn cầu tính đến hết quý III đạt 356 triệu USD, tăng 5,8% so năm 2016. Ảnh: LinkedIn

Một trong những lý do dẫn tới việc Mỹ sở hữu tới 50% số lượng các thương vụ mua bán khổng lồ là các nhà đầu tư đang dần rút ra khỏi thị trường châu Âu.

Trong quý III, các thương vụ sáp nhập tại Mỹ chiếm 42,1% giá trị giao dịch được thực hiện trên toàn cầu. Thương vụ mới đây nhất là sự sáp nhập của công ty hàng không United Technologies và Rockwell Collins với tổng trị giá 29,9 tỷ USD. Đây là thỏa thuận có giá trị lớn thứ hai diễn ra tại Mỹ tính trong năm nay.

Tuy vậy, số lượng thương vụ giao dịch toàn cầu lại không hề cho thấy sự tích cực trong quý III năm nay. Tổng khối lượng giao dịch đạt 674 tỷ USD với tổng 3,772 hợp đồng giao dịch - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016.

Theo Jonathan Klonowski, nhà nghiên cứu EMEA của Mergermarket, nguyên nhân của sự tiếp tục suy giảm này là bởi các công ty đang phải vật lộn với hoàn cảnh khách quan từ biến động chính trị và thay đổi công nghệ.

Những biến động về chính trị được xem là một trong những vấn đề lớn nhất đối với các thương vụ mua bán sáp nhập cho dù thị trường chứng khoán vẫn hoạt động tích cực trong suốt năm nay.

Các doanh nghiệp tại Mỹ trở nên thận trọng hơn rất nhiều cũng như hoài nghi lớn về lời hứa của Tổng thống Donald Trump về việc cải tổ hệ thống thuế cũng như bãi bỏ các quy định tài chính.

Mặc dù số lượng giao dịch thấp nhưng với giá trị ổn định, tổng giá trị giao dịch trung bình toàn cầu tính đến hết quý III đạt 356 triệu USD, tăng 5,8% so với con số của 2016 là 336 triệu USD.

Bên cạnh đó, thị trường mua bán và sáp nhập cũng đã bị ảnh hưởng bởi những lo ngại của các nhà đầu tư về quy định, chủ yếu là tại thị trường Trung Quốc. Các quy định gia tăng tại Trung Quốc, châu Âu và Mỹ khiến cho các nhà đầu tư thận trọng vì lo ngại các hợp đồng trong tương lai sẽ có thể bị hủy hoặc mức phí sẽ tăng cao.