Mỹ không mặn mà, Trung Quốc và Đức tiến tới thay thế vị trí lãnh đạo thế giới

Nguyễn Lê - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERKhi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hamburg, Đức vào thứ Sáu, Trung Quốc và Đức sẽ tiến tới soán ngôi lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ.

Mỹ không mặn mà, Trung Quốc và Đức tiến tới thay thế vị trí lãnh đạo thế giới
Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Đức ngày càng được củng cố. Ảnh: Internet

Theo các nhà ngoại giao và các quan chức từ 20 thành viên của G20, hai cường quốc công nghiệp của châu Á và châu Âu đang dần hình thành một liên minh không chính thức để thay thế vị trí lãnh đạo mà Hoa Kỳ đã từ bỏ kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào đầu năm nay.

Tình hình đã ngã ngũ trước cuộc họp G20 năm nay, hội nghị sẽ được tổ chức tại thành phố cảng thương mại bận rộn nhất của Đức. Đó là một phần bởi vì, lần đầu tiên kể từ khi thành lập G20, đại diện của Mỹ là một tổng thống ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, từ bỏ hàng thập kỷ cổ vũ cho tự do thương mại của Mỹ.

Cán cân tài khoản vãng lai gần đây của các nước nhóm G20, tính theo USD. Nguồn: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)

Mỹ cũng bị cô lập về vấn đề biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 vừa qua, nơi tổng thống Trump đơn thương độc mã chống lại các đồng minh châu Âu và các nước láng giềng.

Với vị trí là các chủ nhà của các hội nghị trước đây và hiện tại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong bất kỳ trường hợp nào cũng sẽ hợp tác với nhau trong chương trình nghị sự của G20. Tuy nhiên, ba chuyến thăm của ông Tập tới Đức cho đến nay, chuyến mới nhất chỉ mới hồi tháng trước, cho thấy hai quốc gia này đang hành động khẩn trương hơn trong việc thay thế vị trí của Hoa Kỳ.

Diego Ramiro Guelar, Đại sứ Argentina tại Bắc Kinh nói: "Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Đức diễn ra do chính quyền tổng thống Trump từ chối vị trí lãnh đạo thế giới. Hai nhà lãnh đạo quan trọng nhất trên thế giới hiện nay là Chủ tịch Tập và Thủ tướng Merkel".

Ngoại giao Gấu trúc

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đức đã được tăng cường trong nhiều năm, do các lợi ích kinh tế chung và không bị cản trở bởi các cuộc tranh chấp địa chính trị đã làm phức tạp mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington từ trước cuộc bầu cử tổng thống gần nhất. Đức cần thị trường cho máy móc công nghiệp cao cấp và động cơ, và Trung Quốc muốn họ - vì vậy Trung Quốc đã mua công ty robot Kuka AG của Đức.

Hai con gấu trúc khổng lồ mà Trung Quốc sẽ cho vườn thú Berlin mượn là một hành động được mô tả là ngoại giao gấu trúc. Ảnh: Internet

Ông Tập sẽ tới thăm Đức lần thứ hai ngay trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Trung Quốc đã đưa hai con gấu trúc đến Mỹ năm 1972, sau khi Tổng thống Richard Nixon lần đầu tiên ghé thăm nước này.

Michael Clauss, đại sứ của Đức tại Bắc Kinh, nói: "Quan hệ giữa Trung Quốc và Đức đang ở trong giai đoạn tốt nhất trong lịch sử do lợi ích kinh tế và quan điểm hướng Đông của Đức".

Clauss nói rằng, Mỹ đã "để lại một khoảng trống" trong khu vực bằng cách từ bỏ thỏa thuận thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính Mỹ đề xuất. Thỏa thuận nhằm xây dựng một khối thương mại tự do giữa các quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương từ Chilê tới Việt Nam, như một giải pháp thay thế cho các sáng kiến được Trung Quốc thống trị như “Một con đường – Một vành đai”. Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi TPP ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức.

Biến đổi khí hậu

Khoảng trống này còn rõ ràng hơn khi đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu, sau khi tổng thống Trump tuyên bố hồi tháng trước rằng ông sẽ rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về nóng lên toàn cầu. Hiệp định này đã được ký bởi hơn 190 quốc gia, bao gồm tất cả các thành viên G20.

Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất, đã thành lập một nhóm G2 thực sự về thay đổi khí hậu, trong thời gian điều hành của cựu Tổng thống Barack Obama. Các đối tác khác chỉ được tham gia khi hai nước lớn này đã thống nhất khuôn khổ mà họ muốn để giảm lượng khí thải độc hại; họ cũng không muốn các phương pháp tiếp cận dựa trên hạn ngạch được Liên minh châu Âu ủng hộ.

Các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu đã biến mất cùng với việc ông Trump nhậm chức. Một nhóm tiên phong mới bao gồm Canada, Trung Quốc và EU đã gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 5. Trung Quốc và Đức cũng đã gặp nhau ở Berlin vào tuần trước để thảo luận về biến đổi khí hậu, khi mỗi bên cùng nhau cam kết thực hiện các mục tiêu của thỏa ước Paris và áp dụng cách tiếp cận tập thể tại Hamburg.

Lượng khí thải trong giai đoạn 1990-2016 của các nước và khu vực lớn nhất nhóm G20.

Vẫn còn nhiều hạn chế đáng kể cho thấy một bước đi song phương giữa Đức và Trung Quốc có thể diễn biến xấu đi như thế nào, phản ánh những thất vọng của Merkel - giống như Trump – với những điều khoản thương mại không cân đối. 

Năm ngoái, Đức đã bán hơn 85 tỷ đô la hàng hóa cho Trung Quốc và là nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Trung Quốc. Nhưng nước này cho rằng, những con số này có thể cao hơn nhiều, nếu Trung Quốc không áp đặt các rào cản không tồn tại ở châu Âu.

Năm 2016, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc trên toàn EU tăng 77% so với năm trước, theo một nghiên cứu của Tập đoàn Rhodium và Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator.

Tuy nhiên, đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc giảm năm thứ tư liên tiếp, với những rào cản trong các ngành công nghiệp như bảo hiểm, yêu cầu liên doanh phức tạp và lo ngại về luật an ninh không gian mạng mới mà một số nhà đầu tư nước ngoài lo sợ có thể bị lợi dụng.

Trong khi đó, Trung Quốc muốn dựa vào Đức hơn là EU do Trung Quốc phản đối việc EU không công nhận nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế thị trường tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bà Merkel nhận thức được mối nguy của việc Trung Quốc tách Đức khỏi EU, nên đã tạo ra một sự hợp tác quan trọng không kém giữa các quốc gia có hệ thống chính trị khác nhau và ít giá trị chung. Bà Merkel đã ủng hộ việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các chính phủ EU hành động nhiều hơn để ngăn chặn việc các công ty lớn bị nước ngoài thâu tóm.

"Nếu các nước như Trung Quốc muốn đơn giản mua một cái gì đó được xây dựng với rất nhiều trợ cấp, chúng tôi phải phản ứng lại điều đó", bà nói và trích dẫn các loại công ty công nghệ mà Trung Quốc quan tâm nhất như vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

"Nhìn từ Bắc Kinh, Châu Âu giống như một bán đảo châu Á", bà nói. "Rõ ràng, chúng tôi nhìn nhận mọi thứ khác nhau".