Mỹ - Trung: Cuộc đua song mã cho vị trí lãnh đạo thế giới

Linh Lan - 09:05, 07/11/2017

TheLEADERTổng thống Donald Trump sẽ đến Bắc Kinh vào thứ Tư (8/11) với mục đích tìm kiếm chiến thắng trước mắt cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Còn phía chủ nhà, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lại đang chơi một trò chơi dài hơn.

Mỹ - Trung: Cuộc đua song mã cho vị trí lãnh đạo thế giới
Ảnh: South China Morning Post

Chủ tịch Tập đã lập ra kế hoạch chi tiết gồm hai giai đoạn: đầu tiên, để xác lập nền sản xuất của Trung Quốc vào năm 2025 thông qua việc thay đổi chuỗi công nghệ sang cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Thứ hai, như ông đã đặt ra vào kỳ Đại hội Đảng lần thứ 19 tháng trước, Trung Quốc sẽ xây dựng một "quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại", do đó Trung Quốc sẽ là "một nhà lãnh đạo toàn cầu" vào năm 2050.

Ông Trump, cùng với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong nước, muốn cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, con số tổng cộng là 327 tỷ USD vào năm ngoái, theo số liệu của IMF. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông đã hứa sẽ trả lại công việc sản xuất cho người Mỹ, bao gồm các ngành công nghiệp đang phục hồi như khai thác than và sản xuất thép.

"Kế hoạch của Chủ tịch Tập là xây dựng một nền kinh tế theo hướng giống Mỹ hơn, và kế hoạch của Tổng thống Trump lại là xây dựng một nền kinh tế Mỹ theo hướng giống Trung Quốc hơn", ông Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Úc tại Canberra, cho biết. "Ông Tập ngày càng tập trung vào việc mở rộng nền kinh tế Trung Quốc sang các công việc có giá trị gia tăng cao và công nghệ cao. Mô hình của chính quyền Trump lại ngược lại", ông nhận định.

"Kế hoạch của Chủ tịch Tập là xây dựng một nền kinh tế theo hướng giống Mỹ hơn, và kế hoạch của Tổng thống Trump lại là xây dựng một nền kinh tế Mỹ theo hướng giống Trung Quốc hơn"

Hugh White, Giáo sư nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Úc tại Canberra

Ông Trump sẽ có chuyến công du kéo dài hai ngày tới Trung Quốc bao gồm một chuyến dừng chân tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Ông nói với các phóng viên ở Tokyo vào hôm thứ Hai (6/11) rằng ông có mối quan hệ "tuyệt vời" với ông Tập. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng không quên đề cập rằng giữa hai nước tồn tại một "tình trạng thương mại rất bất công".

"Nó phải hạ xuống", ông Trump nói về thâm hụt thương mại. "Và phải thực sự đạt được thương mại tự do, thương mại công bằng hay thương mại hai chiều. Và thẳng thắn mà nói tôi thích thương mại hai chiều, đó là điều tốt nhất cho chúng tôi".

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã cảnh báo rằng sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề phức tạp như quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Bộ Thương mại tháng trước đã duy trì quan điểm cho rằng Trung Quốc là một nền kinh tế phi thị trường, một quyết định bị Bắc Kinh chỉ trích.

Ngược lại, Đại sứ Trung Quốc nói với các phóng viên ở Washington vào cuối tháng trước rằng Trung Quốc đang mong đợi "những kết quả đáng kể". Ông Tập trước đó đã có cuộc đối thoại với một nhóm các nhà quản lý của Mỹ ở Bắc Kinh - bao gồm Giám đốc điều hành Apple Inc., Tim Cook và người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg - rằng ông mong đợi chuyến thăm của ông Trump và rằng quốc gia của ông đang bắt tay vào cải cách với "quyết tâm và sức mạnh chưa từng thấy".

Sự trở lại của Trung Quốc, một lần nữa chiếm trọn các thị trường là một phần của vấn đề cấp cách: tránh "cái bẫy thu nhập trung bình".

"Các quốc gia sẽ rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình" nếu họ bị mắc kẹt trong tư duy phát triển giai đoạn đầu của họ - dựa trên sự đổi mới của nước khác và nhu cầu bên ngoài của các đối tác thương mại của họ", ông Stephen Roach, cựu chủ tịch điều hành ngân hàng Morgan Stanley ở châu Á nhận định. "Với lý do đó, sự tập trung của Trung Quốc hiện tại và tiềm năng đối với sự đổi mới trong nước là điều đặc biệt đáng khích lệ", ông nói thêm.

Kế hoạch chi tiết năm 2025 của Trung Quốc cho thấy nước này nhận thức được sự nguy hiểm của cái bẫy này. Trung Quốc đã kêu gọi đột phá trong 10 lĩnh vực chính như robot và thiết bị y tế.

Trong khi đó, sáng kiến Một vành đai, Một con đường - dự kiến sẽ chi hơn 1 nghìn tỷ USD vào đầu tư đường sắt, đường cao tốc và cảng nối liền châu Âu và châu Á - cho thấy viễn cảnh lực lượng lao động rẻ hơn sẽ chuyển ra ngoài nước, trong khi các công ty vẫn giữ liên kết chặt chẽ với Trung Quốc .

Chương trình 2050 của ôngTập với mục đích thúc đẩy "sức mạnh quốc gia toàn diện và ảnh hưởng quốc tế" theo luật pháp, các công ty sáng tạo, môi trường sạch sẽ, tầng lớp trung lưu mở rộng, vận tải công cộng và giảm sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn. Kế hoạch cũng nhằm mục đích tái cân bằng nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu nặng nề và hướng đến tiêu dùng trong nước.

"Nếu Trung Quốc trở nên cân bằng, trong khi Mỹ không làm như vậy, vai trò của Trung Quốc như là một động lực tăng trưởng toàn cầu sẽ tiếp tục mở rộng, trong khi vai trò của Mỹ sẽ giảm đi", ông Roach nhận định.

Những kết quả như vậy không phải là những lợi ích trước mắt mà Chủ tịch Tập hướng tới. Nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ do nền kinh tế thế giới tăng trưởng trong năm nay đã tạo ra bối cảnh thuận lợi cho những nỗ lực của ông trong việc cắt giảm công suất từ các ngành sản xuất công nghiệp và cắt giảm rủi ro của hệ thống tài chính.