Ngân hàng không thiếu tiền cho vay, chỉ sợ doanh nghiệp không trung thực

Giản Phúc - 09:00, 22/10/2017

TheLEADERĐại diện các ngân hàng cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng hai hệ thống sổ sách: Một để báo cáo thuế, một để làm việc với ngân hàng.

Ngân hàng không thiếu tiền cho vay, chỉ sợ doanh nghiệp không trung thực
Vẫn còn nhiều rào cản giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Ảnh minh họa Zing

"Tôi chỉ còn cách nhìn vào mắt họ để tìm ra sự chân thành"

Chia sẻ tại một hội thảo về kết nối ngân hàng và doanh nghiệp vừa tổ chức ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank) chia sẻ, không sợ thiếu tiền cho vay, chỉ sợ khách hàng “người không thiệt, việc không thiệt”. Mỗi khi ký duyệt cho vay, bên cạnh ông đều có đến ba luật sư, vì bị ràng buộc về pháp lý rất cao.

Trong quá trình tiếp xúc, ông Dũng nhận thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn sử dụng hai hệ thống sổ sách: một để báo cáo thuế, một để làm việc với ngân hàng. Vì vậy, ông mong rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chọn người làm tài chính tốt và trung thực, nhất là phải thống nhất một báo cáo tài chính thôi. 

Ngoài ra, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu các kỹ năng về quản lý như vận hành, bảo trì, phương thức sản xuất kinh doanh… Đây là các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định cho vay rất nhiều.

Bà Trương Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho rằng, doanh nghiệp và ngân hàng cần đồng hành nhiều hơn để hiểu nhau hơn. Nhiều khách hàng của Vietcombank là các doanh nghiệp lớn, có tầm nhìn và tư duy tích cực thì nhận được mức lãi suất phù hợp. Nhưng cũng có không ít khách hàng có tình hình tài chính thiếu minh bạch, vì vậy mức lãi suất sẽ khác.

Không chỉ dự án khởi nghiệp, ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải nâng cao năng lực quản trị nhiều hơn nữa. Trong quá trình này, ngân hàng sẽ hỗ trợ các kiến thức về tài chính, thuế, dự án… để cùng đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp.

Bà Trương Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Vietcombank

Bà Nga cho rằng trong quá trình kết nối doanh nghiệp, khó nhất là cho vay các dự án khởi nghiệp. Đây chủ yếu là các sinh viên mới ra trường và sử dụng 100% vốn vay ngân hàng. 

“Với những trường hợp này, tôi chỉ còn cách nhìn vào mắt họ để tìm ra sự chân thành, dự đoán bao nhiêu phần thành công để quyết định cho vay bao nhiêu phần”, bà Nga kể về khó khăn của người xét duyệt cho vay.

Lãi suất trung hạn 8 - 10%/năm là khá cao

Ông Trần Ngọc Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm An Thiên, cho rằng ngân hàng và doanh nghiệp cần xem nhau là đối tác và ngồi lại với nhau nhiều hơn nữa để tháo gỡ các vướng mắc trong khâu kết nối.

Ông Dũng cho biết, An Thiên thuê đất 50 năm ở Khu công nghiệp Hiệp Phước, trả tiền 100% một lần. Khi lên nhận sổ vay ngân hàng, được thông báo căn cứ thông tư 44 của Bộ Tài nguyên môi trường, nếu thế chấp thì Hiệp Phước phải nộp 100% thuế đất. Trong khi trước đó An Thiên đã có chứng từ thanh toán thuế đất rồi.

Sắp tới, An Thiên xây dựng nhà máy trên 400 tỷ đồng, được vay hỗ trợ tín dụng 220 tỷ đồng. Trong đó, trên 100 tỷ đồng được TP. HCM hỗ trợ lãi suất trong 7 năm liền. Đây là hỗ trợ kích cầu của UBND TP. HCM rất có giá trị với doanh nghiệp như An Thiên.

Ông cũng nhấn mạnh, ngân hàng cần tìm ra giải pháp giải quyết bài toán thế chấp, vì đây là điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ. Nếu không có tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ gặp rủi ro nếu cho vay, nhưng doanh nghiệp nhỏ cũng khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng mức lãi suất cho vay của ngân hàng hiện nay đang cao hơn các nước Đông Nam Á. Đây là ghi nhận qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp trong khu vực. Vì vậy, mong rằng sắp tới, lãi suất cho vay cho sẽ giảm để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, nhất là ngành hàng tiêu dùng, để tăng sức cạnh tranh trước làn sóng hội nhập với các doanh nghiệp châu Á.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho rằng kể từ khi có chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng năm 2012, doanh nghiệp được ngân hàng xem là đối tác. Từ đó, ngân hàng cũng xem mình là doanh nghiệp, chuyện đi vay của doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn. Ông kể, trong một cuộc họp gần đây, có 50 doanh nghiệp tham gia thì có đến 26 ngân hàng. Trong quá trình kết nối, doanh nghiệp được tiếp thu nhiều kiến thức tài chính từ phía ngân hàng, như thủ tục LC, quan hệ quốc tế, đánh giá dự án…

Qua năm năm tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh cho rằng ngân hàng cần xem lại vấn đề nợ xấu doanh nghiệp. Theo đó, đã là nợ xấu thì ít hay nhiều cũng đều là xấu. Ngoài ra, một khi doanh nghiệp đã trả xong, thì công ty xử lý nợ xấu nên gỡ tên doanh nghiệp xuống. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ông được biết có không ít doanh nghiệp gặp trường hợp này và khó vay vốn về sau. “Nếu là con gái thì khỏi đi lấy chồng luôn”, ông ví von.

Theo ông Trần Việt Anh, lãi suất ngắn hạn bằng VND là 6,5% và bằng USD là 3%/năm là chấp nhận được. Nhưng lãi suất trung hạn 8-10%/năm là khá cao. Trung hạn là giai đoạn doanh nghiệp ổn định và cần đầu tư nhiều, lãi suất cao sẽ góp phần hạn chế sự phát triển và khả năng cạnh tranh của họ. Ông dẫn chứng, tại Thái Lan, những doanh nghiệp sản xuất tham gia vào chuỗi cung ứng cho sản phẩm iPhone của Apple được vay vốn trung hạn với lãi suất chỉ 0,1%/năm.

Bà Bùi Thị Thu, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú chia sẻ, hiện nay doanh nghiệp đã có nhiều lựa chọn từ nguồn vốn vay ngân hàng. Trước đây, Phong Phú chủ yếu giao dịch với các ngân hàng nước ngoài. Từ khi có chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tổng công ty đã vay vốn ngân hàng trong nước nhiều hơn. Theo bà Thu, các ngân hàng trong nước đã hỗ trợ Phong Phú rất nhiều, nhất là các nghiệp vụ xuất khẩu. Thời gian đàm phán vay vốn hiện tại đã được các ngân hàng rút ngắn, thủ tục về tài sản đảm bảo cũng đơn giản hơn nhiều.

Tuy nhiên, bà Thu mong rằng ngân hàng xem lại thời hạn cho vay khi có tài sản đảm bảo. Theo quy định của Bộ Tài chính, thời gian khấu hao tài sản là 10-15 năm. Nhưng ngân hàng chỉ cho vay tối đa 7-10 năm, không khớp với thời gian khấu hao, như vậy là chưa đồng hành cũng doanh nghiệp.