Ngân hàng nào đang huy động được nhiều tiền gửi nhất?

Quang Minh - 16:05, 28/02/2018

TheLEADERTop đầu vẫn là các ngân hàng thương mại nhà nước hoặc có vốn nhà nước. Trong đó, BIDV đã sẵn sàng soán ngôi đầu của Agribank. Bám sát là Vietinbank và Vietcombank.

Ngân hàng nào đang huy động được nhiều tiền gửi nhất?
Tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chủ lực của nền kinh tế Việt Nam.

Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), một ngân hàng thương mại nhà nước, mặc dù kém năng động nhất trong số Big 4, song vẫn liên tục duy trì vị trí số 1 về huy động tiền gửi từ xưa đến nay. Điều này xuất phát từ tính chất phủ khắp mạng lưới từ nông thôn đến thành thị vốn có của ngân hàng này.

Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017, song con số 866.005 tỷ đồng tiền gửi khách hàng trên báo cáo tài chính năm 2016 vẫn lớn hơn con số cuối năm 2017 của BIDV - 859.786 tỷ đồng. BIDV hiện đứng đầu trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo trạng thái tài chính cuối năm 2017. Tiếp theo là Vietinbank với 752.370 và Vietcombank với 708.506 nghìn tỷ đồng.

Có rất ít khả năng Agribank suy giảm số dư tiền gửi khách hàng trong năm 2017, vì con số này của Ngân hàng vẫn tăng trưởng đều đặn trong những năm qua. Điều đó đồng nghĩa Agribank có thể giữ được ngôi vị số 1 năm 2017.

Tính đến ngày 27/2/2018, mới có 19 trong tổng cộng 35 ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý IV/2017, trong đó có 15 ngân hàng niêm yết. Ba ngân hàng khác là TechcombankTPBank và VietABank. Tổng số dư tiền gửi khách hàng của 19 ngân hàng này ở thời điểm 31/12/2017 là 4,277 triệu tỷ đồng.

Thời điểm hiện tại cũng chỉ có 29/35 ngân hàng công bố báo cáo tài chính năm 2016 với tổng số dư tiền gửi đạt 5,22 triệu tỷ đồng. Các ngân hàng chưa công bố chủ yếu thuộc nhóm bị kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, số dư tiền gửi của các ngân hàng này không đáng kể so với số tổng của ngành.

Ngân hàng nào đang huy động được nhiều tiền gửi nhất?
Top 10 ngân hàng niêm yết có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất. Nguồn: BCTC các NH.

Những con số nói trên cho thấy, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chủ lực của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tạo ra mức tăng trưởng tín dụng 16,96% và tăng trưởng GDP 6,81% của năm 2017.

Xét về tốc độ tăng huy động tiền gửi, trung bình 5 năm trở lại đây, BIDV là ngân hàng tăng trưởng tốt nhất trong số các ngân hàng niêm yết có số dư tiền gửi trên 100.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng của BIDV là 30,74%/năm. Tiếp theo là Sacombank (28,59%), LienViet Post Bank (26,18%) và SHB (23,20%).

Eximbank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi chậm nhất trong nhóm này với chỉ 9,58%/năm. Đây là ngân hàng vừa bị khách hàng tố mất cắp 245 tỷ đồng tiền gửi.

Cũng trong nhóm ngân hàng kể trên, Eximbank đứng thứ 10 về hiệu quả huy động tiền gửi trên vốn chủ sở hữu với 9,4 lần, theo báo cáo tài chính quý IV/2017 của ngân hàng này. 

Thông thường, hoạt động huy động tiền gửi được xem là tốt khi tỷ lệ này là từ 20 lần trở lên. Chỉ có hai ngân hàng đạt được mức hiệu quả này là ACB và BIDV với lần lượt 25,1 và 25,0 lần. Hai ngân hàng gần đạt được là LienViet Post Bank và Vietcombank với cùng 19,7 lần.