Ngân hàng Nhà nước lý giải vì sao không công bố xếp hạng ngân hàng

Minh An - 22:05, 18/09/2017

TheLEADERTheo thông lệ quốc tế, nhiều ngân hàng trung ương, cơ quan giám sát không công bố kết quả xếp hạng ngân hàng, thay vào đó là cung cấp xếp hạng của các tổ chức uy tín quốc tế như S&P, Moody's hay Fitch.

Ngân hàng Nhà nước lý giải vì sao không công bố xếp hạng ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước tại 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ảnh: NHNN

Ngân hành Nhà nước vừa đưa ra các giải thích liên quan đến việc không công bố rộng tãi kết quả xếp hạng ngân hàng trong dự thảo Thông tư quy định xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo NHNN, các cơ quan quản lý của các quốc gia trên thế giới thực hiện xếp hạng các ngân hàng thương mại nói riêng và các tổ chức tài chính nói chung để phục vụ mục đích quản lý nhà nước,ban hành chính sách, thanh tra, giám sát thị trường tài chính, ngân hàng và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. 

Theo đó, kết quả xếp hạng các ngân hàng được cơ quan quản lý sử dụng trong công tác cảnh báo sớm, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ của từng tổ chức tín dụng cũng như rủi ro lan truyền toàn hệ thống, để từ đó đưa ra các hành động về chính sách kịp thời nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tài chính, bảo vệ tài sản và quyền lợi của người gửi tiền.

Do mục đích khác nhau, nên ngân hàng trung ương, cơ quan giám sát tài chính tại nhiều nước trên thế giới đều không công bố rộng rãi kết quả xếp hạng các ngân hàng như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế thực hiện định kỳ. 

Nếu có, họ chỉ cung cấp các thông tin về kết quả xếp hạng uy tín của các tổ chức quốc tế để cho nhà đầu tư và người gửi tiền tham khảo, trong đó nêu rõ không chịu trách nhiệm về kết quả xếp hạng của các tổ chức này.

Hiện nay 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Ratings chiếm hơn 90% thị phần quốc tế. Các tổ chức này cũng thường xuyên công bố xếp hạng tín nhiệm một số ngân hàng của Việt Nam.

Trước đó, NHNN công bố dự thảo Thông tư quy định về việc xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cơ quan này sẽ đánh giá, xếp hạng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo CAMELS (hệ thống xếp hạng được nhiều cơ quan quản lý trên thế giới sử dụng).

Cụ thể, hệ thống các tiêu chí được sử dụng xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm: Vốn (C); Chất lượng tài sản (A); Quản trị điều hành (M); Kết quả hoạt động kinh doanh (E); Khả năng thanh khoản (L); và Mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường (S).

Đồng thời từng tiêu chí sẽ bao gồm nhóm chỉ tiêu định lượng và nhóm chỉ tiêu định tính. Nhóm chỉ tiêu định lượng đo lường mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng trên cơ sở các số liệu phản ánh hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nhóm chỉ tiêu định tính đo lường mức độ tuân thủ các quy định pháp luật của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo NHNN, việc xếp hạng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, an ninh tiền tệ trong hoạt động ngân hàng, tài chính. 

Sau khi đánh giá, xếp hạng, NHNN sẽ thông báo kết quả xếp hạng cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kèm theo các hành động, biện pháp quản lý phù hợp nhằm đảm bảo TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kịp thời khắc phục các tồn tại, giảm thiểu nguy cơ đổ vỡ, lan truyền trong hệ thống, trong đó mục tiêu hướng tới cuối cùng là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.