Ngân hàng ồ ạt tăng vốn nhưng không có thêm tiền

Trần Dũng - 14:43, 04/06/2018

TheLEADERTrọng tâm của việc tăng vốn là phải có dòng tiền mới từ các nhà đầu từ chảy vào, từ đó cải thiện nguồn vốn tự có của ngân hàng. Tuy nhiên không phải ngân hàng nào cũng dễ dàng đạt được mục tiêu này.

Sau giai đoạn tái cấu trúc tài sản và xử lý nợ xấu, các ngân hàng đều đang bước vào giai đoạn bùng nổ huy động và cho vay. Những con số lợi nhuận khổng lồ của hệ thống ngân hàng năm 2017 là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy điều này.

Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng của tổng tài sản quá nhanh cũng gây ra nhiều rủi ro của hoạt động ngân hàng. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến cuối năm 2017, tài sản quy đổi hệ số rủi ro tăng 9,3% trong khi vốn tự có của tổ chức tín dụng chỉ tăng khoảng 4,6%.

Sự lệch pha nay sẽ mang tới hệ quả là tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng giảm xuống. Cũng theo Ủy ban Giám sát, hệ số CAR của toàn hệ thống tính tới cuối năm 2017 ước đạt 11,1%, thấp hơn con số 11,6% của năm 2016. Con số này đang tiếp tục giảm trong giai đoạn đầu năm 2018.

Nếu áp dụng tính CAR theo chuẩn Basel 2, tỷ lệ này sẽ còn giảm đi nhiều. Báo cáo cho thấy, nếu áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel 2 tại nhóm ngân hàng thí điểm, hệ số CAR sẽ giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng.

Hệ số CAR ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Đó cũng là nguồn cơn khiến các ngân hàng bước vào cuộc đua tăng vốn trong thời gian gần đây.

Từ cuối năm ngoái, hàng loạt các ngân hàng đã tiến hành tăng vốn thuận lợi, như MBB tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng, VPBank tăng vốn thêm 1.647 tỷ đồng, ACB tăng vốn thêm 1.882 tỷ đồng.

Đại hội cổ đông năm nay, gần như tất cả các ngân hàng đều thông qua tờ trình tăng vốn điều lệ. Nổi bật là VPBank với kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 27.799 tỷ đồng, cao nhất trong số các ngân hàng tư nhân.

Ngân hàng ồ ạt tăn vốn nhưng không có thêm tiền

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ của VPBank. Theo đó, ngân hàng này sẽ tăng vốn điều lệ lên 25.299 tỷ đồng, thấp hơn 2.500 tỷ đồng so với kế hoạch trình lên cổ đông. Một sự trùng hợp, con số này cũng chính là số tiền VPBank dự kiến thu về từ phát hành cổ phần riêng lẻ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các phương án còn lại bao gồm việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng và một phần nhỏ từ phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên.

Nguồn tiền dùng để tăng vốn trong các phương thức trên đa phần đều nằm trong nguồn vốn tự có của VPBank như lợi nhuận chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, thặng dư vốn cổ phần.

Do đó, dù VPBank có tăng vốn điều lệ lên rất cao nhưng tổng vốn tự có của ngân hàng không thay đổi nhiều để cải thiện hệ số an toàn vốn CAR.

Tương tự VPBank là trường hợp của ngân hàng Quân đội (MB). Mới đây, ngân hàng đã được NHNN thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 19%, tương ứng với 3.449 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Nguồn thực hiện phát hành cổ phiếu được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của MB năm 2017 và các nguồn vốn chủ sở hữu khác.

Techcombank sau khi niêm yết trên HOSE cũng có kế hoạch tăng vốn bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 200%. Nguồn tiền để tăng vốn được lấy từ lợi nhuận giữ lại trong 3 năm gần nhất, thặng dư vốn cổ phần và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ hơn 11.500 tỷ đồng hiện nay lên gần 35.000 tỷ đồng.

Trọng tâm của việc tăng vốn là phải có dòng tiền mới từ các nhà đầu tư chảy vào, từ đó cải thiện nguồn vốn tự có của ngân hàng. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng dễ dàng đạt được mục tiêu này.

Vietcombank là một minh chứng. Từ giữa năm ngoái, ngân hàng đã đạt được thỏa thuận bán 7,7% cổ phần cho quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) với giá trị khoảng 400 triệu USD. Đến đầu năm nay, thương vụ này một lần nữa được lãnh đạo ngân hàng nhắc đến nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Trong khi đó BIDV, ngân hàng cổ phần nhà nước chưa có đối tác nước ngoài. Cuối tháng 8 năm ngoái, BIDV được cho là đã ký một thỏa thuận với một tập đoàn tài chính Hàn Quốc nhưng hai bên không công bố thông tin về thương vụ.

Trong khi chưa giải quyết được vấn đề tăng CAR, ngân hàng lại phải đối mặt với rủi ro khác là khả năng bị pha loãng cổ phiếu khi lựa chọn các hình thức tăng vốn thông qua chia thưởng cổ phiếu hay phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Suốt giai đoạn từ cuối năm ngoái đến quý I năm nay, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ. Thanh khoản và chỉ số đều vượt kỷ lục, các cổ phiếu ngân hàng đều đã tăng giá mạnh. Các ngân hàng đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội “vàng” này để lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu.

Tuy nhiên sang tới quý II, thị trường chứng khoán đã trở nên ảm đạm hơn rất nhiều. Hàng loạt cổ phiếu ngành ngân hàng lao dốc khiến các nhà đầu tư phải đánh giá lại rủi ro khi quyết định giải ngân vào các cổ phiếu này.