Nghị định mới về đầu tư PPP: Vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20% tổng mức đầu tư

Minh Anh - 12:16, 11/05/2018

TheLEADERNhiều vấn đề nổi cộm trong thực hiện dự án BOT, BT thời gian qua được kỳ vọng sẽ hạn chế hơn khi nghị định mới về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành.

Nghị định mới về đầu tư PPP: Vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20% tổng mức đầu tư
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Theo đó, Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP năm 2015.

Nhiều điểm mới tại Nghị định 63 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án PPP. Đồng thời, tăng hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội đối với nhà đầu tư, đơn giản hóa quy trình thủ tục và nâng cao hiệu quả dự án, hiệu lực quản lý trong thời gian tới.

Nghị định 63 quy định rõ hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án PPP, bao gồm cả trường hợp dự án có sử dụng hoặc không sử dụng vốn đầu tư công trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công. 

Cụ thể, trình tự thực hiện dự án gồm: Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết đinh chủ trương đầu tư và công bố dự án; lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; tổ chức chọn nhà đầu tư; đàm phán, thành lập doanh nghiệp dự án, ký kết hợp đồng dự án và cuối cùng là triển khai thực hiện dự án, quyết toán, chuyển giao công trình.

Nghị định 63 cũng nêu rõ dự án nhóm C không phải lập thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư nhưng phải công bố dự án sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt.

Căn cứ yêu cầu thực tế của dự án PPP, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định việc tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán nhưng phải đảm báo tính cạnh tranh rộng rãi trong đấu thầu. Các bộ, cơ quan ngang nộ hướng dẫn thực hiện nội dung này trong phạm vi quản lý của mình.

Nghị định mới cũng quy định rõ hơn trình tự, thủ tục triển khai dự án PPP sử dụng công nghệ cao với mục đích tạo sự linh hoạt trong quá trình triển khai và giảm thời gian, chi phí trong giai đoạn lập dự án.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư.

Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20%, đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 10%. Phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu. 

Đối với hợp đồng BT, nhà đầu tư phải đáp ứng thêm yêu cầu về vốn chủ sở hữu nếu có theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan để thực hiện dự án khác.

Nghị định 63 cũng quy định mở rộng nguồn vốn được sử dụng làm phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án, ngoài vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. 

Với nghị định mới này, Nhà nước có thể sử dụng nhiều nguồn lực khác để tham gia, hỗ trợ nhà đầu tư trong dự án PPP, như giá trị quyền sử dụng đất, tài sản công, tài sản kết cấu hạ tầng, quyền kinh doanh khai thác công trình, dịch vụ.

Vốn thanh toán cho nhà đầu tư đối với các dự án theo hợp đồng BTL, BLT cũng quy định mở hơn. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh linh hoạt trong việc sử dụng.

Tính chất đặc thù của dự án PPP được phản ánh rõ hơn tại nghị định mới, nhiều thủ tục được đơn giản hóa, rút ngắn giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời bổ sung quy định công khai thông tin hợp đồng dự án để đảm bảo minh bạch và tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước có công cụ quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về các dự án PPP.

Với Nghị định 63, quy định trình tự thực hiện dự án BT cũng được điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ chất lượng và giá trị công trình nhằm tránh thất thoát, lãng phí các nguồn lực quốc gia, đặc biệt là nguồn lực đất đai; đồng thời mở rộng phương thức thanh toán cho nhà đầu tư trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế.