Analytic

Sau giai đoạn suy thoái kinh tế kéo dài gần một thập kỷ, tương lai của nền kinh tế Hy Lạp cuối cùng cũng đã bắt đầu khởi sắc trở lại. 

Tuy nhiên, người Hy Lạp đã ngừng mơ ước về tương lai của họ. Hy Lạp đã chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế liên tục trong ba quý gần nhất và sẽ dự đoán sẽ đạt 1,6% tăng trưởng GDP trong năm nay. 

Theo đó, nước này sẽ hoàn toàn thoát khỏi bóng đen suy thoái, theo dự báo của Ủy ban châu Âu. Trong năm 2018, Hy Lạp dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng trưởng khoảng 2,5 % và chấm dứt nhận các gói hỗ trợ quốc tế vào mùa hè. Tuy nhiên tại Athens, người dân vẫn có vẻ không hài lòng và nghi ngờ tình trạng này chỉ được cải thiện trong ngắn hạn.

“Chúng tôi không mơ mộng nữa”

 “Chúng tôi không mơ. Chúng tôi ổn, chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc sống của mình, chúng tôi biết rằng chúng tôi không sống trong cảnh bần hàn”, Eva Pavlopoulo, một sinh viên 29 tuổi, cho biết. 

"Nếu bạn muốn học một ngôn ngữ thứ hai, nếu bạn muốn làm một cái gì đó cho bản thân mình, nâng cao các kỹ năng, bạn sẽ không thể hoặc rất khó khăn để làm được điều đó", cô nói. 

Pavlopoulo hiện đang theo học chương trình thạc sĩ thứ hai, hy vọng nó sẽ làm tăng cơ hội nhận được việc làm trong ngành môi trường bền vững mà cô theo đuổi. Gần đây, cô nhận một công việc với mức lương 1.000 euro/tháng. Mặc dù cô sẽ nhận công việc này, nhưng Pavlopoulo sẽ vẫn phải tiếp tục sống cùng cha mẹ. 

Tình trạng thất nghiệp nói chung và thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên nói riêng, vẫn là một trong những vấn đề lớn nhất ở Hy Lạp. 

Vào năm 2016, 47,3% dân số Hy Lạp ở độ tuổi dưới 25 bị mất việc làm, chiếm gần một nửa dân số và gấp hơn hai lần tỷ lệ thất nghiệp trung bình của khu vực châu Âu. 

Stathis Nikitopoulos, một giáo viên 38 tuổi, mong rằng trong năm 2018, bạn bè và gia đình của anh, những người làm việc trong khu vực tư nhân, sẽ không phải lo lắng về việc bị mất việc nữa. 

"Tôi làm việc trong khu vực công và tôi cảm thấy an toàn với công việc của mình, bởi chính phủ trước đã tiến hành cắt giảm biên chế trong khu vực công rồi”, anh Nikitopoulos nói. “Hầu hết bạn bè và gia đình tôi đều làm việc trong khu vực tư nhân và lương của họ không tăng, còn tỷ lệ thất nghiệp đang là khoảng 20, 25%" 

Người Hy Lạp đã ngừng mơ mộng sau gần một thập kỷ khủng hoảng
Ảnh: Matt Cardy/ Getty Images

Số nhân viên trong khu vực công quan trọng đã giảm 26% trong giai đoạn 2009 - 2015.Nikitopoulos đã mất đi 40% thu nhập của mình kể từ năm 2010. 

Mặc dù khá lạc quan nhưng anh không nghĩ rằng tình hình kinh tế Hy Lạp sẽ tốt hơn trong thời gian tới."Tôi tin rằng tình hình sẽ không cải thiện trong vài năm tới, bởi vì tiền lương không tăng lên, giá cả không giảm đi cộng với mức thuế rất cao", anh cho biết.

George Fonourakis, người quản lý thực phẩm và đồ uống tại một khách sạn ở Athens, nói rằng anh đã buộc phải chuyển về sống cùng với cha mẹ trong thời gian đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng. 

Vào năm 2012, mức lương của anh giảm từ 3.000 euro xuống còn 800 euro chỉ trong một đêm. Theo đó, anh không còn có thể trả được tiền thuê nhà.Sau khi chuyển sang một công việc khác từ mùa hè năm 2016, George đã lạc quan trở lại. "Tôi đã có lại được hy vọng. Tôi có một công việc tốt với 14 tháng lương một năm, xe hơi và thuê được một căn hộ”, anh chia sẻ. "Tăng trưởng trong ngành du lịch mang lại cho tôi nhiều hy vọng hơn."

Du lịch đang vẽ nên một bức tranh tươi sáng hơn cho nền kinh tế Hy Lạp. Trong 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu trong lĩnh vực này đạt gần 13 tỷ euro, so với 11,7 tỷ euro trong cùng kỳ năm 2016, theo Ngân hàng trung ương Hy Lạp. 

Niềm hy vọng mang tên lu lịch 

Một người lái xe Uber cho hay ông đã kiếm được rất nhiều tiền trong suốt mùa hè khi chở khách tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Santorini. 

“Tôi khỏe mạnh và tôi có thể làm nhiều hơn một việc nếu cần thiết. Cha mẹ ông bà tôi, họ đã về hưu và được nhận một khoản trợ cấp nhất định mỗi tháng, nhưng khoản trợ cấp cũng bị cắt giảm", anh chia sẻ. 

Người Hy Lạp đã ngừng mơ mộng sau gần một thập kỷ khủng hoảng 1
Ảnh: Louisa Gouliamaki/ AFP/ Getty Images

Tuổi nghỉ hưu tăng lên và tiền lương hưu đã bị cắt giảm hơn 10 lần kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào năm 2010. Những người về hưu đã biểu tình trên đường phố Athens hồi đầu năm nay để phản đối chính sách này, trong khi các chủ nợ quốc tế cũng yêu cầu chính phủ Hy Lạp cần tiến hành cải cách hệ thống hưu trí . Một vấn đề nữa là thu nhập của người hưu trí,trong vài trường hợp, lại là một nguồn thu nhập duy nhất trong gia đình.

Chảy máu chất xám 

Làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế là cuộc di cư của hàng ngàn người Hy Lạp để tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn ở nước ngoài. 

Maria Hatzi, 24 tuổi và hiện đang theo học chương trình thạc sĩ thứ hai, đang dự định chuyển đến nước khác sau khi tốt nghiệp. 

Cô nói: "Tôi coi đó là một điều nghiêm túc vào thời điểm này, bởi vì tôi luôn nỗ lực để cải thiện cuộc sống bằng cách nỗ lực học tập và tôi đang mong đợi có cợ hội thực hiện những điều đó. Chất lượng cuộc sống phải xứng đáng với trí tuệ của con người. Nếu có cơ hội, tôi sẽ rời khỏi Hy Lạp và có thể tôi sẽ quay trở lại vào một thời điểm nào đó, nhưng tôi chưa chắc chắn đó sẽ là khi nào”. 

Hầu hết người Hy Lạp cho rằng những cải cách kinh tế mà chính phủ đưa ra - dù được ca ngợi ở bên ngoài - vẫn chưa mang lại thay đổi đáng kể gì cho cuộc sống hàng ngày của họ. 

Hatzi nói thêm: "Không có nhiều sự thay đổi kể từ năm 2010. Tất cả sự trợ giúp tài chính từ châu Âu và IMF không có ý nghĩa gì đối với người dân chúng tôi”.  

Người Hy Lạp đã ngừng mơ mộng sau gần một thập kỷ khủng hoảng 2
Ảnh: Danil Shamkin/NurPhoto/ Getty Images

Đứng trước ngã rẽ 

Hy Lạp đang bước vào một ngã rẽ. Một mặt, tăng trưởng kinh tế đã trở lại và sẽ tiếp tục, trong khi đó quốc gia này dự kiến sẽ chấm dứt chương trình nhận viện trợ vào tháng 8/2018. 

 Mặt khác, người ta không cảm thấy bất kỳ viễn cảnh cải thiện trong ngắn hạn và nói chung cuộc bầu cử sắp tới có thể gây thêm rối loạn. 

 "Tôi nghĩ rằng Thủ tướng AlexisTsipras sẽ thua trong cuộc bầu cử tới, vì người Hy Lạp ngày càng bất mãn với những người hứa hẹn mọi thứ nhưng lại không thể giải quyết được gì", cô Hatzi nói. 

Tuy nhiên, cô cũng cho rằng đảng Dân chủ mới khá khó để thoát khỏi tiếng xấu trước đây. "Mặc dù tôi không hài lòng nhưng nếu tôi phải bỏ phiếu tôi vẫn bỏ phiếu cho Syriza. Tsipras là người tốt nhất chúng tôi có thể có trong thời điểm này”, Nikitopoulos nói.Ý kiến về những người sẽ lãnh đạo đất nước sau kỳ bầu cử tiếp theo đang chia thành hai phe, nhưng hầu hết mọi người đều chán ngán với toàn bộ hệ thống chính trị.

Thực hiện: Nguyễn Lê

Nguồn: Silvia Amaro, CNBC.com