'Nguồn nhân lực phải thay đổi về chất'

Quỳnh Chi - 16:42, 26/02/2018

TheLEADERTheo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong tương lai, con người sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được.

'Nguồn nhân lực phải thay đổi về chất'
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Phát biểu tại Hội nghị khoa học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng 4.0, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có những tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến tất cả các bộ ngành, lĩnh vực; việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước là vấn đề sớm được đặt ra trong định hướng của Đảng và tổ chức triển khai của Chính phủ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong giai đoạn hiện nay cũng như định hướng phát triển trong giai đoạn tới, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cần được xem xét, đánh giá toàn diện với nhiều yêu cầu và thách thức mới đặt ra cho các cơ sở đào tạo.

Thứ nhất là sức ép từ quá trình chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện mô hình tăng trưởng từ chiều rộng, chủ yếu dựa vào việc gia tăng đầu tư, khai thác lợi thế về tài nguyên, nhân công giá rẻ sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu với động lực chính là việc tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, tính cạnh tranh của các ngành kinh tế.

Cùng với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bộ trưởng cho rằng các ngành, lĩnh vực trong toàn bộ nền kinh tế cũng đang diễn ra quá trình tái cơ cấu hết sức mạnh mẽ theo hướng dịch chuyển từ những ngành thâm dụng tài nguyên, lao động giản đơn, từ các dây chuyền gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp sang các ngành có giá hàm lượng tri thức, khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Thêm vào đó, xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ và sự đóng góp ngày càng tăng của các dự án khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn giỏi, kỹ năng cao, có khả năng thích nghi, tính chủ động, sáng tạo là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng những điều chỉnh có tính chiến lược của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai là áp lực từ sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó tâm điểm là sự hình thành của các nhà máy thông minh, nhà máy số.

Trong các nhà máy đó không còn công nhân lao động với thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Con người lúc này sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được.

Thứ ba là tác động từ việc Việt Nam đã và đang ký kết, gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thế hệ mới. Sự dịch chuyển của các trung tâm sản xuất quy mô khu vực và toàn cầu, dịch chuyển của dòng vốn đầu tư và công nghệ sau khi Việt Nam ký kết và gia nhập các hiệp định thương mại tự do dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực có sự thay đổi về chất.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bên cạnh những thay đổi về thương mại và đầu tư, quá trình hội nhập cũng sẽ hình thành và phát triển những thị trường lao động có tính chất khu vực và toàn cầu. Nhân lực chất lượng cao đang được nói đến sẽ không chỉ đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn trong nước mà sẽ cần phải tính tới những tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nước ngoài.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là rất mạnh mẽ và sâu rộng. Chính phủ đã có chỉ đạo cho các bộ ngành trong đó có Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì và nghiên cứu đề án về việc Việt Nam tiếp cận với công nghệ 4.0, khai thác những cơ hội và tiềm năng cũng như đối phó với những tác động của nó.

Tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó nêu rất rõ những yêu cầu, định hướng, nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị liên quan trong hệ thống chính trị, có biện pháp mang tính chiến lược dài hạn và ngắn hạn để khai thác những tác động tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.