Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Một nhà quản trị khoa học

Đỗ Duy Thái* - 16:10, 19/03/2018

TheLEADERĐiều hay nhất của Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chính là một nhà kỹ trị, làm việc mang tính khoa học, trong bối cảnh lịch sử mà mọi người còn đang làm việc theo kiểu rất cảm tính, hoặc rất lý tính.

Theo đuổi cách làm việc khoa học của một nhà kỹ trị, vào đúng thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực, ông Phan Văn Khải đã ý thức rất rõ kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất, nếu không kiểm soát được kinh tế vĩ mô thì không thể kiểm soát được phát triển kinh tế.

Thời ông Phan Văn Khải là thời hình thành “thế hệ vàng” những nhà công nghiệp, bắt đầu từ những tên tuổi còn rất non trẻ đến sự phát triển vượt bậc. Thành quả đó có được nhờ mọi chính sách đều nhất quán, tạo sự dễ dàng cho nhà công nghiệp, thí dụ như chính sách cho vay ngân hàng, lãi suất ưu đãi, xây dựng nhà xưởng, đất đai… tạo nên thời vàng son của phát triển công nghiệp.

Những nhà công nghiệp được sự hỗ trợ trong thời kỳ mới mở cửa đã thực sự có động lực, lạc quan, rất yên tâm đầu tư lâu dài, vì biết Nhà nước rất coi trọng kinh tế vĩ mô.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Một nhà quản trị khoa học
Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt Đỗ Duy Thái.

Nói là làm, ông Phan Văn Khải đã thực sự ổn định được kinh tế vĩ mô, nhờ chú trọng quản trị khoa học, rất cần cù để đi theo những con số. Thực tế đã được chứng minh, cho thấy chuyển biến về kinh tế vĩ mô thời ông làm Thủ tướng rất tốt, dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực chuyển biến rất xấu.

Phẩm chất thứ hai mà tôi cảm phục ở ông, chính là một con người rất bình dị, bình dị đến mức khó nhà lãnh đạo đất nước nào đạt được, khiến cho ai cũng dễ gần. Ông hề hà, vui vẻ nghe những người khác nói. Đó là hai đặc tính mà không dễ người lãnh đạo nào có được. Một người bình dị như vậy khiến người khác dễ dàng nói lên ý kiến của chính mình, tạo cơ hội cho người khác góp ý cho mình.

Tôi còn giữ nguyên cảm xúc về buổi lễ kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam đầu tiên 13/10/2004, khi quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải được đọc lên giữa phòng hội nghị, khẳng định quan điểm của ông đối với vai trò chủ đạo của doanh nghiệp tư nhân.

Vào thời điểm đó, đây là một quyết định dũng cảm của Thủ tướng, vì có rất nhiều ý kiến trái chiều không chỉ từ Chính phủ mà còn từ xã hội, vẫn quan niệm tầng lớp doanh thương là tầng lớp thấp kém của xã hội. Việc công nhận ngày 13/10 là Ngày doanh nhân Việt Nam cũng chính là động lực cho doanh nghiệp, được công nhận công khai từ Chính phủ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ.

Thượng tôn pháp luật, quản trị quốc gia dựa trên pháp luật, ông Phan Văn Khải cũng là vị Thủ tướng đầu tiên quyết tâm xây dựng Luật Doanh nghiệp. Quản trị quốc gia phải dựa trên luật pháp, không chỉ đạo theo kiểu nói miệng, đó là tinh thần của nhà kỹ trị. Đóng góp rất lớn của ông Phan Văn Khải và đội ngũ chuyên gia kinh tế đã giúp Luật Doanh nghiệp được hình thành, từ từ được cải thiện, để có Luật Doanh nghiệp hôm nay.

Sự chịu lắng nghe những tiếng nói phản biện từ các chuyên gia kinh tế, kể cả những người dân thấp cổ bé họng nhất đã tác dộng đến sự thay đổi về chính sách của Chính phủ thời ông Phan Văn Khải. Bản tính ông hề hà, vui vẻ, bình dân, khuyến khích động viên người khác nói, đó là điều đáng trân quý của người lãnh đạo. 

Chính thái độ này đã giúp cho người dưới quyền, người không có quyền lực gì, người dân bình thường nhất có thể nói lên suy nghĩ của mình.

Một trong những kỷ niệm của tôi với ông Phan Văn Khải là lần gặp gỡ thân tình, khi tôi nói với ông: “ Việt Nam muốn phát triển phải có sự công bằng. Philippines thất bại, trở thành người làm công toàn thế giới là vì mất đi sự công bằng, khiến cho những người có năng lực thực sự khó phát triển”.

Tôi nghiên cứu rất kỹ tại sao Philippines không phát triển được, mặc dù có tự do bầu cử. Tôi có người bạn ở đại học Havard về, từng là cố vấn cho Tổng thống Marcos và các công ty lớn bên đó, qua đó tôi rất hiểu vì sao Philippines không phát triển được.

Tôi hiểu sự công bằng là quan trọng lắm. Hàn Quốc, Nhật Bản phát triển được như vậy là nhờ sự công bằng, cả những vị cao cấp trong tập đoàn Samsung, Lotte cũng bị tống vào tù nếu làm sai trái, dù số tiền không lớn. Đó là sự công bằng. Cốt lõi của sự thật là phải có công bằng, đó là con đường phát triển bền vững. Phát triển bền vững phải tập trung vào công việc, không tập trung vào chạy chọt.

Dựa vào nội lực để phát triển đất nước, điều hành quốc gia mang tính khoa học, không cảm tính, kinh tế vĩ mô ổn định thì kinh tế sẽ phát triển… đó là những bài học đắt giá của quản trị quốc gia. Còn kinh tế vĩ mô phập phù quá thì doanh nghiệp sẽ hoang mang, không biết phải làm gì.

Tôi còn nhớ giai đoạn kinh tế phập phù như năm 2012-2013 khiến cho những doanh nghiệp đàng hoàng chết tức tưởi, những cái chết không đáng chết, gây sự sợ hãi cho những nhà đầu tư có căn cơ, đầu tư lâu dài, còn những nhà đầu tư cơ hội thì đâu có sợ.

Thủ tướng Phan Văn Khải thường không có kế hoạch “đao to búa lớn”, không tuyên bố cho có, chỉ tập trung vào công việc hàng ngày, những việc Chính phủ cần phải làm. Chính phủ chỉ tạo cơ chế, điều hành thuế cho đúng, chứ đâu cần đi làm kinh tế thay doanh nghiệp. Chính phủ rất cần những người lãnh đạo có năng lực điều hành quản trị như thế để doanh nhân có động lực phát triển.

Những người làm kinh tế, nhất là những nhà công nghiệp thường hay nhìn vào những chuyển biến của Chính phủ, định hướng theo đường nào? Vì đầu tư vào sản xuất, công nghiệp là đầu tư lâu dài, nền tảng, nếu không có sự đồng hành của chính sách vĩ mô thì khó có thể bảo toàn được nội lực. Đó là động lực rất lớn để doanh nhân có thể bước tiếp mạnh mẽ.

Với doanh nhân, động lực là quan trọng nhất. Trong giai đoạn hiện nay, tôi rất mừng trước những chuyển động tích cực từ phía Chính phủ, các bộ ban ngành, cắt bỏ nhiều thủ tục không cần thiết đã quấy nhiễu doanh nghiệp suốt thời gian dài. 

Đó cũng là động lực để chúng tôi quyết định tiếp tục mở rộng đầu tư. Nếu không có động lực thì đất nước khó mà phát triển. 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt