Dường như có hai mảng đối lập trong con người của ông chủ hãng lữ hành Luxury Travel. Đời thường, một Phạm Hà dân dã, lê la cà phê vỉa hè Hà Nội và bụi bặm lặn lội tìm hiểu từng ngóc ngách của những hòn đảo vắng người trên vịnh Bái Tử Long. Chiều ngược lại, có một Phạm Hà trong bộ veston lịch lãm, thết đãi thực khách bằng những món sơn hào hải vị vốn chỉ dành cho vua chúa thời xưa.
Những hình ảnh tưởng chừng như mâu thuẫn đó cũng giống như hồi anh lập công ty lữ hành chuyên phục vụ khách du lịch giàu vào thời điểm Việt Nam vẫn tràn ngập khách Tây ba lô. Nhưng đối với Phạm Hà, khách du lịch sang trọng đôi khi không cần khách sạn dát vàng hay những chai rượu ngoại đắt tiền, mà quan trọng hơn là được tận hưởng trải nghiệm mới gây ngạc nhiên, những dịch vụ mang tính cá nhân hoá và sự phục vụ bằng cả trái tim.
Trong cuộc trò chuyện nhân dịp xuân mới với TheLEADER, nhà sáng lập Luxury Travel chia sẻ hành trình hơn một thập kỷ phục vụ khách du lịch hạng sang cũng như những trăn trở với ngành du lịch Việt Nam.
Cơ duyên nào đưa anh đến với ngành du lịch và tại sao ngay từ đầu anh đã lựa chọn phục vụ khách du lịch sang trọng mà không phải là khách hàng đại chúng?
Anh Phạm Hà: Người Pháp có câu: Du lịch đào tạo và tôi luyện những người trẻ. Cuộc đời tôi là những chuyến đi, hạnh phúc với tôi là hành trình, không phải điểm đến.
Tôi học ngôn ngữ cả tiếng Anh, tiếng Pháp và thích du lịch. Đó là cơ duyên đến với ngành dịch vụ này. Tôi bén duyên với du lịch khi còn là sinh viên tôi đã làm hướng dẫn, rồi kinh qua nhiều vị trí trong đơn vị lữ hành trước khi sáng lập Luxury Travel vào năm 2004, tập trung vào phân khúc sang trọng còn bỏ ngỏ giai đoạn đó.
Tôi đã chọn ngõ nhỏ vào nhà sang, tạo trải nghiệm phù hợp và đánh đúng mong muốn của khách hàng và thành chuyên gia trong lĩnh vực du lịch sang trọng từ đó đến nay.
Là tân binh ra đời vào lúc thị trường du lịch Việt Nam chưa phải là điểm đến cho khách du lịch sang trọng, anh đã gặp những thách thức gì khi vận hành công ty cũng như thu hút khách du lịch đến Việt Nam?
Anh Phạm Hà: Mọi điểm đến đều có từng giai đoạn. Giai đoạn đầu là khách balo nhiều thời gian hơn tiền, rồi đến khách có thời gian và có tiền. Kế đến là khách tiền nhiều hơn thời gian.
Sau thời gian phát triển thì vào những năm 2004, khách trung lưu và sang trọng dần biết đến Việt Nam như là điểm đến mới lạ hấp dẫn và cơ sở hạ tầng đã phát triển và nhiều khách sạng sang trọng đã tìm đến Việt Nam.
Chúng tôi nghiên cứu sở thích của khách sang trọng, phát triển những trải nghiệm thú vị, xúc tiến đúng người cần và là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam chấp nhận cho khách trả tiền trực tuyến một cách dễ dàng. Phát triển được như ngày nay cũng nhờ thiên thời, địa lợi và nhân hòa.
Anh định nghĩa thế nào là du lịch sang trọng và sự sang trọng mà công ty anh mang lại cho du khách là gì?
Anh Phạm Hà: Không có một định nghĩa sang trọng chung cho tất cả mọi người. Với người lần đầu tiên đi du lịch nước ngoài rồi và người đi trên 60 nước như tôi thì sang trọng là trải nghiệm mới và cá nhân hóa sở thích dù nhỏ nhất của tôi vẫn được đáp ứng.
Chúng tôi định nghĩa sang trọng là tổng thể những trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cao. Chúng tôi cung cấp những trải nghiệm đúng theo mơ ước của khách hàng và chạm vào cảm xúc của họ với những ngạc nhiên thú vị.
Khách du lịch sang trọng đến Việt Nam là ai, họ có nhu cầu gì đặc biệt hoặc khó tính hay không?
Anh Phạm Hà: Thế giới xa xỉ bao gồm không gian sinh sống xa xỉ (home luxury), những tiện ích đi cùng (personal luxury) và dịch vụ xa xỉ (luxury of service). Và du lịch xa xỉ (luxury travel) chính là một phần nằm trong phần dịch vụ xa xỉ mà khi nói đến. Chúng ta luôn hình dung về những tiện nghi cao cấp cùng dịch vụ hoàn hảo.
Khách sang trọng chỉ chiếm 5-10% trong tổng lượng khách đến Việt Nam. Khác với khách du lịch đại trà thích đi theo đoàn, khách du lịch cao cấp thường đi riêng với nhau theo nhóm nhỏ với những yêu cầu và đòi hỏi cao như tính riêng tư, những trải nghiệm riêng biệt, độc, lạ, tốt nhất của điểm đến.
Đối tượng của phân khúc này có thể được chia thành năm nhóm: Nhóm sang chảnh, thích thể hiện hình ảnh, thích những trải nghiệm điên, độc, lạ khiến người khác phải ngước nhìn và đây là nhóm truyền thống; nhóm khát khao muốn tận hưởng sự sang trọng khi có điều kiện; nhóm chuyên tìm kiếm những trải nghiệm mới khi có tiền, và phân khúc này đang tăng cao; nhóm lần đầu trải nghiệm tuần trăng mật; và nhóm khách lớn tuổi, sang trọng nhưng tiết kiệm, thích đi du lịch cùng gia đình.
Nếu được giới thiệu cho du khách một hành trình du lịch sang trọng và ấn tượng, anh sẽ đề xuất hành trình nào?
Anh Phạm Hà: Giờ đây, không có một hành trình nào chung cho tất cả mọi lữ khách sang trọng, mọi trải nghiệm đều phải thửa theo nhu cầu.
Du lịch xa xỉ không còn là một khái niệm bó hẹp trong khuôn khổ các tiện ích cao cấp như khách sạn 5 sao mà là sự trải nghiệm thú vị từ những chuyến du ngoạn đó, cho bạn cơ hội khám phá những vùng đất mới, những nền văn hóa khác nhau theo một cách thức rất riêng, độc đáo, hiếm có, khó tìm, mà phải đáng nhớ.
Ví dụ, bạn đi du lịch với gia đình khác với đi tuần trăng mật hay đi công tác với đối tác nước ngoài trước khi ký hợp đồng hàng triệu đô. Bạn đi nghỉ dưỡng khác với đi thăm quan.
Nếu lần đầu khách đến Việt Nam trong mười ngày, muốn trải nghiệm danh lam thắng cảnh và tốt nhất của tốt nhất tại Việt Nam, tôi sẽ khuyên họ đến ở 3 đêm Deluxe tại khu cũ khách sạn cổ Sofitel Legend Metropole Hà Nội, bay thủy phi cơ xuống Hạ Long, một đêm tại King Suite trên du thuyền Emperor Cruises. Sau đó bay vào Four Season Nam Hai ở Hội An 3 đêm và tôi khuyên khách 3 đêm với phòng Deluxe có hướng bể bơi trước phòng tại Park Hyatt Saigon.
Hiện nay, tầng lớp thượng lưu trong nước có hứng thú với các hành trình du lịch sang trọng trong nước hay không hay họ vẫn thích đi nước ngoài?
Anh Phạm Hà: Nhu cầu đi chơi trong nước hay nước ngoài là nhu cầu tự nhiên của con người và tùy điều kiện và sở thích. Nhiều người Việt Nam khá giả chọn đi du lịch nước ngoài đã là sang trọng và để sưu tập visa các nước. Họ vẫn tiếp tục tìm đến những điểm mới để đến mỗi năm vì thế giới có quá nhiều nơi tuyệt vời để đến trong danh sách yêu thích của họ.
Nhiều khi đi nước ngoài còn rẻ hơn đi trong nước do đường bay thuận tiện và các điểm đến luôn có những đổi mới để thu hút khách quay trở lại.
Nhưng đi rồi trở về mới thấy Việt Nam chúng ta tuyệt đẹp, khi đi nghỉ cùng gia đình khách du lịch hạng sang thường đi cùng gia đình và chọn những trải nghiệm mới và Việt Nam ngày càng nhiều điểm đến hấp dẫn mới những khu nghỉ mát sang trọng, du thuyền đẳng cấp. Chúng tôi cũng có nhiều gia đình chọn tours sang trong nước với Luxury Travel.
Năm 2017 là năm bùng nổ của du lịch với lượng khách quốc tế tăng cao, công ty anh có hưởng lợi gì từ tình hình này không?
Anh Phạm Hà: Bùng nổ là từ hơi quá để chỉ sự phát triển du lịch Việt Nam năm qua. Nhìn vào con số 13 triệu lượt có tới 9,8 triệu đến từ thị trường châu Á, chỉ 1,9 triệu đến từ châu Âu, vỏn vẹn 817.000 lượt đến từ châu Mỹ và 420.000 lượt từ châu Úc. Rõ ràng, cơ cấu nguồn khách rất ko cân đối, quá chênh lệch, nhất là từ châu Âu và châu Á.
Thứ hai, thị trường châu Á, khách Trung Quốc chiếm tới 1/2 (4 triệu lượt) và chiếm 1/3 tổng khách tới Việt Nam. Ai cũng biết, thị trường khách Trung Quốc kém chất lượng như thế nào, chưa kể phần lớn nhập cảnh vào Việt Nam với các mục đích làm ăn hoặc buôn bán qua cửa khẩu, thuần tuý du lịch rất ít.
Còn khách Hàn Quốc cũng không kém cạnh khi đạt con số 2,4 triệu lượt. Phần đông là người Hàn sinh sống ở Việt Nam xuất nhập cảnh ra vào. Nếu là khách du lịch, cũng ko tới lượt các công ty Việt Nam tiếp nhận và phục vụ. Tình trạng này giống hệt với khách Trung Quốc.
Như vậy, chỉ tính khách Hàn và Trung thôi, số lượng đã chiếm phân nửa tổng khách vào Việt Nam trong năm qua. Trong khi đó, những thị trường khách có chất lượng đến từ châu Âu và Mỹ chưa tăng trưởng mạnh.
Chúng tôi không phủ nhận việc miễn visa cho khách Tây Âu giúp công ty chúng tôi tăng trưởng tốt, có thị trường tăng 20-30% và chúng tôi đã mở thêm thị trường Ý để tận dụng cơ hội này.
Là người hoạt động lâu năm trong ngành du lịch, anh trăn trở nhất về những vấn đề gì đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của du lịch?
Anh Phạm Hà: Tôi thấy du lịch Việt Nam thiếu một tầm nhìn chiến lược lâu dài, phát triển manh mún, mạnh ai ấy làm và không bền vững. Theo tôi bốn vấn đề lớn nhất của du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng và cần cụ thể hóa bằng hành động ngay và luôn: Thứ nhất là cơ chế chính sách cho du lịch và vì du lịch, thứ 2 là yếu tố con người, thứ 3 là sản phẩm du lịch, thứ 4 là xúc tiến du lịch hiệu quả.
Bộ Chính trị đầu năm ngoái ra Nghị quyết về phát triển du lịch, Chính phủ cũng đang thực hiện những giải pháp phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn. Theo anh, nên ưu tiên thực hiện những giải pháp nào để thúc đẩy phát triển du lịch nhanh và bền vững?
Anh Phạm Hà: Cần nhanh chóng chuyển từ Nghị quyết sang hành động cụ thể của Chính phủ, từ trung ương tới địa phương. Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức về du lịch của quan trí các cấp. Họ phải nhận thức được du lịch là kinh tế, làm ra tiền, công ăn việc làm cho địa phương.
Trong nhiều hội thảo du lịch tôi vẫn đề xuất một Bộ du lịch, trực thuộc Chính phủ, hoạt động độc lập từ trên trung ương xuống địa phương hiệu quả theo mô hình Thái Lan.
Trong bốn vấn đề tôi nêu trên, cần ưu tiên tập trung vào tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, kiến tạo cho doanh nghiệm làm những gì mà luật không cấm.
Chúng tôi thấy cơ sở cảng thủy nội địa quá thô sơ để phát triển du lịch sông Hồng. Cảng của thủ đô Hà Nội mà thua xa cả Sài Gòn và Đà Nẵng, không có cảng du lịch đường thủy thuận tiện cho du khách đi và đến Hà Nội, kết nối với Hạ Long, Hải Phòng và Ninh Bình, Nam Định. Cần phải làm sông Hồng vĩ đại trở lại như vua đường thủy Bạch Thái Bưởi đã làm hồi đầu thế kỷ 20. Phát triển du lịch sông Hồng là điểm khác biệt lớn của du lịch Thủ đô, tại sao không?
Hiện nay đầu tư khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang bùng nổ, đây là tín hiệu đáng mừng hay đáng lo?
Anh Phạm Hà: Du lịch Việt Nam thiếu dự báo, tầm nhìn và phát triển không bền vững và quá nóng. Nhiều nơi xây dựng phát nát cảnh quan và làm hỏng tài nguyên du lịch như Sapa, Bà Nà, Nha Trang, Phú Quốc. Hơn 20 năm tôi làm du lịch chưa khách nước ngoài nào đặt tour đi cáp treo, họ đến Sapa không phải để đi cáp treo.
Nha Trang ồ ạt đón khách Trung Quốc và khách Nga, nên các khách sạn mọc nên như nấm phục vụ khách đại trà, thiếu kiến trúc, phá vỡ cảnh quan đã làm khách Châu Âu không đến Nha Trang nước và sẽ đáng lo ngại khi khách Trung Quốc không còn trào lưu đến Nha Trang nữa sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa. Kéo khách sang trở lại Nha Trang là điều rất khó khăn.
Phú Quốc phát triển quá nhanh và quá nóng cũng không tốt. Vịnh Hạ Long ngày một ô nhiễm và bị cấm đoán nhiều thứ. Du lịch Việt Nam không cần nhất thiết phải chạy theo con số, phải tăng số lượng khách đến mà nên tập trung vào chất lượng khách đến và chất lượng điểm đến. Tôi đang thấy buồn nhiều hơn là vui.
Vừa vận hành công ty du lịch nhưng anh cũng rất thường xuyên đi du lịch, anh có thể kể lại trải nghiệm mà ông ấn tượng nhất từ trước đến nay?
Anh Phạm Hà: Tôi vẫn thường nói với nhân viên công ty là các em làm một nghề hạnh phúc nhất thế giới là làm người khác hạnh phúc. Tôi cũng hạnh phúc được đến nhiều nơi, mỗi nơi tôi đến trải nghiệm đều thú vị, học được cách họ chạm vào trái tim của mình như thế nào và truyền cảm hứng cho đội ngũ của mình, suy nghĩ như khách hàng hiểu mong muốn của họ.
Tôi đi trên 60 nước trên thế giới, khi đến Nam Phi cậu lái xe biết tôi là người Việt Nam khoe là cậu ấy thích món ăn Việt Nam mà cả Cap Town chỉ có một quán. Tại sao chúng ta không coi ăn ngon là điểm khác biệt độc đáo của du lịch Việt Nam.
Đến Brazil, người dân bản địa hỏi họ có biết Việt Nam không? Họ nói không. Tôi trả lời gần Thái Lan thì họ biết. Nhiều người bạn Mỹ chỉ biết đến chiến tranh Việt Nam, cho thấy chúng ta xúc tiến hình ảnh quốc gia còn kém quá.
Hành trình thú vị nhất của tôi là khách mời trải nghiệm sang trọng cho khách VIP của Tổng cục Du lịch Thái Land mời, đi máy bay riêng, đường ra riêng từ máy bay ra xe limousine, tôi không cần làm thủ tục an ninh tại sân bay, xe tuk tuk dẫn đường. Tổng giám đốc Banyan Tree ra đón tại sảnh, gọi đúng tên tôi, ăn tối với chủ nhà tại ngôi nhà cổ tại Bangkok, trải nghiệm spa kiểu Thái, học nấu ăn tai Four Season Chiang Mai, du ngoạn bằng du thuyền trên vịnh Phang Nga phía Nam Thái Lan và lạc lối tại Six Senses Phuket. Không cần nhìn đâu xa, hãy học người Thái làm du lịch!
Hình như anh là một fan hâm mộ hoạ sỹ Phạm Lực, vì trên thuyền Emperor Cruises ở Nha Trang và Hạ Long mà anh là một cổ đông, được trang trí bằng rất nhiều tranh của hoạ sỹ này. Tranh Phạm Lực có gì mà khiến anh mê mẩn đến vậy? Và những bức tranh đó thì có liên quan gì đến du lịch không?
Anh Phạm Hà: Tôi say mê văn hoá và nghệ thuật. Sưu tập tranh là sở thích cá nhân để cân bằng cuộc sống và công việc. Đôi khi ta nên sống chậm lại để cảm nhận cuộc sống tốt hơn, sáng tạo và hạnh phúc trọn vẹn hơn. Tôi luôn làm cái mình thích và thích cái mình làm.
Tranh của họa sĩ Phạm Lực chạm vào cảm xúc của tôi, xem tranh ông tôi sống lại tuổi thơ ấy của mình, ký ức chiến tranh của bố mẹ tôi và những câu chuyện văn hoá lịch sử Việt Nam được ông kể qua mầu sắc, đường nét, hình khối mê hoặc.
Xem tranh ông mọi người đều cảm được phong cách tứ trụ tranh Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, nhưng có chất rất riêng và rất phủi kiểu lính của họa sĩ Phạm Lực. Xem tranh ông, du khách nước ngoài sẽ cảm được văn hoá, lịch sử, cuộc sống, tâm tư tình cảm và sự tiến bộ của cuộc sống qua từng thời kỳ, chiến tranh và hoà bình. Vốn sống của người sống qua hai thế kỷ, tranh ông đa dạng chủ đề, chất liệu, phong cách nhưng đều toát lên được hồn cốt Việt Nam.
Cảm mến và yêu tranh họa sĩ và thấy đây là tài nguyên du lịch tuyệt vời nên tôi đã đưa gần 100 tác phẩm của ông lên du thuyền Emperor Cruises để trưng bày như một bảo tàng nhỏ để giới thiệu cho du khách sang trọng thưởng lãm và trở thành du thuyền nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam. Du khách vô cùng thích thú ý tưởng độc đáo này và tiến tới chúng tôi sẽ tổ chức đấu giá nghệ thuật trên du thuyền. Tôi cũng vừa hoàn thành cuốn sách 400 trang về họa sĩ này với tiêu đề: Picasso Việt Nam, tranh và đời.
Anh cũng có vẻ mê phong cách vua Bảo Đại vì tàu Emperor Cruises cũng đóng theo phong cách vị vua này. Đối với khách du lịch thì phong cách vua Bảo Đại có gì hấp dẫn, và thực tế anh có thấy khách du lịch nước ngoài hứng thú với nét văn hoá hoài cổ mà anh đang truyền tải hay không?
Anh Phạm Hà: Lấy cảm hứng từ cuộc đời và phong cách vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn là vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam, chúng tôi đặt tên du thuyền Emperor Cruises. Ông có dinh thự và biệt điện khắp Việt Nam. Chúng tôi hoạt động đầu tiên ở Nha Trang, ngay cạnh biệt điện Cầu Đá, nơi ông từng đến để nghỉ biển và thăm quan trên du thuyền xưa.
Tôi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và nhân vật lịch sử quan trọng này. Tôi ngưỡng mộ sự tinh tế, nhà cải cách lớn, dân chủ và yêu nước thương dân nên chịu tiếng oan. Kết hợp văn hoá và lịch sử vào trải nghiệm du lịch là hướng đi của tôi và du khách rất thích sự hoài cổ, nhưng gần gũi của lịch sử Việt Nam mà ít nhiều khách được nghe nói tới vị hoàng đế này.
Tôi cũng may mắn được gặp nhà nghiên cứu Huế là Nguyễn Đắc Xuân nên có nhiều thông tin thuộc loại thâm cung bí sử và những tư liệu quý, hiện vật về cựu hoàng Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương và hoàng gia. Nhiều hiện vật và ảnh cổ vào dạng cực hiếm được trưng bày trên du thuyền nghệ thuật của chúng tôi.
Một điều thú vị nữa là họa sĩ Phạm Lực vẽ tặng một bức chân dụng cựu hoàng Bảo Đại tặng riêng tôi vì biết tôi say mê nghiên cứu vị hoàng đế cuối cùng này. Bức này đóng khung gỗ sồi và hiện được trưng bày trang trọng tại Cần Chánh Điện trên Emperor Cruises Halong.
Bài: Giang Sơn
Thiết kế: Cococo
9/2/2018