Nhân viên nghỉ việc không phải vì rời bỏ công ty mà họ muốn bỏ sếp của mình

Đặng Hoa - 08:44, 12/04/2018

TheLEADERĐại diện Tổ chức lao động quốc tế cho rằng cần thay đổi tư duy của người lãnh đạo theo hướng coi nhân viên là trung tâm tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp thì mới có thể giữ được nguồn lao động chất lượng cao.

Hiện nay, vấn đề nhân lực đang là một thách thức rất lớn khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nổ ra với sự tham gia mạnh mẽ hơn của máy móc và robot đang dần thay thế con người đồng thời đặt ra một yêu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một báo cáo mới nhất của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho thấy, Việt Nam có lực lượng lao động hiệu quả dồi dào và mức tiền lương tương đối thấp. Đây là yếu tố giúp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu cần nhiều lao động. Kể từ năm 2012, sản xuất công nghiệp đã hấp thụ trung bình 400.000 lao động mỗi năm.

Tuy nhiên, ADB cũng chỉ ra rằng sự thiếu hụt kỹ năng lao động nổi lên như một rào cản đối với việc thu hút FDI và hoạt động kinh doanh nói chung. Trong báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã nêu “lực lượng lao động chưa được đào tạo đầy đủ” là hạn chế lớn thứ hai trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Tương tự, khảo sát lao động của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, tìm được ứng cử viên cho các vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề cao hơn là một thách thức lớn cho hầu hết các doanh nghiệp, khoảng 70% - 80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 cũng chỉ ra rằng 55% doanh nghiệp khẳng định khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Còn theo số liệu điều tra của viện Khoa học Lao động Xã hội, 2/3 số doanh nghiệp Việt Nam cho biết, phần lớn người lao động thiếu hụt kĩ năng cần thiết cả về chuyên môn và các kỹ năng nòng cốt khác như kỹ năng về kỹ thuật.

Tuy nhiên, có một vấn đề là trong khi hầu hết các doanh nghiệp đều nhận ra vấn đề này thì không mấy doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư chi phí để đào tạo nhân viên của họ.

Trao đổi với TheLEADER, ông Stephan Ulrich, Quản lý dự án Vùng dự án phát triển doanh nghiệp bền vững của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp lo sợ thiệt hại lớn về chi phí đào tạo khi người lao động có xu hướng tìm đến các công ty trả lương hậu hĩnh hơn để làm việc sau khi hoàn thành khóa đào tạo.

ILO: Nhân viên không rời công ty, họ rời bỏ người quản lý
Ông Stephan Ulrich

Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà có thể thấy rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới; và đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp.

Theo ông Stephan Ulrich, cần có sự chia sẻ về chi phí đào tạo giữa khu vực công và khu vực tư nhân bằng việc phối kết hợp tổ chức các khóa đào tạo để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đại diện ILO cũng nhìn nhận rằng các doanh nghiệp cần có cái nhìn rõ ràng hơn và đặc biệt là thay đổi tư duy lãnh đạo coi mình là trung tâm.

“Theo kinh nghiệm của tôi, lao động không rời bỏ công ty mà họ rời bỏ sếp của mình. Về cơ bản, các doanh nghiệp và đặc biệt là các nhà lãnh đạo cần đảm bảo rằng nhân viên của họ thấy được tiềm năng phát triển của công ty sẽ mang lại cơ hội thăng tiến cho họ, đồng thời cho họ thấy được sự tôn trọng từ chính người quản lý của mình”, ông Stephan Ulrich chia sẻ.

Theo đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi lối tư duy cũ mòn của mình sang hướng coi nhân viên là trung tâm tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; có như vậy thì mới có thể giữ chân được người tài.

Ông Stephan Ulrich cho biết, theo thống kê có 33% công ty cho rằng làm việc nhóm và 31% cho rằng khả năng trao đổi là quan trọng, đây là những kỹ năng thường được hình thành và đào tạo trong quá trình lao động tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu chỉ có nguồn nhân lực tốt mà chưa có quản trị tốt thì không đi đến đâu cả.

Về trình độ quản lý doanh nghiệp, đại diện ILO nhìn nhận Việt Nam chỉ đứng cùng với các quốc gia như Kenya hay Nigeria chứ chưa thể đạt đến tầm như các quốc gia như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cao cho phát triển

Trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Stephan Ulrich cho rằng Việt Nam sẽ đạt được nhiều lợi ích kinh tế to lớn. Đặc biệt, một số ngành công nghiệp chủ chốt như dệt may hay da giày, những ngành nghề tập trung lượng lớn lao động của Việt Nam sẽ hưởng nhiều lợi ích hơn.

Để chuẩn bị cho lực lượng lao động giai đoạn này, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao, ông Stephan Ulrich khuyến nghị Việt Nam cần mở rộng đào tạo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy học sinh tham gia 4 bộ môn gồm: khoa học, công nghệ, toán và kỹ thuật để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn trong tương lai.

Ông nhìn nhận, các kiến thức được giảng dạy cần bám sát thực tế và đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giáo dục đào tạo và khởi nghiệp cần cải cách; sự kết nối giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực đào tạo cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Trong khi đó, ADB cho rằng để thu hẹp sự thiếu hụt kỹ năng lao động, Việt Nam cần ưu tiên cho ba nhóm sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả các trường đại học và hệ thống trường dạy nghề: mở rộng tiếp cận, cải thiện chất lượng, và tinh giản quản trị.

ADB cho rằng những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có thể phải mất một thế hệ mới đạt được kết quả, do vậy cần phải bắt tay vào công tác hiện đại hoá trường đại học và đào tạo nghề từ bây giờ. Làm vậy để đảm bảo rằng vấn đề lao động thiếu hụt tay nghề sẽ không trở thành nút thắt nghẽn cản trở tương lai phát triển và tăng trưởng của đất nước.