Nhiều cơ hội đưa Việt Nam thành thị trường mới nổi

Linh Lan - 07:50, 28/02/2018

TheLEADERDanh sách dày đặc các doanh nghiệp nhà nước tiến hành IPO đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư, thị trường cận biên (frontier market) là một chiếc hộp đen chứa đầy sự bất ổn, với những hạn chế điển hình như quản lý thiếu chặt chẽ, tiền tệ biến động và năng lực quản trị doanh nghiệp kém.

Tuy nhiên, chính sự bất an của các nhà đầu tư lại tạo ra một số cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với các loại tài sản.

Ông Charles Sunnucks, chuyên gia từ công ty quản lý quỹ Jupiter Global, giải thích rằng nền kinh tế Việt Nam quá khứ phần lớn bị cô lập khỏi đầu tư và thương mại nước ngoài, nên chưa phát triển so với khu vực. Tuy nhiên, quá trình cải cách gần đây, Việt Nam đã tạo ra nhiều cơ hội đáng kể cho những doanh nghiệp có khả năng thích ứng và tận dụng được thời cơ từ những thay đổi đó.

Nhà phân tích này cho biết: "Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi, mở cửa nền kinh tế từ mô hình kinh tế tập trung”. Trên thực tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam đã chứng kiến những thành công rõ rệt. Hiện nay, các đợt IPO quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trước đây, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán đã bị giới hạn phần nào bởi các quy định liên quan đến số cổ phần tối đa mà họ được quyền nắm giữ.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đang dần nới lỏng quyền sở hữu nước ngoài và trong một số trường hợp, các giới hạn dành cho nhà đầu tư ngoại đã được gỡ bỏ hoàn toàn. Khi khả năng tiếp cận thị trường được cải thiện, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để chuyển từ cấp độ thị trường cận biên (fromtier market) thành thị trường mới nổi (emerging market).

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng sự tăng trưởng của Việt Nam không diễn ra một cách thực sự suôn sẻ trong thập kỷ qua. Bên cạnh những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Việt Nam cũng phải chịu đựng chu kỳ tín dụng thậm chí còn sâu sắc hơn vào năm 2012 do mức nợ công cao. 

Tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong các quy định kiểm soát của nhà nước. Lợi nhuận của nhiều ngân hàng Việt Nam trên thực tế mới chỉ bắt đầu phục hồi nhờ vào mức lạm phát ổn định và tăng trưởng tín dụng gần đây.

Tuy nhiên, theo chuyên gia của Jupiter Global, trong khi Việt Nam đã tiến hành một số thay đổi cấu trúc tích cực - bao gồm việc cải thiện các quy định và thắt chặt các khoản cho vay lớn đối với các doanh nghiệp nhà nước - thì một số vấn đề liên quan đến hoạt động cho vay vẫn còn tồn tại.

Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng có thể giảm xuống mức thấp sau gia đoạn tăng trưởng nhanh gần đây và sự hạn chế của bảo hiểm tín dụng tiêu dùng đặt ra nhiều thách thức mới về chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Cơ hội tăng trưởng mà Việt Nam đang có được không chỉ giới hạn ở trong nước. Trên thực tế, nhiều công ty trong khu vực đang ngày càng chuyển hướng sản xuất hoặc triển khai các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business 2017) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tăng 14 bậc, xếp thứ 68 trong số 190 nền kinh tế. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong bốn nền kinh tế hàng đầu tại Đông Nam Á.