Nhiều lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế sẽ đối mặt với khó khăn

Quỳnh Chi - 14:52, 21/05/2018

TheLEADERTăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất trong vòng 10 năm qua song tốc độ tăng trưởng được Chính phủ dự báo là có xu hướng giảm dần trong năm nay.

Nhiều lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế sẽ đối mặt với khó khăn
Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh: VGP

Trình bày báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ tại khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, tăng trưởng GDP quý I/2018 ở mức cao nhất 10 năm qua, đây được đánh giá là một "điểm sáng" của nền kinh tế.

Đạt được kết quả này là nhờ sự tăng trưởng của cả 3 khu vực bao gồm: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. 

Đặc biệt, ngành nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% so với cùng kỳ năm ngoái (2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái (4,48%). Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7%. Sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng tăng mạnh.

Nền kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. 

Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết; tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 21,8%. Đã mở thêm thị trường xuất khẩu cho một số hàng nông sản như vú sữa, thanh long, vải, chôm chôm, thịt gà...

Về đầu tư phát triển, vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tính 4 tháng đầu năm đạt 70.942 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017 song giải ngân mới ước đạt 16,3% dự toán, thấp hơn cùng kỳ. Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/4/2018 ước đạt 8,06 tỷ USD, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp. 

Thời gian qua, Chính phủ đã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng được thực hiện quyết liệt hơn so với thời gian trước.

Đáng chú ý là việc xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát lớn đã đạt kết quả bước đầu, giảm thua lỗ và một số dự án có lãi. Trong số 12 dự án thua lỗ, thất thoát, có 2 dự án đã có lãi và cắt giảm được lỗ lũy kế là dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1-Hải Phòng; dự án khai thác và tuyên tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM).

Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo cần được xem là động lực

Mặc dù tăng trưởng GDP quý I/2018 ở mức cao song Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận một mặt do tình hình kinh tế quý này rất tích cực, mặt khác do tăng trưởng GDP quý I/2017 đạt thấp (5,15%), do vậy, Chính phủ dự báo tăng trưởng cả năm 2018 có nguy cơ giảm dần.

Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, nhiều lĩnh vực sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định so với năm 2017. Chẳng hạn, sản lượng của ngành khai khoáng, đặc biệt là dầu thô sẽ giảm; dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển có khả năng gặp khó khăn; 

Xuất khẩu mặc dù tăng trưởng tốt song chưa có yếu tố bứt phá rõ ràng như năm 2017 có Samsung và Formosa vượt lên về xuất khẩu. 

Thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng trong khối ASEAN giảm cũng có khả năng tác động làm giảm tăng trưởng trong năm 2018.

Ngoài ra, phát triển doanh nghiệp thành lập đã tăng chậm lại mặc dù đạt số lượng lớn doanh nghiệp thành lập mới trong thời gian qua; doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh còn thấp. 

Do đó, Chính phủ nhấn mạnh cần tập trung phát triển khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo; đây là động lực để đem lại kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phấn đấu tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP; trong đó tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân khoảng 41%, thu hút có chọn lọc các dự án FDI công nghệ cao, thân thiện với môi trường. 

Đặc biêt, cần tập trung vốn đầu tư công cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm; rà soát hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, ngành, lĩnh vực, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư.