Nhiều nhà đầu tư Nhật e ngại luật pháp Việt Nam vẫn còn 'thiếu minh bạch'

Lam Điền - 10:49, 11/09/2017

TheLEADERTheo JETRO, vẫn có tới 40% doanh nghiệp Nhật băn khoăn tới vấn đề “chế độ luật pháp chưa hoàn thiện, thực thi luật pháp thiếu minh bạch, thủ tục hành chính -cấp phép- phiền hà”.

Nhiều nhà đầu tư Nhật e ngại luật pháp Việt Nam vẫn còn 'thiếu minh bạch'
Các dự án đầu tư của Nhật vào Việt Nam năm 2016 chủ yếu là quy mô nhỏ.

Theo Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), xu hướng gần đây đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam đã giảm mạnh các dự án đầu tư lớn do sự tiến triển và định hình của quá trình đồng Yên giảm giá, do các doanh nghiệp lớn đã đầu tư hết một vòng, hiện nay chủ yếu là các dự án đầu tư quy mô vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật đã đầu tư vào Việt Nam

Theo số liệu từ JETRO, năm 2016, đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam (vốn được cấp phép) là 336 dự án, trong đó, ngành chế tạo chiếm gần 30%. 

Trong đó, hầu hết dự án đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam chỉ ở quy mô vừa và nhỏ: Dự án dưới 5 triệu USD chiếm đến 90%; Dự án quy mô dưới 500.000 USD chiếm trên 60%.

Số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam năm 2016 chia theo ngành nghề, qui mô. Nguồn: JETRO

Cũng theo JETRO, tỷ lệ đầu tư vào ngành chế tạo vốn là lĩnh vực đầu tư chính của Nhật Bản đang giảm. Trái lại, tỷ lệ các ngành phi chế tạo như phân phối bán lẻ, công nghệ thông tin (IT), tư vấn lại tăng lên.

Theo khảo sát của JETRO về xu hướng tham vấn thông tin đầu tư vào Việt Nam gần đây, trong số các cuộc truy vấn thông tin về đầu tư năm 2016, tỷ lệ các ngành phi chế tạo chiếm tới 70%. 

Trong các ngành phi chế tạo, nổi bật là động thái mong muốn thành lập cơ sở bán hàng, bên cạnh đó, động thái hướng vào nhu cầu nội địa Việt Nam của nhiều ngành dịch vụ cũng khá nổi bật.

Trong số các doanh nghiệp hướng vào nhu cầu của thị trường nước ngoài, có một số doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam vì lý do thiếu nhân lực tại Nhật Bản.

Dẫn ý kiến của doanh nghiệp Nhật Bản muốn chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, JETRO cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị văn phòng đang di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới, nhà đầu tư này cân nhắc để xây dựng nhà máy tại Việt Nam về chế tạo linh kiện điện tử.

"Chúng tôi có 3 nhà máy tại Trung Quốc, nhưng do chi phí tại Trung Quốc tăng, khách hàng của chúng tôi đang chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, nên chúng tôi đang xem xét để đầu tư vào Việt Nam (lĩnh vực nhôm đúc)", một nhà đầu tư Nhật Bản khác tại Trung Quốc cho hay.

Mặc dù phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về qui mô, tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam cũng như chi phí nhân công giá rẻ, nhưng theo khảo sát của JETRO, vẫn có tới 40% doanh nghiệp nói tới vấn đề “chế độ luật pháp chưa hoàn thiện, thực thi luật pháp thiếu minh bạch”, “cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện”, “thủ tục hành chính (cấp phép) phiền hà”.

Dù vậy, trong khoảng 1-2 năm tới, 67% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam có định hướng "mở rộng", tỷ lệ cao hơn các nước khác. "Các doanh nghiệp vẫn nhìn nhận Việt Nam là một cơ sở quan trọng", JETRO cho biết.

Trong đó, lý do chính của việc "mở rộng" là "tăng doanh thu" (88%). Trong ngành phi chế tạo, trên 60% nói đến "tính tăng trưởng, tiềm năng lớn".