Nhiều yếu tố đang hỗ trợ giảm lãi suất

Minh An - 17:20, 09/08/2017

TheLEADERNhận định của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia trong báo cáo mới nhất.

Nhiều yếu tố đang hỗ trợ giảm lãi suất

Báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia mới đây đưa ra nhận định, việc giảm lãi suất trong những tháng cuối năm đang có nhiều yếu tố hỗ trợ.

Theo đó, áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn và mục tiêu lạm phát nhiều khả năng đạt dưới mức Quốc hội đề ra là 4%.

Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) 5 tháng còn lại của năm 2017 chỉ còn khoảng 25% kế hoạch, lợi suất TPCP các kỳ hạn cũng đồng loạt giảm 0,2 – 0,3 điểm % so với thời điểm cuối tháng 6, tạo điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất khu vực ngân hàng.

Cuối cùng, động thái từ nhà điều hành chính sách đang hỗ trợ lớn cho việc giảm lãi suất sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn đã giảm xuống 6,25% từ mức 6,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm xuống 4,25% từ mức 4,5%/năm. Lãi suất liên ngân hàng giảm xuống 7,25% xuống 7,5%/năm.

Mức lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên giảm về mức 6,5%, cá biệt một số ngân hàng thương mại giảm về 6%/năm, thấp hơn mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt, Ủy ban giám sát tài chính nhận định: nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.

Báo cáo cũng cho biết, sau 7 tháng tín dụng tăng trưởng 9,3% so với cuối năm 2016. Cùng kỳ năm ngoái, tín dụng tăng khoảng 8,8%.

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây, mục tiêu tín dụng cả năm được yêu cầu đưa lên 20 hoặc trên 20% trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.

Hồi đầu năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước nhắc đến là 18%. Song mới đây, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm được nhắc đến là từ 18 đến 20%.

Cũng tại buổi làm việc này, mục tiêu giảm lãi suất cũng được đặt ra với con số từ 0,5 đến 1%. Hiện dư nợ tín dụng của Việt Nam khoảng trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì các doanh nghiệp dành được 50.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, làm sao để tín dụng không “chảy” vào một số "đại gia" mà phải chảy vào doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tức là chảy vào đầu tư sản xuất, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp.