"Nhốt" quyền lực của Trưởng Đặc khu

Ngọc Lan - 10:41, 25/10/2017

Khẳng định quan điểm của tỉnh Quảng Ninh về xây dựng bộ máy đặc biệt của Đặc khu Vân Đồn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành cho rằng: Để có một nền hành chính hiện đại, bộ máy tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và đề cao trách nhiệm người đứng đầu thì Đặc khu phải có bộ máy đủ thẩm quyền nhưng tinh gọn nhất, xử lý nhanh nhất và hiệu quả nhất tất cả những vấn đề phát sinh của xã hội.

Chính vì vậy, trong Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất phương án hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền của Đặc khu theo hướng không tổ chức HĐND và UBND mà là Trưởng Đặc khu, có bộ máy giúp việc chung cho cả cấp ủy và chính quyền trên cơ sở hợp nhất, sắp xếp lại cơ quan tham mưu của cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền.

Việc xây dựng 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc đang được cả nước kỳ vọng sẽ đem lại những đột phá mới cho sự phát triển của đất nước. Từ mong muốn này, 3 địa phương (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang) khi xây dựng Đề án cũng đã đề xuất những điều đặc biệt từ người đứng đầu, đó là Trưởng Đặc khu. Người được trao thẩm quyền “đặc biệt” trong quyết định và tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và phân cấp, ủy quyền của chính quyền địa phương tỉnh và cơ quan nhà nước cấp trên; thực hiện quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động hành chính của Đặc khu. Thêm nữa, tiến hành nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng bộ đồng thời là Trưởng Đặc khu Vân Đồn.

Đã có nhiều ý kiến quan tâm về việc "nhốt" quyền lực của Trưởng đặc khu như thế nào? Phương án này đã được các địa phương tính đến khi xây dựng đề án trình trung ương xem xét, đó là Trưởng Đặc khu phải chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát bởi các cơ quan Trung ương và tỉnh theo quy định của Hiến pháp, Điều lệ Đảng và các văn bản pháp luật hiện hành. Đó là: Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; Tỉnh ủy; Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; cơ quan Thanh tra tỉnh và các sở, ngành của tỉnh thực hiện theo thẩm quyền được giao. Trưởng Đặc khu và cơ quan nhà nước ở Đặc khu còn chịu sự giám sát của nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở Đặc khu theo quy định.

Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác kiểm soát quyền lực, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định thành lập một cơ quan giám sát, kiểm tra độc lập gồm các thành viên là đại diện bộ, ngành, đại diện thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh, thành viên chuyên trách, chuyên gia, đại diện nhà đầu tư chiến lược và đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại Đặc khu. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và điều kiện hoạt động của cơ quan này do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Xây dựng đặc khu với bộ máy đặc biệt nhưng không có nghĩa tách rời khỏi sự lãnh đạo của Đảng mà hoạt động và hệ thống tổ chức Đảng trong Đặc khu Vân Đồn thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng bộ Đặc khu trực thuộc Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Dưới Đảng bộ Đặc khu là chi, đảng bộ cơ sở ở các Khu hành chính; các cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc Đặc khu gọi là tổ chức cơ sở Đảng; các đảng bộ cơ sở có các chi bộ trực thuộc.

Khi Đặc khu Vân Đồn thành lập và đi vào hoạt động, trước mắt thành lập 8 cơ quan, 12 khu hành chính trực thuộc. Cụ thể, Văn phòng; Ban Tổ chức và quản lý nhân lực; Ban Kinh tế; Ban Phát triển hạ tầng; Ban Tài nguyên – Môi trường; Ban Thanh tra - Kiểm tra; Ban Chính sách xã hội; Ban Tuyên truyền - Vận động. Các khu hành chính gồm: Cái Rồng, Đài Xuyên, Bình Dân, Vạn Yên, Minh Châu, Đoàn Kết, Hạ Long, Đông Xá, Bản Sen, Thắng Lợi, Quan Lạn, Ngọc Vừng. 

Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, căn cứ vào sự phát triển của Đặc khu, Trưởng Đặc khu xem xét quyết định thành lập, giải thể hoặc tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, tham mưu giúp việc phù hợp với thực tiễn theo từng thời điểm trên cơ sở số lượng do Quốc hội quy định. Bộ máy chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có sự tham gia của lĩnh vực tư nhân (nhà đầu tư chiến lược) theo mô hình “lãnh đạo công - quản trị tư”.

Cá nhân phải chịu trách nhiệm đến cùng - đó là quan điểm của tỉnh Quảng Ninh khi đề xuất phương án quản trị, điều hành ở Đặc khu, nhằm khắc phục những bất cập trong tổ chức bộ máy hiện nay.

Theo Đề án xây dựng đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đề xuất lựa chọn phương án hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền theo hướng không tổ chức HĐND và UBND mà được tổ chức là một thiết chế được gọi là Trưởng Đặc khu Vân Đồn, có bộ máy giúp việc chung cho cả cấp ủy và chính quyền trên cơ sở hợp nhất, sắp xếp lại cơ quan tham mưu của cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền. Trưởng Đặc khu Vân Đồn thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc cho Trưởng đặc khu dự kiến là 8 cơ quan, gồm: Văn phòng; Ban Tổ chức và quản lý nhân lực; Ban Kinh tế; Ban Phát triển hạ tầng; Ban Tài nguyên - Môi trường; Ban Thanh tra - Kiểm tra; Ban Chính sách xã hội; Ban Tuyên truyền - Vận động.

Đồng thời tỉnh cũng đề xuất Đặc khu Vân Đồn được chia thành các khu hành chính trực thuộc trước mắt gồm 12 khu hành chính, là: Cái Rồng, Đài Xuyên, Bình Dân, Vạn Yên, Minh Châu, Đoàn Kết, Hạ Long, Đông Xá, Bản Sen, Thắng Lợi, Quan Lạn, Ngọc Vừng.

Với nền hành chính hiện đại này sẽ khắc phục những bất cập của mô hình tổ chức chính quyền hiện nay.