Những nghịch lý của ngành chè Việt Nam

Đặng Hoa - 17:16, 02/05/2018

TheLEADERMặc dù đang đứng thứ 7 thế giới về sản xuất và thứ 5 thế giới về xuất khẩu song so với các nước trong khu vực, chè Việt đang có giá xuất khẩu thấp nhất, chỉ bằng 60 - 70% giá chè thế giới.

Trong những tháng đầu năm 2018, chè là một trong những mặt hàng có sự giảm sút cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, khối lượng xuất khẩu chè 3 tháng đầu năm đạt 25.000 tấn và giá trị kim ngạch 39 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chè Việt Nam xuất khẩu ở mức chưa cao do chất lượng sản phẩm chè còn thấp cũng như chưa có thương hiệu do đang chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô. Đa phần chè Việt vẫn chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính, rất ít sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU hay Mỹ.

Ông Chu Xuân Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh cho rằng, rào cản kỹ thuật lớn nhất đối với các mặt hàng nông sản Việt trong đó có chè là chất lượng còn thấp, một số còn bị dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất hoặc kháng sinh.

Những nghịch lý của ngành chè Việt Nam
Doanh nhân Chu Xuân Ái.

Nhìn lại vụ việc ngành chè dính nạn chè vàng (chè sơ chế), chè nhiễm bẩn năm 2007, ông Ái nhìn nhận, do người dân còn nhìn vào cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài làm tàn phá các vùng nguyên liệu chè; nhiều doanh nghiệp chế biến trong nước cũng không mặn mà với việc chế biến mà bán lại nguyên liệu cho thương lái Trung Quốc do nguồn lợi thu về quá cao.

Một số người địa phương thu gom chè, do hám lợi đã trộn cả búp cây cúc tần, búp cây chó đẻ, thậm chí còn hồ cả bùn loãng, mạt đá, xi-măng vào chè để tăng trọng lượng, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và thương hiệu chè đã gây dựng trong nhiều năm.

Để phát triển thương hiệu chè Việt, đại diện Hiệp hội Chè cho rằng, cần đẩy mạnh sản xuất và chế biến theo hướng an toàn và hữu cơ hóa, trong đó an toàn thực phẩm là một trong những yếu tố tháo gỡ được nút thắt cho xuất khẩu chè của Việt Nam.

Để làm được điều đó, ông Ái nhận định, Việt Nam cần đẩy mạnh quản lý sản xuất thông qua các tổ chức kinh tế chẳng hạn như hợp tác xã hoặc ít nhất là các câu lạc bộ có điều kiện, tư cách kinh tế đối ứng với các doanh nghiệp thay vì chỉ để doanh nghiệp làm việc trực tiếp với người dân.

Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Chè cho rằng đẩy mạnh xuất khẩu là một chuyện nhưng cần tận dụng được phong cách và văn hóa uống trà trong chính thị trường trong nước để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Khác với các quan điểm hiện nay trong chiến lược thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chè, ông Ái cho rằng, ngành chè cần mở rộng thị phần nội địa trong bối cảnh xuất khẩu đạt giá trị không cao.

Ông Ái giải thích, giá trị xuất khẩu chè của Việt Nam hiện chỉ ở mức trung bình khoảng 1,6 - 2 USD/kg trong khi người thưởng trà Việt Nam có xu hướng chọn các sản phẩm có giá trị tầm 180 – 200 nghìn đồng/kg (tương đương 7,9 – 8,8 USD/kg) là các sản phẩm đặc sản.

Như vậy, rõ ràng người Việt sẽ có thể mang lại giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều cho sản phẩm chè Việt Nam.

“Hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng cứ xuất khẩu là thu lợi cao nhưng điều này lại không đúng với ngành chè. Mỗi năm ngành chè phấn đấu mãi mới được khoảng 200 triệu USD toàn ngành trong khi các ngành khác toàn đạt mức hàng tỷ USD”, ông Ái nhìn nhận.

Doanh nhân Chu Xuân Ái: Mở rộng nội tiêu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè
Văn hóa thưởng trà cần được khai thác để làm tăng giá trị cho sản phẩm chè Việt.

Dù giá trị không cao nhưng ông Ái nhận định không thể bỏ việc sản xuất và xuất khẩu chè bởi lẽ ngành chè mang tính chất kinh tế xã hội vùng, không có cây nào thay thế được, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Do vậy, đại diện hiệp hội chè tái khẳng định cần nâng cao chất lượng, an toàn của chè Việt Nam để phát triển thương hiệu, làm tăng giá trị xuất khẩu tới các thị trường lớn; đồng thời mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng, thúc đẩy sự phát triển của ngành chè Việt Nam.