Những nút thắt đầu tư ở Việt Nam trong mắt chuyên gia Nhật Bản

Quỳnh Chi - 08:10, 24/05/2018

TheLEADERTrưởng đại diện JICA Nhật Bản đánh giá, thủ tục phê duyệt còn khá phức tạp và mất thời gian đồng thời việc Việt Nam muốn hạn chế nợ công có thể khiến nhiều dự án đang triển khai phải dừng lại.

Những nút thắt đầu tư ở Việt Nam trong mắt chuyên gia Nhật Bản
Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Tetsuo Konaka.

Đảm nhận vị trí trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) kể từ tháng 3/2018, ông Tetsuo Konaka cho biết kể từ khi nhận nhiệm vụ mới, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đến tìm gặp và tham vấn ý kiến về việc đầu tư tại Việt Nam, đây là dấu hiệu cho thấy kỳ vọng rất cao của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam.

Theo thống kê của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cũng như của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), nhiều doanh nghiệp nước này cho biết trong kế hoạch trung và dài hạn đều muốn mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam.

“Có thể thấy thị trường Việt Nam là một địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo khảo sát của JBIC, nếu trong năm ngoái Việt Nam chỉ đứng thứ 4 trong số các nước hấp dẫn đầu tư thì năm nay đã vươn lên đứng ở vị trí thứ 3”, ông Tetsuo Konaka cho biết.

Cũng theo ông Tetsuo Konaka, các dự án của JICA tại Việt Nam hiện đang tiến triển thuận lợi hơn so với các dự án tại các quốc gia khác, có được điều này là do nền chính trị ổn định, giao lưu cấp cao giữa Chính phủ hai nước diễn ra thường xuyên.

Mặc dù vậy, lãnh đạo JICA cũng nhìn nhận những khó khăn trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong việc chậm thanh toán cho các dự án vốn vay ODA cũng như chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến các dự án ODA.

Do ảnh hưởng của việc muốn hạn chế nợ công tại Việt Nam, nhiều dự án đang triển khai cũng có thể phải dừng lại.

Cụ thể, tại Việt Nam, Quốc hội đã ra quyết định về mức trần giới hạn tỉ lệ nợ công (65% GDP) tại Nghị quyết Quốc hội năm 2012. Từ năm 2015, Chính phủ đã đặt mức giới hạn vay tối đa trong 1 năm đối với các dự án vốn vay ODA căn cứ theo Luật Ngân sách nhà nước.

Thêm vào đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn (MPIP) được phê duyệt vào tháng 11/2016 thể hiện chính sách tăng cường kiểm soát nợ công ở mức cao hơn, dẫn đến việc chậm thanh toán cho các dự án vốn vay ODA, trong đó có các dự án của JICA, và tình hình ngày càng trở nên trầm trọng.

Ngoài ra, các vấn đề chung trong quá trình thực hiện của nhiều dự án ODA (bao gồm dự án vốn vay, dự án viện trợ không hoàn lại, dự án hợp tác kỹ thuật) vẫn là sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt từ phía các cơ quan Chính phủ Việt Nam, chậm giải phóng mặt bằng...

Chính phủ Nhật Bản cùng với các nhà tài trợ lớn khác đã có những cuộc đối thoại cấp cao với Chính phủ Việt Nam, nhờ đó phân bổ ngân sách năm tài khóa 2018 có những chuyển biến rõ rệt.

Chính phủ Nhật Bản vẫn đang tiếp tục đề nghị Việt Nam phân bổ thêm ngân sách cho một số dự án hiện đang thiếu vốn như dự án đường sắt đô thị TP.HCM - tuyến số 1 hay một số dự án khác do Bộ Giao thông vận tải làm chủ quản.

“Trong thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam và sẽ đàm phán ở nhiều cấp độ khác nhau cũng như có những tác động để có được một giải pháp thuận lợi, hỗ trợ tích cực hơn cho quá trình đầu tư tại Việt Nam”, ông Tetsuo Konaka nói.

JICA sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác với Chính phủ Việt Nam ở mức độ cao hơn và mong muốn được thảo luận về các vấn đề như lập dự án ưu tiên cao, thực hiện triển khai dự án một cách hiệu quả, thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực.

Theo lãnh đạo JICA, Việt Nam và Nhật Bản cần có các hợp tác về kỹ thuật cũng như các chương trình tập huấn hoặc hỗ trợ du học để Việt Nam có thể học hỏi nhiều hơn nữa từ những công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.

"JICA mong muốn hỗ trợ trên cả 2 phương diện hạ tầng phần cứng và phần mềm như tăng cường đào tạo nhân lực, bí quyết quản lý kinh doanh; đóng góp vào công cuộc phát triển và giải quyết các vấn đề của Việt Nam", ông Tetsuo Konaka nói. 

Bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, ông Tetsuo Konaka cho rằng, người Việt Nam cũng cần tự mình nỗ lực, quan sát và tích lũy kiến thức: “Tôi thấy người Việt cũng rất chăm chỉ nhưng họ cần học tập tâm thế của người Nhật cũng như cách nhìn nhận sự vật, sự việc”.

Lãnh đạo JICA cho biết, ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, JICA cũng sẽ chia sẻ với Việt Nam các kinh nghiệm của các nước đang phát triển khác mà JICA đã từng phát triển dự án. Ngược lại, JICA cũng sẽ mang những kinh nghiệm đã thu được ở Việt Nam để chia sẻ với những nước đang phát triển khác.