"Nơi nào người dân không bảo vệ được rừng mới nên giao cho kiểm lâm"

Minh Anh - 09:14, 25/08/2017

TheLEADERTheo các nhà khoa học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên...

"Nơi nào người dân không bảo vệ được rừng mới nên giao cho kiểm lâm"
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại buổi góp ý cho Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) do Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng (Viện CENDI) phối hợp với Viện Tư vấn phát triển (Viện CODE) và Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á - Việt Nam (Trung tâm CIRUM) tổ chức.

Theo ông Nguyễn Danh, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Gia Lai nhận định, chính sách hiện nay gần như chưa tạo được bước tiến mới trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng nguyên sinh. Tình trạng rừng tự nhiên bị tàn phá, khai thác trái pháp luật đang diễn ra ở nhiều nơi.

Vậy tạì sao người dân không giữ rừng? Đó là do họ không sống được từ rừng. Việc khai thác rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện vẫn chưa phù hợp thực tế. Các tổ chức, cộng đồng dân cư đều không muốn nhận rừng sản xuất là rừng tự nhiên, Bởi gọi là rừng sản xuất nhưng chủ rừng không được hưởng, nhiệm vụ chính vẫn là bảo vệ và phát triển. Mối quan hệ phối hợp trong quản lý rừng và đất rừng giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực sự hợp lý và chặt chẽ.

Từ thực trạng này, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ để người dân đảm bảo cuộc sống. Dự thảo Luật cần quan tâm đến việc tiếp tục đổi mới chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với chế độ được hưởng lợi của các chủ rừng, của cộng đồng dân cư địa phương nơi có rừng, có như vậy mới bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững, ông Danh nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Danh, một vấn đề nữa là trước mắt có thể để người dân tạm thời sinh sống trong rừng. Tuy nhiên, nếu không di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, thực tế bảo vệ rừng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởì trong rừng đặc dụng, nếu để người dân tiếp tục sinh sống và phát triển về lâu về dài sẽ khó có thê bảo toàn được rừng. 

Do đó. cần nghiên cứu các phương án từng bước chuyển người dân ra khỏi rừng. Tất nhiên, việc này không thể làm ngay trong một sớm một chiều nhưng tương lai chắc chắn sẽ phải nghiên cứu thực hiện.

Đồng quan điểm, ông Lang Văn Tuần, Bí thư xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, hiện nay đang thiếu quy định về vai trò bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi đó, thời gian qua, không thể phủ nhận được vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã tham gia bảo vệ rừng rất hiệu quả. Do vậy, cần bổ sung một số điều khoản vào dự thảo Luật, ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ, bảo đảm cho đồng bào dân tộc miền núi có thể sống bằng nghề rừng, có thu nhập bảo đảm từ rừng. 

"Rừng phải có chủ. Nếu giao rừng cho dân, dân làm chủ rừng thì sẽ có trách nhiệm trong việc bảo vệ được rừng. Dân là chủ thì sẽ không phá rừng được", ông Tuần chia sẻ. Bên cạnh đó, cũng nên giao rừng cho chính quyền cấp xã, cơ quan Nhà nước cấp nhỏ nhất quản lý. Có như vậy, việc quản lý rừng mới đạt hiệu quả tốt nhất. 

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và môi trường), trước đây dân cư thưa thớt, khó quản lý, kiểm lâm có vai trò như chủ rừng vừa là cơ quan bảo vệ, phòng chống dịch bệnh, phòng cháy chữa cháy.

Tuy nhiên, hiện nay nhà nước chủ trương giao rừng cho người dân. Do đó, kiểm lâm không còn chức năng bảo vệ, mà chỉ là giám sát, phòng cháy chữa cháy, phòng chống dịch bệnh. Nơi nào không có dân quản lý, Nhà nước mới nên giao rừng cho kiểm lâm. Còn đối với rừng phòng hộ biên giới, dân cư thưa thướt, không bảo vệ được, Nhà nước nên giao cho quân đội quản lý, ông Chiến đề xuất.